Ấm siêu tốc (bình đun siêu tốc) là thiết bị gia dụng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách sản phẩm dễ hư hỏng, tốn điện.
Để nguyên nước trong bình, lúc cần dùng bật lên nấu lại
Ấm siêu tốc tuy có ưu điểm là thời gian đun rất nhanh, tự động tắt khi nước sôi nhưng lại không có khả năng giữ được nhiệt. Nhiều người lại có thói quen để nguyên trong bình, lúc cần dùng thì bật lên nấu lại.
Việc đun đi đun lại không ảnh hưởng tới chất lượng nước nhưng làm tăng hóa đơn tiền điện. Bởi công suất của bình siêu tốc rất lớn (600-2.500 W). Vì vậy, việc đun đi đun lại nước gây tốn kém điện năng tiêu thụ không đáng có. Để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như tiết kiệm nhiều điện hơn nên sử dụng kèm một chiếc phích giữ nhiệt. Khi đun nước bằng ấm siêu tốc, nếu không dùng hết thì nên rót ngay vào phích để giữ nhiệt.
Đun nước liên tục
Nhiều người đã sai lầm khi cho rằng nấu nước liên tục sẽ tiết kiệm được nhiên liệu bởi ấm đang nóng sẵn. Thực tế, dù có đun nước bao nhiêu lần đi chăng nữa thì bình siêu tốc vẫn sử dụng bấy nhiêu điện năng để đun sôi nước, không có khả năng giảm điện năng tiêu thụ. Hơn nữa, việc đun liên tục như vậy có thể khiến mâm nhiệt của bình vượt quá công suất cho phép nên dễ gây cháy, nổ và hỏng bình.
Nhiều trường hợp đun nước trong một thời gian dài, rơle nhiệt sẽ tự động ngắt mạch điện làm ấm đun ngừng hoạt động, dù có cắm phích điện vào nguồn nhưng không thấy đèn báo sáng. Tốt nhất sau khi đun nước với ấm siêu tốc 1 lần, hãy để cho ấm nghỉ khoảng 15 phút, khi đã nguội thì mới tiếp tục nấu nước lại lần 2. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm được khá nhiều điện năng mà còn tăng được độ bền cho ấm.
Sử dụng ấm siêu tốc sao cho an toàn, tiết kiệm điện cần tránh mắc sai lầm. Ảnh minh họa
Đun ấm trong phòng có điều hòa, quạt
Một trong những sai lầm mà người dùng ấm siêu tốc hay gặp phải đó chính là đun ấm trong phòng có điều hòa. Ít ai biết rằng, việc này có thể làm tổn thất lượng nhiệt của cả ấm đun siêu tốc và máy điều hòa.
Cũng giống như sử dụng ấm siêu tốc đun nước trong phòng điều hòa, ấm siêu tốc đun nước khi để trước các luồng gió của quạt cũng sẽ khiến gia đình tiêu tốn nhiều năng lượng điện hơn. Lúc này, không chỉ ấm siêu tốc bị tổn thất lượng nhiệt mà quạt cũng bị tổn thất nhiệt.
Không đổ đúng lượng nước quy định
Trên mỗi ấm siêu tốc đều có vạch min – max để quy định mức nước phù hợp khi đun. Nếu mức nước dưới vạch min (nhỏ nhất) sẽ khiến nước nhanh bị cạn, dễ tạo thành chất cặn trong đáy ấm. Nếu nước bên trên vạch max (nhiều nhất) sẽ dễ làm nước bị trào ra ngoài, gây chập điện và rất nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng. Vì vậy, hãy đổ lượng nước đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, trên mức tối thiểu và dưới mức tối đa.
Không đậy nắp hoặc đậy không kín khi đun nước
Rất nhiều người khi cho nước vào ấm siêu tốc để đun nhưng không đóng nắp chặt. Hành động sai lầm này vừa gây tốn điện lại mất nhiều thời gian đun sôi nước hơn. Bởi ấm đun nước siêu tốc được thiết kế rơ-le tự động ngắt nguồn điện chỉ khi nắp ấm đã đóng kín. Do vậy, nếu nước sôi mà không được ngắt điện sẽ gây ra nguy cơ cháy nổ, hỏng ấm là rất cao.
Sử dụng ấm siêu tốc để nấu thức ăn
Ấm siêu tốc được tạo ra để đun nước chứ không có tác dụng nấu ăn như luộc trứng, nấu canh hay đun sữa…Việc sử dụng ấm cho các việc khác khiến cặn đóng vào thành ấm, vừa làm giảm tuổi thọ của ấm mà lại ảnh hưởng tới chất lượng nước. Ngoài ra, nấu ăn bằng ấm siêu tốc cũng chưa chắc làm thức ăn chín hẳn.
Đổ cạn nước trong ấm sau khi sôi
Sau khi nước sôi, hầu như mọi người đều có thói quen đổ hết nước trong ấm ra. Việc làm này cần được bỏ ngay lập tức bởi khi ấm nước sôi, mâm nhiệt vẫn tiếp tục sinh nhiệt dù công tắc điện đã tắt. Nếu không chừa lượng nước trong ấm, mâm nhiệt rất nhanh hỏng. Vì vậy, nên để khoảng 20 ml nước trong ấm, đợi cho đến khi nguội hẳn rồi mới trút cạn.
