Việc dùng trong thời gian dài các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,… không chỉ tác động xấu đến thị lực, tinh thần mà còn gây ra các hội chứng đau nghiêm trọng.
Công nghệ hiện đại giúp mọi việc nhanh chóng, tiện ích hơn, tuy nhiên việc lạm dụng nó có thể gây ra các chấn thương, cơn đau là điều khó tránh khỏi.
Thời gian dài làm việc với máy tính, sau đó là hàng giờ lướt qua những mạng xã hội trên thiết bị di động có thể gây căng thẳng cho cơ thể. Tình trạng này càng tăng cao vào năm 2020 bởi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, do mọi người phải ở nhà để phòng bệnh. Công nghệ sẽ ngày càng phát triển và gắn liền với con người nên chúng ta cần nhận biết 4 loại tổn thương do sử dụng thiết bị quá nhiều để có thể ngăn chặn và điều trị hiệu quả.
Hội chứng đau cổ
Hội chứng đau cổ (CPS) là các tình trạng đa dạng gây ra bởi những thay đổi ở cột sống cổ và mô mềm xung quanh, chủ yếu kèm theo cơn đau. Các yếu tố góp phần gây ra hội chứng này bao gồm, ngồi lâu ở tư thế không thoải mái, cổ gập.
Hai tư thế phổ biến nhất mà bất kỳ ai cũng từng trải qua khiến cơn đau cổ xuất hiện là dùng máy tính xách tay khi ngồi trên giường và nhìn xuống các thiết bị di động (hình minh họa).
Do xu hướng của các tư thế này là uốn cong trong thời gian dài, tác động tải tạo ra bởi trọng lượng của đầu và căng cơ cổ, cuối cùng sẽ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ và đĩa đệm, mất chức năng cổ và chứng cong vẹo cổ.
Biểu hiện phổ biến nhất của CPS là đau và co thắt các cơ cổ có thể kéo dài đến phía sau đầu và vùng vai. Ngoài ra còn xuất hiện đau đầu, tê râm ran chi trên kèm hoặc không kèm theo cơn đau. Các phát hiện chụp X quang thường phù hợp với việc mất đường cong bình thường của cột sống.
Các phân tích hình ảnh sâu hơn như chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy những thay đổi thoái hóa bên trong cột sống. (Ảnh minh họa).
Điều trị đau cổ có nhiều phương pháp nhằm giảm nhẹ các triệu chứng và điều chỉnh tư thế sai. Bên cạnh đó, dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hoặc thuốc giãn cơ là một biện pháp can thiệp ban đầu khá tốt. Phương pháp vật lý trị liệu cũng rất hữu ích khi tập trung vào các bài tập sức mạnh và phạm vi chuyển động. Đối với những người ngồi làm việc trong thời gian dài, thực hiện công thái học cũng giúp ích trong việc ngăn ngừa cơn đau thêm trầm trọng.
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay (CTS) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra khuyết tật tại nơi làm việc ở Hoa Kỳ. Trong số 10 người, có ít nhất 1 người phát triển hoặc bị các triệu chứng của hội chứng này.
CTS là kết quả của việc chèn ép dây thần kinh giữa khi nó đi qua ống cổ tay từ cổ tay đến bàn tay. (Ảnh minh họa)
Sử dụng bàn phím, chuột máy tính hoặc điện thoại di động nhiều hơn có thể góp phần làm trầm trọng thêm. Việc thực hiện tự chụp ảnh bản thân đã nổi lên như một dạng gây ra CTS trong thời đại kỹ thuật số. Những chấn thương như gãy xương có thể xảy ra do gập cổ tay nhiều lần để sử dụng thiết bị di động chụp ảnh bản thân.
Bệnh nhân CTS thường phải chịu những cơn đau, tê ngứa râm ran ở bàn tay, đặc biệt là ngón cái và hai ngón liền kề. Sự suy yếu của các cơ ở gốc ngón tay cái có thể phát triển do chèn ép dây thần kinh trung gian mãn tính.
