12 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vững"Siêu vi khuẩn kháng thuốc"- cơn ác mộng trong lĩnh vực y...

    “Siêu vi khuẩn kháng thuốc”- cơn ác mộng trong lĩnh vực y khoa thế giới

    Date:

    Related stories

    Theo các bác sĩ, việc xuất hiện vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh đã trở thành “cơn ác mộng” trong ngành y khoa thế giới và cả Việt Nam.

    Siêu vi khuẩn kháng thuốc “cơn ác mộng” cho các bác sĩ

    Theo thống kê của WHO, trên thế giới có khoảng hơn 100 loại kháng sinh nhưng đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc kháng được tất cả các loại thuốc hiện có.

    Không quá khi ví các loại “siêu vi khuẩn” này là cơn ác mộng trong lĩnh vực y khoa, bởi một khi nhiễm phải nó, bệnh nhân gần như chỉ có một kết cục duy nhất là “chờ chết”, trong sự bất lực của các bác sĩ.

    Theo một bác sĩ Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đối mặt với vi khuẩn kháng thuốc, lựa chọn kháng sinh để điều trị sẽ trở nên rất ít, và đôi khi đó là những quyết định mang tính đánh đổi.

    Chuyên gia này dẫn chứng, colistin là một loại kháng sinh bị cấm sử dụng trên người từ những năm 70 của thế kỷ trước, vì có thể gây độc tính cho thận. Tuy nhiên, cách đây khoảng hơn 10 năm, các bác sĩ buộc phải đưa colistin vào điều trị, bởi nó gần như là loại kháng sinh duy nhất có thể ức chế vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter baumannii, được xem là nỗi sợ của các bác sĩ hồi sức. Vi khuẩn này cũng là căn nguyên của hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện.

    “Việc sử dụng kháng sinh colistin có thể khiến thận của bệnh nhân bị tổn thương, thậm chí là đối mặt với bệnh mạn tính phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các bác sĩ chỉ có 2 lựa chọn: Nguy cơ tổn thương thận hoặc bệnh nhân sẽ chết”, bác sĩ này dẫn chứng.

    “Cuộc chiến với vi khuẩn toàn kháng cũng giống như tay không bắt giặc. Trong tình huống này chúng tôi buộc phải tìm cách xoay sở. Tăng hiệu quả của các loại kháng sinh sẵn có, có thể là bằng cách tăng liều”.

    Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa cho sự sống của bệnh nhân, để hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể tạo nên điều kỳ diệu. Tuy nhiên, xác suất chữa khỏi là rất thấp”, vị bác sĩ mô tả, “Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc nếu đã bị nhiễm trùng máu, sốc, suy đa cơ quan thì tỷ lệ sống chỉ dưới 50%.

    Trong trường hợp không khống chế được, thời gian sống của bệnh nhân khó vượt quá 2 tuần. Thậm chí, với trường hợp đã bị sốc nhiễm khuẩn, dù có can thiệp tối đa về hồi sức, thời gian này thường chỉ là 2 ngày”.

    Sự xuất hiện của siêu vi khuẩn kháng thuốc đã trở thành cơn ác mộng cho ngành y khoa thế giới. Ảnh minh họa 

    Có rất ít kháng sinh mới có hiệu quả đang lưu hành trên thị trường

    Theo thống kê, có ít nhất 700.000 người trên thế giới tử vong mỗi năm vì nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Con số này có thể tăng lên 10 triệu người vào năm 2050, khi mà các chủng siêu vi khuẩn kháng thuốc càng ngày càng phát triển và lan rộng.

    Các chuyên gia, tổ chức y tế trong suốt nhiều năm qua đã liên tục phát đi những cảnh báo về “thảm họa” mà con người sẽ phải đối mặt khi không có những biện pháp mạnh mẽ chống lại tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

    TS Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới từng nhấn mạnh: “Thế giới chưa bao giờ đối mặt với mối đe dọa (siêu vi khuẩn) kháng kháng sinh như bây giờ và đang cần giải pháp cấp bách”.

