Những chất thải loại lỏng có thể chứa các chất gây ô nhiễm như hóa chất độc hại, vi khuẩn và vi rút. Khi rác thải y tế không được xử lý đúng có thể thâm nhập vào nguồn nước và đất, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên.
Chất thải y tế là những chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc và các cơ sở y tế khác. Đây là những chất thải đặc biệt và cần được xử lý đúng quy định để đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe con người.
Chất thải y tế được chia ra làm 3 loại chính, bao gồm: Chất thải lỏng, chất thải chất rắn và chất thải loại sắc nhọn. Chất thải chất lỏng bao gồm các chất thải như máu, nước tiểu và chất lỏng nhiễm trùng. Chất thải chất rắn bao gồm băng gạc, nón bảo hộ và các loại vật liệu đã sử dụng trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Cuối cùng là chất thải loại sắc nhọn bao gồm kim tiêm, mũi tiêm và các vật dụng y tế sắc bén khác. Nếu tính đến những tác động về môi trường, chất thải y tế dạng lỏng có thể ảnh hưởng trực quan nhất, gây ô nhiễm nặng nề nhất nếu không được xử lý đúng cách.
Theo đó, những chất thải loại lỏng có thể chứa các chất gây ô nhiễm như hóa chất độc hại, vi khuẩn và vi rút. Khi rác thải y tế không được xử lý đúng, chúng có thể thâm nhập vào nguồn nước và đất, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên. Còn đối với chất thải y tế loại sắc nhọn lại có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao do có thể cắt vào da thịt dễ dàng. Nếu không được xử lý đúng cách, chất thải y tế loại này có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh cho con người và gây nguy hiểm cho nhân viên vệ sinh và người tiếp xúc trực tiếp với chúng.
Trên thực tế, đa phần các loại chất thải y tế nếu không được xử lý đúng quy định đều có thể ảnh hưởng đến sinh thái và đa dạng hóa sinh học. Cụ thể, khi các chất thải từ các cơ sở y tế xâm nhập vào môi trường, chúng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nước, đất và không khí.
Vì vậy, việc xử lý và tái chế rác thải y tế một cách hiệu quả là cần thiết để bảo vệ sự cân bằng sinh thái và duy trì sự đa dạng sinh học.
Các phương pháp xử lý chất thải y tế được sử dụng hiện nay
Hiện nay, các phương pháp phổ biến để xử lý chất thải y tế có thể kể đến bao gồm: Sử dụng lò vi sóng, sử dụng hóa chất hoặc các biện pháp sinh học. Trong đó, việc sử dụng lò vi sóng công nghệ cao cũng là một cách khá tương đồng với việc đốt chất thải y tế trước kia (phương pháp đốt chất thải y tế đã không còn là phương pháp tối ưu do yêu cầu về khu vực xử lý phải tránh xa khu dân cư, nguồn nước,…). Nếu thực hiện theo cách này, chất thải sẽ được xử lý triệt để, không gây ra nguy cơ truyền nhiễm bệnh.
Bên cạnh việc sử dụng lò vi sóng, xử lý chất thải y tế cũng có thể dùng đến hóa chất. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đó là phải sử dụng hóa chất tự nhiên, nếu không, chúng có thể gây ô nhiễm môi trường thậm chí còn nặng nề hơn. Ở thời điểm hiện tại, việc sử dụng các biện pháp sinh học để giải quyết chất thải y tế được coi là tối ưu, an toàn nhất cho môi trường. Chúng được áp dụng trên nguyên tắc dùng các enzim trung hòa vi khuẩn độc hại trong chất thải y tế. Tuy nhiên, trên thực tế thì phương pháp này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi do vấn đề về chi phí.
Quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế
Theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế thì chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tai thời điểm phát sinh; Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn); Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.
Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải: Tại khoa, phòng, bộ phận: bố trí vị trí phù hợp, an toàn để đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa để phân loại chất thải y tế; Tại vị trí đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.
Phân loại chất thải lây nhiễm: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn phải bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng; Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng; Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng; Chất thải giải phẫu bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng; Chất thải lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong túi kín hoặc dụng cụ lưu chứa chất lỏng và có nắp đậy kín.
Chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa đối với các chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp; Chất thải nguy hại không lây nhiễm ở dạng rắn: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu đen; Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín, có mã, tên loại chất thải lưu chứa.
Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu xanh. Chất thải sắc nhọn đựng trong dụng cụ kháng thủng; Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu trắng.
Phân loại chất thải lỏng không nguy hại phải chứa trong dụng cụ đựng chất thải lỏng có nắp đậy kín, có tên loại chất thải lưu chứa. Thu gom chất thải lây nhiễm thì các cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế; Dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom; Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín.
Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao”, được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định;
Chất thải lây nhiễm dạng lỏng thu gom vào hệ thống thu gom nước thải y tế của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế; Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.
Khánh Mai
https://vietq.vn/nang-cao-cong-tac-quan-ly-chat-thai-y-te-tranh-gay-tac-dong-xau-den-moi-truong-va-con-nguoi-d223538.html