Chẩn đoán CTS thường được thực hiện dựa trên tiền sử lâm sàng, khám sức khỏe, điện cơ (EMG) hoặc nghiên cứu dẫn truyền thần kinh. EMG hoặc nghiên cứu dẫn truyền thần kinh hỗ trợ xác định vị trí chính xác của dây thần kinh bị chèn ép để tạo điều kiện giải phóng nó.
Việc xử lý hội chứng này bao gồm cố định, bôi corticosteroid tại chỗ và tránh chấn thương mãn tính, lặp đi lặp lại. Trong những trường hợp CTS nặng, cần phải phẫu thuật để giải phóng sự chèn ép lên dây thần kinh.
Viêm màng gân cổ tay
Viêm màng gân cổ tay (DTS) là một chấn thương do sử dụng quá mức dẫn đến viêm một hoặc hai gân ở bên ngón cái của cổ tay. Đau và sưng có thể phát triển do sử dụng liên tục điện thoại di động dưới hình thức cầm nắm hoặc nhắn tin. Chụp ảnh tự sướng cũng có thể gây ra chấn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại cho các gân giống như DTS, cùng biểu hiện đau ở các vị trí tương tự.
Kích thước của thiết bị di động so với tay người dùng cũng đóng một vai trò trong sự phát triển của DTS. Nhiều loại điện thoại thông minh với màn hình lớn hơn đã được ra đời. Với kích thước lớn này, bàn tay sẽ phải chịu sự căng thẳng tác động mạnh hơn, dẫn đến nhiều trường hợp viêm màng gân nặng hơn.
Tư thế khi nhắn tin trên điện thoại di động là một trong những nguyên nhân thúc đẩy phát triển nhiều cơn đau và hội chứng bệnh. (Ảnh minh hoạ)
Chẩn đoán DTS dựa trên tiền sử của bệnh nhân và khám sức khỏe, cùng một số xét nghiệm để hỗ trợ như xét nghiệm Finkelstein, Eichhoff, WHAT. Điều trị DTS bắt đầu bằng việc nghỉ ngơi và điều chỉnh hoạt động lặp đi lặp lại, dùng thuốc chống viêm và có thể sử dụng một thanh nẹp ngón tay cái. Khi những phương pháp trên không thành công, tiêm corticosteroid có thể hữu ích hơn. Trong trường hợp mãn tính, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật giải phóng màng gân.
Viêm gân gấp ngón tay
Viêm gân gấp ngón tay là kết quả của sự dày lên của màng gân cơ gấp hoặc của chính gân cơ gấp. Ở người lớn, các ngón tay thường gặp hội chứng này nhất; còn đối với trẻ em, ngón tay cái là nơi bị ảnh hưởng chủ yếu.
Thời gian dài sử dụng điện thoại di động và bảng điều khiển trò chơi góp phần vào sự phổ biến ngày càng tăng của tình trạng này. Bệnh nhân thường bị đau và khó duỗi thẳng các ngón tay bị ảnh hưởng. Cơn đau cũng có thể kèm theo cảm giác bị búng hoặc nắm chặt, dẫn đến việc ngón tay bị khoá ở vị trí gập.
Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để giải phóng sự căng thẳng tác động lâu dài lên dây thần kinh hoặc gân và màng gân. (Ảnh minh hoạ)
Việc chẩn đoán hội chứng dựa vào tiền sử và khám sức khỏe. Các phát hiện lâm sàng thường bao gồm đau trên ròng rọc A1 (hình ảnh bên trái và trung tâm) và kiểm tra gân bằng cách uốn và mở rộng của ngón tay. Điểu trị ban đầu thường bao gồm điều chỉnh hoạt động, nẹp và tiêm corticosteroid trực tiếp vào màng gân. Nếu không thấy tiến triển với các phương pháp trên phẫu thuật giải phóng và tháo ráp ròng rọc A1 có thể được chỉ định.
Hương Giang (Theo Medscape)
http://vietq.vn/4-chan-thuong-co-the-thuong-gap-do-su-dung-thiet-bi-dien-tu-qua-nhieu-d181985.html