Sở TN&MT TP.HCM cho biết, hiện nay, các điểm thu hồi rác thải điện tử vẫn chưa được triển khai triệt để, do đó, tồn tại các hoạt động tái chế chất thải điện tử chưa đúng theo quy định.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các thiết bị điện, điện tử được sản xuất ngày càng nhiều, phục vụ đắc lực cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, những sản phẩm điện, điện tử lại đang bị người tiêu dùng thải hồi, thay thế một cách nhanh chóng, trở thành nguồn rác thải khổng lồ với hàng chục triệu tấn mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường và là hiểm họa lớn cho sức khỏe con người, đặc biệt ở tại các thành phố lớn như TP.HCM.

Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TPHCM cho biết, rác thải điện tử là nhóm chất thải đặc thù phát sinh chủ yếu từ hộ gia đình, các văn phòng công sở,… bao gồm máy tính, ti vi, đồ gia dụng đã qua sử dụng có chứa các vi mạch, bo mạch, pin, cần được xử lý nhằm bảo đảm an toàn bảo vệ mội trường.

Quyết định số 16/22015/QĐ-TTg, ngày 22/5/2015 quy định rác thải điện tử thuộc nhóm sản phẩm thải bỏ và nêu rõ trách nhiệm các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng hóa trên thị trường Việt Nam lắp đặt điểm thu hồi, chuyển giao sản phẩm thải bỏ đến đơn vị có chức năng tái chế, xử lý theo quy định.


Rác thải điện tử hiện vẫn chưa được xử lý theo đúng quy định. Ảnh minh họa

Ông Hiền cho hay, trên địa bàn TP.HCM, việc chất thải điện tử được đưa đến các điểm thu mua phế liệu là do thói quen người dân vẫn chuyển giao, cho, bán các chất thải còn giá trị kinh tế, mặt khác các điểm thu hồi chất thải điện tử theo quy định vẫn chưa triển khai triệt để. Do đó, tồn tại hoạt động tái chế chất thải điện tử chưa đúng theo quy định.

Trong nhiều năm qua, Sở TN&MT đã thực hiện nhiều phương thức tuyên truyền đưa thông tin đến người dân thành phố biết về tác hại của chất thải điện tử và hướng dẫn chuyển giao đến các điểm thu gom trên địa bàn, lồng ghép vào chương trình thu gom chất thải nguy hại từ hộ gia đình tổ chức hằng năm (từ kinh phí thành phố trong Chương trình Giảm ô nhiễm), cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị tự nguyện tham gia lắp đặt nhiều điểm thu gom chất thải điện tử tại một số quận huyện, trường đại học và thiết lập gian hàng thu nhận chất thải điện tử trong các Ngày Hội tái chế, Ngày Hội sống xanh. Cụ thể, chất thải điện tử thu gom từ hộ gia đình do quận/huyện thực hiện trong 02 năm gần nhất: Năm 2021 là 4.251 kg, năm 2022 là 1.078 kg.

Liên quan tới rác thải điện tử, theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” do Liên Hợp Quốc công bố, năm 2019, toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đó và châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn). Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), lượng chất thải điện tử mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax…).

Rác thải điện tử là những sản phẩm điện hoặc điện tử ở vòng đời cuối như hư hỏng, lỗi thời… và có thể đem tái chế được như đầu đĩa DVD, máy in, tivi, điện thoại, laptop… Trong loại rác thải này có rất nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe con người như cadium trong điện trở, chì, thủy ngân…

Rác thải điện tử chứa nhiều chất thải cực kì độc hại và hiện nay lượng rác này đang ngày càng tăng lên nhất là những nước đã và đang phát triển, đe dọa đến môi trường và sức khỏe con người. Những rác điện tử như điện thoại, tủ lạnh… nhìn bề ngoài thì hoàn toàn thấy vô hại nhưng chất cấu tạo nên nó mới thực sự độc hại. Những loại rác này thường được tạo bởi kim loại nặng, hợp chất hóa học dễ xâm nhập vào đất và nước.

Ở Việt Nam, các vựa ve chai thường thu mua loại rác này và họ tự tháo gỡ những bộ phận bên trong để bán lại. Chính sự vô tình này đã làm các chất độc hại bám vào đất và tích tụ dần thẩm thấu vào nguồn nước ngầm. Không chỉ vậy, tay chân họ cũng dính những chất kim loại nặng đó, mặc dù rửa với xà bông nhưng nó vẫn sẽ còn bám lại và dễ gây bệnh cho họ về đường hô hấp, thậm chí ưng thư, suy giảm nhận thức…

Hiện nay còn nhiều nhà máy xử lý rác điện tử còn thô sơ, không được vận hành một cách an toàn. Đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi.

Rác thải điện tử là tivi, camera, màn hình máy tính thường có ống tia cực âm bên trong, ống chứa chất như chì và baric dễ ngấm vào đất và nước ngầm nơi tái chế, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nơi đó khi sử dụng nước để nấu nướng, tắm rửa. Trước những tác hại này, theo cơ quan chức năng, người dân không nên tái chế, đốt, xử lý một cách bừa bãi, không đúng quy định. Rác thải điện tử phải được phân loại và xử lý đúng quy trình.

An Dương

https://vietq.vn/tphcm-rac-thai-dien-tu-van-chua-duoc-tai-che-dung-theo-quy-dinh-d214832.html