Một nhóm công ty Nhật Bản đang lên kế hoạch sản xuất cồn sinh học (bioethanol) từ gỗ để làm nhiên liệu hàng không bền vững.
Theo Nikkei Asia, nhóm công ty nói trên dự kiến rót hàng trăm triệu USD vào dự án cồn sinh học, với hoạt động sản xuất chính thức bắt đầu vào năm 2027. Được biết, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có thể sản xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng, phế thải thực vật (vụn gỗ, mùn cưa, cành cây…) và các vật liệu khác, được cho là thải ra lượng khí CO2 ít hơn từ 70-90% so với nhiên liệu máy bay tiêu chuẩn. Liên minh châu Âu (EU) đang dẫn đầu về các quy định nhằm thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi SAF vào giữa thế kỷ này.
Công ty giấy Nippon Paper, Tập đoàn thương mại Sumitomo Corp. và một số công ty khác đang dự định thành lập một liên doanh vào năm 2024 để sản xuất và bán cồn sinh học. Green Earth Institute, một công ty Nhật Bản sở hữu công nghệ lên men riêng bằng vi sinh vật, cũng sẽ đầu tư vào dự án này. Cồn sinh học được sản xuất thông qua quá trình lên men các sản phẩm hữu cơ như tinh bột, cellulose…
Cồn sinh học sẽ được sản xuất tại các nhà máy của Nippon Paper và bán cho các nhà máy lọc dầu đang sản xuất SAF. Các đối tác đặt mục tiêu sản xuất hàng chục tấn cồn sinh học năm 2027, đủ để chế biến khoảng gần 10.000 kiloliter SAF (mỗi kiloliter tương đương 1.000 lít). Nguyên liệu thô chính sẽ là gỗ khai thác từ các khu rừng của Nippon Paper.
Công ty này đang sở hữu khoảng 90.000 hecta rừng ở Nhật Bản, chỉ đứng sau đối thủ Oji Holdings. Nippon Paper có kế hoạch tăng tính bền vững của nguồn cung bằng cách trồng cây giống có tốc độ phát triển nhanh hơn 50% và hấp thụ CO2 nhiều hơn 50% so với cây giống thông thường tại các khu vực khai thác gỗ.
Gỗ vụn được chuyển hóa thành đường rồi lên men để sản xuất cồn sinh học. Ảnh: Nikkei Asia
Liên doanh trên sẽ tìm cách giảm chi phí sản xuất SAF, một trong những rào cản đối với nỗ lực áp dụng rộng rãi hơn nhiên liệu máy bay được sản xuất từ thực vật. Nhiên liệu máy bay thông thường có giá khoảng 100 yen (0,76 đô la) mỗi lít, trong khi SAF có giá vài trăm đến vài nghìn yen mỗi lít tùy loại.
Các công ty Nhật Bản đã cố gắng sử dụng bắp nhập khẩu và các loại cây trồng khác để sản xuất cồn sinh học sử dụng để chế biến SAF nhưng lại gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định. Những người chỉ trích cho rằng, việc sử dụng bắp và mía để sản xuất nhiên liệu có thể góp phần gây mất an ninh lương thực. Trong khi đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng dầu ăn phế thải cũng gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp khác của Nhật Bản cũng muốn tham gia vào thị trường SAF. Công ty giấy Oji Holdings đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất thương mại cồn sinh học từ gỗ khai thác từ các khu rừng thuộc sở hữu của công ty này vào năm tài chính 2030. Oji Holdings dự dịnh xây dựng một cơ sở thử nghiệm có thể sản xuất 500 kiloliter cồn sinh học mỗi năm vào năm tài chính 2024.
Công ty năng lượng Eneos (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp để sản xuất 400.000 kiloliter cồn sinh học hàng năm từ dầu ăn thải bắt đầu từ năm 2025.
Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang thúc đẩy các hãng hàng không sử dụng nhiên liệu xanh hơn để cắt giảm khí thải nhà kính. Các nhà lập pháp của EU đã thông qua quy định đòi hỏi SAF chiếm 85% tổng số nhiên liệu hàng không tại các sân bay của khối này vào năm 2050.
Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đặt mục tiêu nhiên liệu hàng không được các hãng hàng không nội địa sử dụng phải bao gồm 10% SAF vào năm 2030. Con số này tương đương với nhu cầu SAF hàng năm là 1,71 triệu kiloliter. Mục tiêu sản xuất 10.000 kiloliter SAF của Nippon Paper sẽ đáp ứng ít hơn 1% nhu cầu đó.
Hãng hàng không All Nippon Airways có kế hoạch thay thế ít nhất 10% nhiên liệu bằng SAF trong năm tài chính 2030, trong khi đối thủ Japan Airlines (JAL) cũng nhắm đến mục tiêu thay thế 10%. Chủ tịch JAL Yuji Akasaka nói: “Các nỗ lực sản xuất SAF trong nước đang được thúc đẩy ở Nhật Bản. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi không bị bỏ lại phía sau”.
Bảo Lâm
https://vietq.vn/san-xuat-nhien-lieu-may-bay-tu-go-d207800.html