Theo ghi nhận thời gian gần đây, nhiều sản phẩm điện tử nhái thương hiệu, sản phẩm kém chất lượng có nguồn gốc Trung Quốc đang tràn vào thị trường Việt Nam gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.

Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, người tiêu dùng có thể mua đủ loại hàng hóa sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử chỉ bằng một cú chạm. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế, an toàn tính mạng và mất niềm tin cho người tiêu dùng, trong đó phải kể tới các sản phẩm điện tử.

Theo ghi nhận, thời gian gần đây, nhiều sản phẩm điện tử nhái thương hiệu, sản phẩm kém chất lượng có nguồn gốc Trung Quốc đang tràn vào thị trường Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử một cách ồ ạt và ở mức đáng báo động.

Anh C.T. (quận Tân Bình, TPHCM) mua loa nghe nhạc nhãn hiệu JBL trên sàn thương mại điện tử L. với giá 900.000 đồng, sau khi áp các voucher giảm giá thì giá trị chiếc loa chỉ còn hơn 300.000 đồng. Ngỡ tưởng mua được món hàng hiệu giá hời, tuy nhiên khi nhận hàng thì anh T. mới phát hiện đây là sản phẩm nhái thương hiệu, kém chất lượng.


Nhiều sản phẩm điện tử nhái thương hiệu, kém chất lượng được rao bán tràn lan trên mạng. Ảnh: Saigongiaiphong

Anh T chia sẻ: “Nhìn hình thức bề ngoài giống đến 99% sản phẩm chính hãng, kỹ lắm mới phát hiện ra là hàng nhái thương hiệu. Không những tôi, mà rất nhiều người đã mua phải những sản phẩm kém chất lượng như thế, khi bị phát hiện chủ shop có những lời lẽ thô tục, lật mặt, cãi tay đôi với khách. Qua sự việc này, tôi cũng mong các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt hơn hoạt động của sàn thương mại điện tử để loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng trên không gian mạng”.

Nguy hiểm hơn, nhiều loại thiết bị điện tử như cáp sạc điện thoại, máy tính trôi nổi, rẻ tiền có nguồn gốc từ Trung Quốc được rao bán, giảm giá rầm rộ trên sàn thương mại điện tử. Thực tế, tình trạng các linh kiện điện thoại không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường hay trên các sàn thương mại điện tử đã diễn ra suốt nhiều năm qua, tuy nhiên ít có một cơ quan quản lý nào “sờ gáy”. Họ vẫn buôn bán một cách dễ dàng, đã có rất nhiều sự việc thương tâm, cháy nổ liên quan đến việc sử dụng các thiết bị sạc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Anh N.C.P. (ngụ quận 12, TPHCM) tìm mua một bộ cáp sạc cho điện thoại của một thương hiệu E., trên sàn thương mại điện tử S. với giá chỉ 7.000 đồng, sau khi đã giảm giá. Khi nhận hàng, anh P. cắm thử thì cục sạc bất ngờ phát nổ, khói đen bốc lên, hoảng quá nên anh liền ngắt tất cả thiết bị điện trong gia đình.

“Rất may mắn là khi cắm sạc chỉ có tôi ở đó, nếu có trẻ con và người già trong gia đình vô tình sử dụng thì rất nguy hiểm đến tài sản và tính mạng. Tôi cũng nghe nói nhiều vụ chập điện, cháy nổ từ sạc điện thoại giá rẻ nhưng không nghĩ mình lại xui xẻo đến vậy”, anh P. kể lại.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2023, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 25%, so với cùng kỳ năm ngoái, đạt doanh thu 20,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023)

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng ấn tượng này là nỗi lo hàng giả, hàng nhái kém chất lượng gây mất niềm tin, thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Hiện nay, nhiều gian thương đã lợi dụng việc thiếu kiểm soát để tuồn sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử.

Bằng chứng, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường, thuộc Bộ Công Thương cho biết, ở nước ta, hàng năm lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và xử lý hàng trăm ngàn vụ hàng giả, hàng nhái. Các sản phẩm này đang gây nguy hại đến người tiêu dùng về nhiều mặt. Như trường hợp các sản phẩm hàng gia dụng, đồ điện tử bị làm giả đa phần gây thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt kinh tế. Hàng không chính thống này còn làm ảnh hưởng đến người sản xuất chân chính, các thương hiệu chính hãng khi giảm sút về doanh số, uy tín thương hiệu và mất lòng tin nơi người tiêu dùng.

Đặc biệt, nhiều nguy cơ liên quan phát sinh khi sử dụng hàng không chính hãng, giá rẻ, bán trôi nổi trên thị trường có chất lượng kém, nguyên vật liệu không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Do đó theo các chuyên gia cần lựa chọn các thương hiệu lớn vì không phải “một sớm một chiều” mà một thương hiệu nào đó đi vào lòng người. Các thương hiệu uy tín, lâu năm đã có thời gian kiểm chứng từ rất nhiều khách hàng, có thể yên tâm chọn mua và sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên, có một thực tế là sản phẩm thương hiệu càng lớn càng dễ bị làm giả vì mục đích lợi nhuận, do đó cần phải lựa chọn nơi mua sắm uy tín. Xem kỹ nhãn mác, bao bì khi lựa chọn sản phẩm điện tử.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 4: 2009/BKHCN về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 4: 2009/BKHCN do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 21/2009/TT-BKHCN ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo quy định tại Quy chuẩn này các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là cơ quan kiểm tra).

Thiết bị điện và điện tử phải được đánh giá, chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 “thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất” được quy định trong Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Giấy chứng nhận hợp quy khi đánh giá theo phương thức 5 có giá trị hiệu lực không quá 3 năm. Trường hợp thiết bị điện và điện tử nhập khẩu theo lô hàng chưa được đánh giá chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này phải được đánh giá chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 “thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hoá” được quy định trong Phụ lục II của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việc chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy thiết bị điện và điện tử được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Dấu hợp quy và việc sử dụng dấu hợp quy phải tuân thủ theo khoản 2 Điều 4 của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy“ ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/san-pham-dien-tu-nhai-kem-chat-luong-tran-ngap-san-thuong-mai-dien-tu-d219712.html