Hiện nay đang là thời điểm nước rút của kỳ thi chuyển cấp nên học sinh lựa chọn các loại nước uống tăng lực, thuốc bổ não hay nhai kẹo cao su để tăng sự minh mẫn và tỉnh táo. Tuy nhiên theo chuyên gia dinh dưỡng đây là một sai lầm.

PGS.TS Bùi Thị Nhung – Chủ nhiệm khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thời điểm này đang ở giai đoạn nước rút của kỳ thi chuyển cấp cũng như kỳ thi hết năm học. Áp lực kỳ thi khiến không ít học sinh sẽ thức thâu đêm để học hoặc một đêm chỉ ngủ 2, 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, điều này khiến cho thần kinh căng thẳng, không thể tiếp thu được kiến thức, hôm sau các em sẽ mệt mỏi.

Để cải thiện tình trạng này nhiều em học sinh nghĩ rằng, uống trà, cà phê, nước tăng lực hoặc nhai kẹo cao su để tỉnh táo hơn cho việc học khuya. Chúng ta vẫn tưởng lầm rằng mùi hương và động tác nhai kẹo cao su sẽ giúp ta tỉnh táo nhưng thực tế ngược lại, chúng khiến ta bị phân tán và tạm quên đi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi trong chốc lát.

Bộ não vốn đã mệt mỏi lại bị bắt hoạt động khiến cơ thể càng mệt mỏi, thiếu minh mẫn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chất caffeine có trong các thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực… giúp mọi người tỉnh táo bằng cách “chống lại” đòi hỏi khi ngủ của cơ thể. Chất này còn làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều gây mất nước, mất ngủ, nhức đầu gây hại cho não và ngăn cản quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể.


Để giúp tinh thần thoải mái, tỉnh táo nhiều học sinh nhai kẹo cao su, uống cà phê, nước tăng lực, thuốc bổ não nhưng đây là một sai lầm. Ảnh minh họa

Nếu kẹo cao su có chứa đường, nó có tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Vi khuẩn sống trong khoang miệng tiêu hóa đường có trong kẹo, dẫn đến tích tụ mảng bám trên răng. Nó cũng làm hư hại răng theo thời gian. Nếu có dạ dày nhạy cảm hoặc khó tiêu, việc nhai kẹo cao su sẽ khiến nhiều học sinh nuốt từng ngụm không khí nhỏ và gây đầy hơi trong dạ dày, dễ dẫn đến đầy hơi khó chịu.

Ngoài ra việc nhai kẹo cao su có thể gây áp lực liên tục lên hàm làm tăng số lượng và tần suất của chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng. Trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến đau đầu mạn tính. Vì vậy, nếu có bệnh đau nửa đầu, tốt nhất là nên tránh hoàn toàn kẹo cao su.

Bên cạnh đó, mong muốn bồi bổ cho con cấp tốc khi mùa thi cận kề, không ít phụ huynh cho con sử dụng các loại thuốc bổ não. Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, không có một loại thuốc nào ngay lập tức làm tăng trí thông minh của các sĩ tử mùa thi chỉ trong vài tuần sử dụng.

Việc sử dụng thuốc bổ não tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: Đau vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa; mệt mỏi, nôn, tiêu chảy; cảm giác bồn chồn, dễ bị kích động; nhức đầu, mất ngủ, ngủ gà gật…

Đối với những học sinh có tiền sử mắc một số bệnh lý như bệnh tim, rối loạn đường ruột, rối loạn thần kinh và các bệnh lý về da… càng phải thận trọng khi dùng loại thuốc này.

Một số loại thuốc tốt cho não sẽ gây ra cảm giác buồn ngủ không cưỡng được, run tay, tăng phản xạ, rối loạn vận động… Các tác dụng phụ này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và cuộc sống nếu phải thường xuyên sử dụng thuốc trong thời gian dài.

Các loại thuốc “bổ não” với chức năng giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng tập trung lại có thể gây hiện tượng co giật đối với những bệnh nhân nhạy cảm hay dị ứng với thành phần của thuốc. Bệnh nhân có bệnh lý thần kinh cũng không được tự ý sử dụng nhóm thuốc này.

Do thuốc bổ não cũng có tác dụng phụ và chống chỉ định, vì vậy không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này, nhất là trong thời gian dài. Khi sử dụng cần có sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc của các bác sĩ chuyên khoa.

Do đó, để phát triển trí não, cần phải có đầy đủ chất đường, đạm, chất béo, các vitamin, các chất khoáng… Phát triển trí não là một quá trình phát triển liên tục từ trong bào thai cho tới khi trẻ được 2 tuổi và trong suốt giai đoạn học đường.

Cũng có thể bổ sung vi chất cho sĩ tử mùa thi, tuy nhiên không thể tự ý mua trên mạng bởi mỗi người có một thể trạng khác nhau, hấp thu tiêu hóa khác nhau, có người thiếu chất này nhưng lại không thiếu chất kia.

Vì vậy, cần phải có các xét nghiệm vi chất và bổ sung theo các xét nghiệm này. Nhưng cũng lưu ý rằng, không phải bổ sung vi chất ngay là sẽ có tác dụng, mà cần bổ sung một thời gian hằng tháng trước kỳ thi thì có thể mới có tác dụng.

An Dương (t/h)
https://vietq.vn/si-tu-mua-thi-sai-lam-khi-an-keo-cao-su-ca-phe-nuoc-tang-luc-thuoc-bo-nao-de-tinh-tao-d209906.html