18 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngSử dụng đũa mốc có thể gây ung thư?

    Sử dụng đũa mốc có thể gây ung thư?

    Date:

    Related stories

    Dùng đũa mốc có gây ung thư gan hay không? Đây là băn khoăn của nhiều người. Chuyên gia khuyến cáo, để bữa ăn được ngon miệng và bảo đảm an toàn thực phẩm, mỗi gia đình nên chọn và bảo quản đũa đúng cách.

    PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, đũa tre được sử dụng lâu đời nhất. Hiện nay có nhiều loại đũa tre, trong đó có loại được làm từ tre non, sử dụng một lần, đây là loại không tốt cho sức khỏe.

    Để đũa trắng, không bị mốc khi sản xuất, đũa thường được ngâm trong hóa chất, sau đó sấy khô. Vì thế, dù dùng một lần vẫn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

    Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, nếu dùng đũa tre, các gia đình nên chọn loại được làm từ tre già, sau khi mua về luộc trong nước sôi ít nhất 30 phút để diệt khuẩn, loại bỏ hóa chất bảo quản nếu có. Còn với đũa gỗ thường được sử dụng nhưng loại này được sơn hoặc nhuộm màu ở bên ngoài trông sạch sẽ, bắt mắt hơn. Với loại đũa được sơn ngoài bề mặt sẽ không an toàn cho sức khỏe bằng đũa gỗ thô.

    Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng, yếu điểm dễ nhận thấy nhất của hai loại đũa này là dễ bị nấm mốc, vi khuẩn tấn công. Bởi hai loại đũa này thấm hút nước rất tốt, đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn trú ngụ, gây mốc và gây hại với sức khỏe.

    “Thực tế, nhiều loại mốc có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng nhiều loại không thể quan sát được, do đó, nếu ăn phải dễ gây ngộ độc. Hầu hết khi rửa đũa chúng ta thường rửa phần thân đũa mà không rửa kỹ đầu ngọn đũa. Đây là nơi thức ăn dư thừa lưu lại nhiều, nếu để lâu trong môi trường ẩm, không khô thoáng sẽ gây ra nấm mốc, nguy hiểm cho sức khỏe” – PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.


    Dùng đũa mốc có gây ung thư gan? (Ảnh minh họa).

    Bên cạnh đó, rất nhiều người cho rằng việc sử dụng đũa mốc có thể gây độc cho gan, thậm chí ung thư gan. Theo PGS. TS. BS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, khoa học chứng minh các loại ngũ cốc bị nấm mốc, đặc biệt là lạc, đỗ, ngô thường chứa độc tố aflatoxin. Aflatoxin là chất gây độc cho gan, tiếp xúc lâu dài với aflatoxin nồng độ cao là nguyên nhân chính gây ung thư gan.

    Tuy nhiên, chưa nghiên cứu nào chứng minh dùng đũa nấm mốc chứa độc tố aflatoxin. Việc sử dụng đũa mốc không sạch dễ mắc bệnh cấp tính gây ra ngộ độc, tác động tới gan. Do vậy, khi sử dụng đũa có dấu hiệu mốc thì nên bỏ. Để tránh đũa bị mốc người dân nên phơi khô đũa sau đó mới cất.

    Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên sử dụng đũa nhựa. Với các loại đũa khác khi sử dụng cần đặc biệt chú ý khâu vệ sinh và nên thay đũa định kỳ. Với đũa inox nên thay khi thấy dấu hiệu bong tróc, biến dạng lớp mạ ở đầu đũa. Với đũa tre và gỗ, khi tiếp xúc với nước rất nhanh hỏng nên không nên dùng quá lâu.

    Người dân tốt nhất nên thay đũa định kỳ 6 tháng/lần hoặc thay ngay khi có dấu hiệu hư hỏng. Ngoài ra, khi rửa, người dân cần chú ý rửa sạch phần ngọn đũa, rửa bằng nước rửa chuyên dụng để loại bỏ chất bẩn được tốt hơn. Sau khi ăn xong, người dân cần rửa đũa ngay, nên rửa bằng nước nóng, tuyệt đối không ngâm đũa bẩn lâu trong nước sẽ khiến đũa nhanh hỏng vì nước ngấm, hút sâu vào bên trong.

    Cũng theo chuyên gia, gia đình có điều kiện có thể sử dụng máy sấy đũa sau khi rửa, bởi dù rửa sạch nhưng môi trường ẩm ướt vi khuẩn cũng rất dễ phát triển. Trường hợp không có máy sấy, các gia đình cần phơi đũa dưới ánh nắng mặt trời hoặc dùng máy sấy tóc sấy khô rồi bảo quản kỹ lưỡng; kiểm tra giỏ để đũa vì đáy giỏ thường chứa nhiều cặn bẩn, là nơi trú ngụ có nhiều loại vi khuẩn gây hại với sức khỏe.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/su-dung-dua-moc-co-the-gay-ung-thu-d226855.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img