Cắm chung ấm siêu tốc với thiết bị điện khác
Ấm siêu tốc có công suất khá cao. Do đó, để đảm bảo an toàn, người dùng nên cắm điện vào một ổ riêng. Ngoài ra, không nên cùng lúc vừa nấu nước, vừa nấu cơm điện, vừa bật bếp điện, bàn là, máy giặt… bởi các thiết bị điện này đều có công suất cao, có thể gây quá tải, tự động ngắt nguồn điện, thậm chí là cháy nổ.
Để cặn bã dưới đáy ấm lâu ngày
Việc tích cặn bã dưới đáy ấm lâu ngày cũng gây nên hiện tượng tiêu hao điện năng. Sở dĩ có tình trạng này là vì đối với những chiếc ấm đun lâu ngày, có thể cặn bám nhiều dưới đáy bình, gây cản trợ khả năng trao đổi nhiệt của ấm.
Làm sạch bình đun siêu tốc sẽ giúp tăng khả năng chuyển hóa nhiệt của ấm, giúp nước nhanh sôi, hệ thống rơ le ngắt điện nhạy bén linh hoạt, tăng tuổi thọ hoạt động của thiết bị và tiết kiệm được khá nhiều điện năng. Nên dùng vải mềm lau bên trong bình để tránh làm trầy xước lớp men tráng, giúp kéo dài tuổi thọ bình.
Cách chọn ấm siêu tốc chất lượng, tiết kiệm điện
Ấm đun siêu tốc là một thiết bị gia dụng quen thuộc và không thể thiếu trong gian bếp phòng khách của mọi gia đình hiện nay. Với sự phát triển của công nghệ thì ngày nay ấm đun siêu tốc không chỉ có mỗi chức năng làm sôi nước mà còn được trang bị nhiều tính năng mới cùng sự đa dạng về mẫu mã khiến cho sự lựa chọn của người dùng trở nên khó khăn hơn. Vậy chọn mua ấm đun siêu tốc như thế nào sao cho an toàn, tiết kiệm điện và phù hợp với nhu cầu sử dụng?
Chọn dung tích ấm đun phù hợp với nhu cầu sử dụng: Dựa vào số thành viên trong gia đình và nhu cầu thực tế của mỗi người để bạn chọn lựa một ấm đun siêu tốc có dung tích phù hợp, các loại ấm đun siêu tốc phổ biến có dung tích từ 2,2 – 5 lít.
Ấm đun có dung tích lớn, năng lượng điện tiêu thụ cũng lớn hơn. Chính vì vậy cần chọn loại bình vừa với nhu cầu gia đình mình để tiết kiệm điện năng. Nếu chọn không đúng dung tích sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm hằng ngày.
Chất liệu ấm đun: Các loại ấm đun siêu tốc ngày nay chủ yếu được sản xuất từ các loại nhựa tốt (như melamine…), tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất nên không gây ra độc tố. Khi chọn mua nên xem kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua, nhất là thành phần nhựa. Khi sử dụng cũng nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng của đồ dùng.
Đế tiếp điện và đế tiếp nhiệt là một yếu tố quan trọng cần tham khảo kỹ. Có 3 loại đế tiếp điện (bộ điều chỉnh nhiệt/đế tiếp nhiệt) phổ biến: Đế tiếp điện loại phổ thông. Loại này đạt chuẩn an toàn về điện, độ bền để sản xuất đạt chuẩn, có tuổi thọ vừa phải. Đế tiếp điện loại trung cấp. Ấm đun siêu tốc có đế tiếp điện loại trung cấp thường đạt chuẩn an toàn về điện và độ bền để sản xuất, có khả năng chịu được số lần hoạt động cao hơn loại phổ thông. Đế tiếp điện loại cao cấp thường đạt chuẩn an toàn, độ bền cao, có khả năng kiểm soát nhiệt độ chính xác.
Chọn công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng: Các loại ấm đun siêu tốc ngày nay có công suất càng lớn thì thời gian đun sôi càng nhanh từ 5 đến 7 phút tùy lưu lượng nước và công suất. Chính vì vậy, lượng điện tiêu hao sẽ không đáng kể.
Chọn tính năng phù hợp với nhu cầu sử dụng: Đáp ứng nhu cầu đa dạng của đại đa số người dùng, ấm đun siêu tốc này nay có rất nhiều loại với nhiều tính năng khác nhau. Từ loại bình đơn giản chỉ có chức năng đun làm sôi nước và giữ ấm, đến những loại bình cao cấp đắt tiền có bảng điều khiển điện tử nhìn khá hiện đại và bắt mắt. Tuy nhiên chỉ nên chọn loại bình với những tính năng cần thiết với nhu cầu sử dụng của gia đình.
Đa số các ấm đun siêu tốc ngày nay đều động ngắt khi nước cạn hết hoặc đang sôi, các loại bình cao cấp đắc tiền còn được trang bị tính năng hẹn giờ, giúp không phải chờ đợi nước sôi. Nhưng nếu thường xuyên ở nhà và sử dụng nước một cách liên tục, thì có thể bỏ qua loại bình có tính năng này, mà chỉ chọn các loại bình có nút Reboil để đun sôi nước nhanh chóng ngay khi cần sử dụng.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/sai-lam-pho-bien-khien-am-sieu-toc-ton-dien-nhanh-hong-cach-lua-chon-va-su-dung-an-toans25-d215336.html