    Theo báo cáo của WHO, hiện đang có rất ít kháng sinh mới có hiệu quả đang lưu hành trên thị trường. Điều này có nghĩa là thế giới đang mất dần các lựa chọn trong cuộc chiến chống siêu vi khuẩn.

    Tại Hội nghị Dược lâm sàng 2022 – Quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cảnh báo về thực trạng lạm dụng kháng sinh đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

    Ông cũng chỉ ra thực trạng nhiều người dân tự đi mua thuốc kháng sinh, thậm chí người bán thuốc có thể “kê đơn” cho người bệnh, điều này cực kỳ nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

    “Nhiều người cứ có triệu chứng ho, sốt là bảo nhau mua thuốc kháng sinh uống. Chỉ cần tìm tới một dược sĩ tại một đại lý thuốc bất kỳ, nói lại các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được kê ngay kháng sinh giảm đau, hạ sốt được chia thành các túi cùng lời dặn uống vào buổi sáng, chiều”, ông Tuyên nói.

    “Do đó, việc quản lý kháng sinh trong các cơ sở y tế là cấp thiết, cấp bách. Năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Năm 2020, Bộ Y tế tiếp tục ban hành hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đây là tài liệu không thể thiếu trong thực hành dược lâm sàng”, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

    Kháng kháng sinh là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với Việt Nam

    Theo một báo cáo của WHO, tại Việt Nam, kháng sinh chiếm hơn 50% các thuốc dùng cho người và thông thường được bán tại các nhà thuốc cộng đồng. Bên cạnh đó, bằng chứng cho thấy 88 – 97% các cửa hàng bán thuốc kê kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ mặc dù điều này đã bị cấm theo luật pháp Việt Nam.

    Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, TS. Angela Pratt phân tích: “Kháng kháng sinh là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với Việt Nam, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới.

    Hiện tại Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Đó là lí do vì sao, nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.

    Đơn cử như tỉ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli (vi khuẩn đường ruột) đã lên tới 30-40%, kháng luôn cả kháng sinh mạnh nhất là colistin. Thậm chí, tại một số tỉnh phía Nam, tỉ lệ kháng thuốc của E.coli còn lên tới hơn 74%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%…

    Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, do là bệnh viện tuyến cuối, nên tại Bệnh viện Bạch Mai gặp rất nhiều bệnh nhân bị đa kháng thuốc, kháng mở rộng và toàn kháng. Với trường hợp toàn kháng, khi đó, bác sĩ cũng bất lực, chỉ có thể giúp bệnh nhân truyền dịch, nâng cao thể trạng, tăng cường dinh dưỡng để cơ thể tự chống đỡ với vi khuẩn. Nếu không kiểm soát thì kháng kháng sinh sẽ lan truyền giữa vi khuẩn này với vi khuẩn khác, tình trạng đề kháng kháng sinh Carbapenem tăng nhanh chóng.

    E.coli là một trong nhiều loại vi khuẩn gram âm đường ruột kháng kháng sinh tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhóm siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh ở mức báo động hiện nay trên thế giới.

    Do kháng kháng sinh là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng và nếu không tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến tới một thế giới mà những bệnh nhiễm trùng thông thường không thể điều trị được và phẫu thuật thông thường có rủi ro cao vì nguy cơ nhiễm trùng khó kiểm soát hơn nhiều. Đó là một thế giới mà không ai trong chúng ta muốn sống”.

    Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách. Vì vậy hiện tại là thời điểm cần xem xét lại và đưa những nỗ lực của các nước để trở lại đúng hướng để giải quyết vấ sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách n đề kháng thuốc.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/sieu-vi-khuan-khang-thuoc–con-ac-mong-trong-linh-vuc-y-khoa-d208174.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img