Mặc dù được sản xuất dựa trên công nghệ ‘xô chậu’ nhưng vẫn có rất nhiều người đặt hàng mua những lọ kem trộn không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng này.
Hiện nay, kem trộn không còn quá xa lạ đối với các chị em và người dùng mạng xã hội. Chỉ với một từ khoá “kem trộn”, người dùng nhận được rất nhiều kết quả về những nhà chuyên sản xuất, phân phối kem trộn, như: Kem trộn bà Vú; kem trộn Nguyễn Ngọc Tuyền; kem trộn Ngọc Tuyền Đồng Tháp; kem trộn Ngọc Tuyền Miền Tây; Vân kem trộn; kem trộn cốt Thái siêu trắng nhanh; kem trộn Huỳnh Lâm Diễm My…
Bên cạnh việc từ hàng ngàn, đến hàng trăm ngàn lượt theo dõi, điểm chung của các “kênh” bán hàng này là đều chọn thời điểm livestream trên facebook vào các khung “giờ vàng”.
Theo đó, hình ảnh quen thuộc của các video được phát sóng công khai trên mạng xã hội là sản xuất mỹ phẩm hoàn toàn bằng công nghệ “xô chậu”, không đồ bảo hộ, trang thiết bị sản xuất mỹ phẩm là những chiếc thau nhựa, muôi múc canh và máy đánh trứng…Kem trộn được sản xuất không theo bất cứ một tiêu chuẩn nào.
Tại kênh “Kem trộn Ngọc Tuyền”, “Kem trộn Ngọc Tuyền Đồng Tháp”, người dùng mạng xã hội không khó để tìm thấy hàng loạt video đã được phát sóng trực tiếp.
Nội dung của những video này là ghi lại cảnh người phụ nữ tự giới thiệu tên Ngọc Tuyền với quy trình làm kem trộn của mình. Vừa giới thiệu về công dụng của kem trộn, tài khoản có tên là Ngọc Tuyền vừa dùng đôi tay trần thoăn thoắt đổ mỹ phẩm ở hàng trăm hũ nhỏ vào chung một chậu nhựa lớn, sau đó dùng máy đánh trứng đánh đều.
Khi thành phẩm được đánh đều, cũng là lúc người này vừa “chốt đơn” với khách đặt mua qua mạng, vừa dùng muôi múc kem trộn vào các hũ nhựa. Theo đó, ngoài “chốt” đơn lẻ, các kênh kem trộn này chủ yếu bán sỉ với số lượng ít nhất từ 5kg/lần lên đơn, với giá là 350.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu “chốt” sỉ trên livestream, giá có thể thấp hơn rất nhiều, chỉ từ 290.000 đồng/kg.
Công nghệ “xô chậu” sản xuất kem trộn với giá vài trăm nghìn đồng một lọ.
Theo Nghị định 93/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm nêu rõ về điều kiện để một cơ sở sản xuất mỹ phẩm hoạt động là phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (Điều 3) và để có Giấy chứng nhận này, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng điều kiện về nhân sự (có chuyên môn về hóa học, sinh học, dược học), có điều kiện về cơ sở vật chất (kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói, thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói, có khu vực riêng để bảo quản), và phải có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu: Quy trình sản xuất cho từng sản phẩm, có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm…
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vi phạm về mỹ phẩm. Trong đó có những cơ sở sản xuất mỹ phẩm theo hình thức thủ công, “xô chậu” với hàng tấn nguyên liệu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Đáng chú ý, thời điểm tháng 6/2021, lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội sản xuất, sang chiết hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi đựng trong các xô, chậu.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp…Ước tính ban đầu giá trị hàng hóa tại cơ sở lên đến hàng tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT nhận định, thực tế trong quá trình thực hiện kiểm tra, kiểm soát trên thị trường cho thấy tình trạng giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang điện tử, việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số ngày càng đa dạng, phong phú. Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số để kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Bà Hương giải thích thêm, đây là loại hình kinh doanh rất khó quản lý, kiểm soát nhất là trong bối cảnh trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số công chức QLTT còn hạn chế chưa đồng đều hiện nay.
