Giới nghiên cứu phát hiện các loại xịt khử mùi, nước hoa, sơn, và xà phòng tạo ra lượng khí thải lớn hơn cả ô tô và xe tải, thực sự gây hại cho môi trường – Đó là một phát hiện gây nhiều kinh ngạc từ nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Khoa học (Science).

Các loại xịt khử mùi, nước hoa và xà phòng có thể khiến chúng ta có cơ thể thơm tho nhưng lại là chất có hại với môi trường, làm ô nhiễm không khí ở mức độ cao như khí thải từ phương tiện giao thông vận tải ngày nay gây ra. Các nhà nghiên cứu ở Mỹ cho rằng, muốn không khí sạch hơn thì cần ngưng sử dụng các loại xịt khử mùi, nước hoa.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy các hóa chất có gốc dầu hỏa được sử dụng để sản xuất nước hoa, sơn và các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm có thể (và kết hợp, phản ứng với nhau) gây ra các chất ô nhiễm cho môi trường giống như khí thải từ các loại xe cơ giới. Các chất tạo thành thường ở dưới dạng các hợp chất hữu cơ dạng rắn hoặc lỏng dễ bay hơi tự nhiên khi tiếp xúc với áp suất khí quyển tại nhiệt độ thường (hay còn gọi là VOCs).

Các nhà nghiên cứu cho biết, 40% hóa chất thành phần của các sản phẩm tiêu dùng bị khuyếch tán trong không khí.

Theo NYTimes, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình máy tính mô phỏng chất lượng không khí ở Los Angeles, tạo dữ liệu từ thành phần hóa học trong các sản phẩm tiêu dùng và ống bô thải khói để tính toán lượng khí phát thải.

Sử dụng mô hình này, họ có thể thấy dấu vết của các hợp chất hóa học từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân và cũng ước tính được lượng VOCs phát thải từ sơn và các hóa chất khác khi được giải phóng ra bên ngoài. Từ đó nhóm nghiên cứu nhận thấy, gần một nửa số VOCs trong không khí ở Los Angeles có thể do các sản phẩm tiêu dùng.

Tiến hành thí nghiệm trong phòng thí nghiệm giúp các nhà khoa học phát hiện ra rằng phun thuốc khử mùi hoặc lấy một lượng lớn kem dưỡng ẩm sinh ra các chất gây ô nhiễm không thể nhìn thấy được.

Ravi Ramalingam, lãnh đạo Ủy Ban Tài nguyên Không khí California nói rằng ông rất ngạc nhiên khi sơn và nước hoa tạo ra lượng khí thải lớn hơn cả ô tô và xe tải.

Có hàng chục ngàn hóa chất trong các sản phẩm tiêu dùng mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được những hóa chất cụ thể nào có thể tạo thành ozone hay hạt mịn PM 2.5.

Cũng theo ông Ramalingam: “Hiện nay chúng tôi vẫn đang tìm kiếm cơ hội giảm phát thải từ các sản phẩm tiêu dùng”.

“Một trong những điều mà chúng tôi hy vọng cộng đồng biết là nguồn năng lượng của chúng ta và các sản phẩm tiêu dùng được sử dụng hàng ngày đang liên tục thay đổi bầu khí quyển của chúng ta” – Nhà nghiên cứu Galina Churkina (trường Nghiên cứu Môi trường và Lâm nghiệp Yale) nói.

VOCs tương tác với các hạt khác trong không khí như NOx để tạo thành ozone, gồm các khối sương khói nitơ oxit, cacbonic, alđehyt, peoxit axetyl nitrat và một lượng nhỏ các chất oxi hóa. Khối sương khói này có thể gây bệnh hen, hen suyễn, sẹo phổi vĩnh viễn và ô nhiễm bụi mịn PM 2.5. Những hạt bụi siêu mịn có kích thước cực nhỏ có thể gây đau tim, đột quỵ và ung thư phổi.

Đáng chú ý, một số VOCs đang được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng để thay thế cho chlorofluorocarbons (viết tắt là CFCs, là hợp chất hữu cơ chứa cacbon, clo và flo thường dùng để làm lạnh, điều hòa không khí, có thể gây tử vong). Đầu những năm 1980, chlorofluorocarbons bị loại bỏ vì chúng bắt đầu làm mỏng tầng ozone của Trái Đất.

Nhà khoa học, Tiến sĩ, tác giả nghiên cứu chính Brian C. McDonald (Viện Nghiên cứu Khoa học Môi trường, thuộc Đại học Colorado, Boulder) đưa ra một số lời khuyên với những người muốn tìm kiếm giải pháp “tiêu dùng xanh”, đó là: “Sử dụng ít nhất các sản phẩm khửi mùi, tạo hương thơm… có thể để không khí sạch hơn”.

Theo moitruong.com.vn