21 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngSử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi phải công bố...

    Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi phải công bố tên, hàm lượng

    Date:

    Related stories

    Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi phải công bố tên, hàm lượng… trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Trong đó quy định về việc sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

    Theo Thông tư, thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được Cơ quan thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm.

    Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non và trị bệnh cho gia súc, gia cầm không phải công bố tên, hàm lượng của kháng sinh trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin về kháng sinh nêu trên trong hồ sơ sản xuất.

    Chỉ được sử dụng thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm.

    Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y không có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh thì thực hiện theo quy định về thuốc thú y, nhưng không bắt buộc phải kê đơn; không phải công bố tên, hàm lượng của hoạt chất trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng phải công bố tên, hàm lượng hoạt chất, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin về hoạt chất nêu trên trong hồ sơ sản xuất.

    Thông tư nêu rõ, việc kê đơn thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện bởi bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề về phòng bệnh, trị bệnh cho động vật.

    Đơn kê phải thể hiện tên thuốc, hoạt chất, công dụng, liều dùng, thời gian sử dụng, thời gian ngừng sử dụng thuốc đảm bảo không gây kháng thuốc và tồn dư kháng sinh, hóa chất ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi và những khuyến cáo khác (nếu có).

    Thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng của từng loại thức ăn chăn nuôi. Chỉ được sử dụng thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm; thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ được phép lưu hành tại Việt Nam.

    Cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi nhật ký quá trình sử dụng.

    Ngày 7/11 WHO đã ra thông cáo báo chí khuyến cáo các nhà chăn nuôi gia súc và ngành công nghiệp thực phẩm ngừng sử dụng kháng sinh một cách thường xuyên để thúc đẩy tăng trưởng và ngăn ngừa bệnh ở các động vật nuôi khỏe mạnh.

    Các khuyến cáo mới của WHO nhằm mục đích duy trì hiệu quả của các thuốc kháng sinh quan trọng đối với việc chữa trị cho con người thông qua việc hạn chế sử dụng kháng sinh không cần thiết cho động vật. Ở một số quốc gia, khoảng 80% kháng sinh quan trọng đối với chữa trị cho con người được tiêu thụ trong ngành thú y, và chủ yếu là để thúc đẩy sự tăng trưởng của động vật khỏe mạnh.

    Sử dụng kháng sinh thái quá và không phù hợp ở người và động vật làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Một số loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở người đã trở nên kháng với hầu hết các phương pháp điều trị hiện có và rất ít các lựa chọn điều trị hứa hẹn đang được phát triển để có thể thay thế các kháng sinh bị vô hiệu.

    Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO kêu gọi: “Cần thiết có hành hành động mạnh mẽ và bền vững giữa các ngành và lĩnh vực, để chống lại tình hình kháng thuốc và bảo vệ sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới”.

    Theo Vietq

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img