Đặc biệt, hiện một số loại mỹ phẩm giả mạo nhãn hiện nhưng do không có mẫu thật, không có đại diện sở hữu nên không thể xử lý. Kinh phí trong giám định chất lượng mỹ phẩm rất hạn chế so với yêu cầu thực tế của công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trong thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất kinh doanh có trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm đảm bảo chất lượng ra lưu thông trên thị trường và để người tiêu dùng biết lựa chọn những sản phẩm có chất lượng.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý mỹ phẩm. Tổng cục QLTT cũng đề nghị đưa mặt hàng mỹ phẩm là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, tất cả hàng hóa mỹ phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường phải bắt buộc ghi số công bố mỹ phẩm trên nhãn hàng hóa.
Bên cạnh vấn nạn kem trộn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng là một vấn đề nhức nhối.
Với xã hội phát triển như hiện nay, mỹ phẩm là thứ khó có thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chị em phụ nữ và ngay cả với nam giới. Số lượng tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao đã khiến mỹ phẩm trở thành mục tiêu làm nhái, làm giả của các đối tượng phi pháp.
Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, các lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều trường hợp làm giả làm nhái mỹ phẩm cao cấp.
Thời điểm tháng 6/2021, Đội QLTT số 11 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm do ông Nguyễn Hữu Duy làm chủ tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
Kết quả kiểm tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 6.600 chai sữa tắm giả thương hiệu nổi tiếng của Pháp; gần 1.000 hộp sữa tắm xông trắng; 6.000 lọ Serum làm sáng da Vitamin C Balance; gần 1.400 chai sữa tắm hương hoa cỏ Innisfree; 2.300kg dầu gội không nhãn mác; 2.400 chai bao bì Coco Chanel; 1.100 vỏ hộp giấy 350ml Coco Chanel; 3 chiếc máy dùng để sản xuất mỹ phẩm.
Số mỹ phẩm trên đa phần không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.
Cũng trong thời gian đó, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) đã thực hiện cuộc “tổng tấn công” quy mô lớn vào các kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên, thu giữ hàng chục tấn sản phẩm không có giấy tờ hợp pháp.
Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.
Theo quy định của pháp luật, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường phải có tem nhãn phụ. Những mặt hàng trên không có nhãn mác phụ, không có hóa đơn chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và hầu hết được bán qua livestream, Facebook với hàng chục nghìn người theo dõi.
Thực tế trên một lần nữa tiếp tục dấy lên những lo ngại về hậu quả khi sử dụng những loại “mỹ phẩm” mà không ai biết thành phần gồm những gì và tác dụng ra sao. Rõ ràng vấn nạn hàng giả, hàng nhái vốn đã nhiều lại càng trở nên nhức nhối.
Trước thực trạng này, người tiêu dùng như rơi vào “mê hồn trận” khi ngoài thị trường hàng giả, hàng thật lẫn lộn. Chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe người tiêu dùng, không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh mỹ phẩm vẫn bất chấp để nhập lậu, bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, hình thức mua sắm những mặt hàng này trên mạng càng trở nên dễ dàng hơn và khi đã mua online càng khó đoán được chất lượng.
Son chỉ có giá từ 20.000 – 150.000 đồng; serum dưỡng da của hãng mỹ phẩm nổi tiếng cũng chỉ dưới 300.000 đồng… những mỹ phẩm giá rẻ này không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Dễ mua, giá rẻ, có lẽ tiêu chí lựa chọn của không ít người tiêu dùng.
Mặc dù biết rõ rằng sử dụng các mỹ phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc có thể gây ra những hậu họa khôn lường cho sức khỏe, tuy nhiên, với tâm lý ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn bất chấp các nguy cơ, vẫn tìm mua các mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Chính tâm lý này cũng là một trong những hành vi tiếp tay cho vấn nạn mỹ phẩm giả tràn lan.
Hiện nay, việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc rất phổ biến do được phân phối rộng rãi. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng thời, người tiêu dùng cần thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn mỹ phẩm giả, kém chất lượng; tránh tâm lý ham rẻ rồi lại “tiền mất tật mang”, vô tình tiếp tay cho các chủ cửa hàng kinh doanh kiếm lợi bất chính.
Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98. Trong đó, sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt từ 100 – 140 triệu đồng.
Mức phạt trên tăng gấp 2 lần so với mức phạt trước đây. Tuy nhiên, đây có lẽ vẫn chưa phải là chế tài đủ mạnh để ngăn chặn triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả bởi lợi nhuận “khủng” từ việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc còn cao gấp chục lần so với việc phạt hành chính.
Diệu Hương (T/h)
https://vietq.vn/rung-minh-cong-nghe-xo-chau-san-xuat-kem-tron-d193660.html