18 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeSản xuất sạch hơnQuy định tái chế nhiều sản phẩm bắt đầu có hiệu lực...

    Quy định tái chế nhiều sản phẩm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024

    Date:

    Related stories

    Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024.

    Cùng với xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải.

    Một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chính là tái chế chất thải hiệu quả. Định hình được nhân tố này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tăng cường quản lý chất thải, tái sử dụng, tái chế, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

    Đặc biệt, với mục tiêu hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) với hai trách nhiệm là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

    Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có thêm 2 trách nhiệm: tái chế sản phẩm, bao bì và thu gom, xử lý chất thải. Trong đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo lộ trình: một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2024; một số sản phẩm thực hiện từ đầu năm 2025 và từ đầu năm 2027. Nhà sản xuất, nhập khẩu có quyền lựa chọn một trong hai phương án: hoặc tổ chức tái chế, hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

    Với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải, doanh nghiệp phải thực hiện ngay từ ngày 1/1/2022 – thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Đây là khoản đóng góp bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhập khẩu.


    Theo Luật Bảo vệ Môi trường các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Ảnh minh họa

    Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng cho hay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được doanh nghiệp đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu.

    Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện-điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắcquy từ 8-12%, tùy từng loại (trong đó ắcquy chì 12%, ắcquy các loại khác 8%).

    Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10-22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%…

    Theo quy định, đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm: Thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ximăng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế. “Riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì,” ông Hùng thông tin.

    Về quy cách tái chế bắt buộc, ông Hùng cho hay theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn nhiều giải pháp tái chế.

    Đơn cử như đối với săm lốp, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế như làm lốp dán công nghệ cao hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu hoặc chưng phân đoạn thành dầu. Đối với pin sạc, doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế như sản xuất kim loại dạng phôi hoặc hóa chất công nghiệp; sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp…

    Đối với dầu nhớt, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể áp dụng các giải pháp tái chế như chưng thu hồi dầu gốc hay loại dầu khác, hoặc chưng thu hồi dầu các phân đoạn. Với bao bì, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế khác nhau tùy thuộc loại bao bì (như bao bì giấy, giấy carton có pháp tái chế là sản xuất bột giấy thương phẩm hoặc các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy).

    Với bao bì nhôm, các doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế là sản xuất phôi nhôm hoặc sản xuất các sản phẩm khác; bao bì nhựa có thể tái chế sản xuất hạt nhựa tái sinh, sản xuất sản phẩm khác như dầu, xơ sợi…

    Theo nhiều chuyên gia, EPR là chính sách đột phá trong quản lý chất thải, đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời, EPR thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/thuc-hien-chinh-sach-tai-che-doi-voi–cac-nha-san-xuat-va-nhap-khau-trong-nam-2024-d217868.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img