Gấc là loại quả quen thuộc với nhiều gia đình, đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Mặc dù có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, thế nhưng nguy cơ ngộ độc vẫn có thể tiềm ẩn nếu chủ quan ăn gấc không đúng cách.

Quả gấc – hay còn có tên gọi là Momordica cochinchinensis hoặc Cochinchin Gourd là một loại quả có gai, màu cam sáng, được tìm thấy chủ yếu tại khu vực Đông Nam Á. Quả gấc có rất ít vị, không ngọt, đi kèm với hương vị rất nhẹ và kết cấu nhão. Phần vỏ bên ngoài của gấc không ăn được nên cần lưu ý chỉ ăn phần cùi mềm bao quanh các hạt to bên trong quả. Hạt gấc cũng có thể ăn được và còn được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền.

Một số lợi ích sức khỏe từ quả gấc

Lợi ích sức khỏe mà gấc đem lại chủ yếu đến từ hàm lượng cao beta – carotene và lycopene. Không chỉ vậy, hàm lượng vitamin C trong gấc cao gấp 40 lần so với cam, lycopene cao gấp 70 lần cà chua, beta carotene gấp 10 lần cà rốt và 40 lần zeaxanthin so với ngô.

Ngoài ra gấc cũng chứa chất xơ, carbohydrate lành mạnh, chất chống oxy hóa, enzyme, vitamin và khoáng chất. Với rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như vậy, gấc thực sự là một “thực phẩm vàng” để cải thiện chất lượng sức khỏe.

Gấc giúp cải thiện thị lực: Cũng giống như các loại củ, quả có màu cam, vàng, đỏ, gấc cũng chứa hàm lượng cao beta – carotene và lycopene – những chất rất tốt và cần thiết cho mắt. Các vitamin, beta – carotene và các chất khác trong quả gấc giúp cải thiện thị lực của con người cũng như ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể và các vấn đề về thị lực khác. Một chế độ ăn giàu carotenoid, đặc biệt là lycopene, beta – carotene, vitamin A và lutein giúp ngăn ngừa mất thị lực, giảm khô mắt và thậm chí có thể cải thiện thị lực vào ban đêm.

Quả gấc có tác dụng cải thiện thị lực, bảo vệ mắt rất tốt. Ảnh minh họa

– Khả năng chống ung thư tiềm tàng: Nhiều người gọi gấc là “Trái cây thiên đường” vì loại quả này chứa nhiều chất là “kẻ thù” của bệnh ung thư. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh được trong gấc có chứa các chất dinh dưỡng có tác dụng ngăn ngừa ung thư và thậm chí làm chậm sự nhân lên của các tế bào ung thư.

Hàm lượng lycopene và lutein cao trong gấc có thể giúp ngăn chặn các khối u phát triển trong ruột kết, vú và da. Polyphenol cũng có “nhiệm vụ” riêng đó là ngăn chặn các tế bào bình thường bị tổn thương và biến thành khối u, đồng thời tấn công các tế bào ung thư và buộc chúng tự hủy.

Gấc là loại quả tiềm năng trong việc phòng chống ung thư. Ảnh minh họa

Ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch: Carotenoid có trong gấc không chỉ có ích cho mắt mà còn có tác dụng với toàn bộ cơ thể. Lycopene và các carotenoid khác có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Một lượng lớn omega 3 và 6 có trong gấc cũng đã được chứng minh tác dụng trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch và sửa chữa các tổn thương DNA.

Gấc cũng rất giàu polyphenol và flavonoid – các chất này đã được biết đến với khả năng ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ cũng như ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp và suy giảm thị lực. Do đó, kết hợp việc sử dụng loại quả này cùng một lối sống hợp lí, khoa học sẽ giúp sức khỏe tim mạch được đảm bảo.

Sức khỏe tim mạch được đảm bảo nếu dùng gấc thường xuyên và biết sử dụng đúng cách. Ảnh minh họa

Ngoài những lợi ích sức khỏe nổi bật trên, gấc còn có khả năng chống trầm cảm vì chứa hàm lượng selen, khoáng chất và vitamin cao. Các chất này có khả năng hỗ trợ sức khỏe thần kinh, từ đó các cảm giác lo âu, căng thẳng thậm chí trậm cảm được giảm thiểu.

Gấc cũng được khuyến khích sử dụng với người có hàm lượng cholesterol cao vì loại quả này cũng có khả năng làm giảm mức cholesterol cao quá mức cần thiết. Không chỉ có lợi cho sức khỏe, quả gấc cũng có tác dụng làm đẹp. Hãy thử dùng gấc để cải thiện chất lượng làn da của mình vì gấc có thể làm chậm quá trình lão hóa, duy trì vẻ ngoài trẻ trung, tươi trẻ của làn da.

Có thể thấy, trong quả gấc có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nếu biết cách tiêu thụ, sử dụng hợp lí thì chắc chắn đây sẽ là loại quả cực kì tuyệt vời giúp cải thiện sức khỏe của chúng ta. Thế nhưng, nếu quá vội vàng muốn sức khỏe tốt hơn mà sử dụng gấc tràn lan, không đúng cách thì rất có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận bị một số vấn đề sức khỏe “ghé thăm”.

Sai lầm khi ăn gấc không đúng cách:

Nguy hiểm khi dùng hạt gấc: Nhiều người có thói quen giữ hạt gấc lại để làm thuốc. Tuy nhiên, nếu không phải bác sĩ hay thầy thuốc thì việc này có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại vì hạt gấc chứa độc tính, có thể gây nguy hiểm nếu dùng không đúng cách. Không nên dùng hạt gấc làm thuốc dùng qua đường uống một cách bừa bãi, chỉ nên làm thuốc dùng bôi ngoài da, liều lượng chỉ nên 2 – 4g/ngày, khi dùng phải nướng chín hạt.

Dùng hạt gấc để làm thuốc không đúng cách tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh minh họa

– Ăn quá nhiều gấc có nguy cơ bị ngộ độc, vàng da: Trong gấc có chứa rất nhiều dạng tiền vitamin A (beta – caroten). Đặc tính của loại vitamin này là tan trong dầu, khi thừa không thải ra khỏi cơ thể hàng ngày như các loại vitamin tan trong nước mà tích luỹ lại trong gan nên dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc. Nếu dùng quá nhiều caroten hay còn gọi là tiền vitamin A ở các thực phẩm có thể gây tích trữ dưới da, làm vàng da nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân.

Ăn quá nhiều gấc có nguy cơ bị vàng da, thậm chí là ngộ độc. Ảnh minh họa

Lạm dụng vitamin A ở người lớn sẽ gây ra các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khô da, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Đối với trẻ em, khi sử dụng quá liều vitamin A cần thiết, trẻ thường chậm tăng cân, tăng chảy máu và đau xương, kìm hãm sự phát triển xương làm trẻ chậm lớn,…

– Không nên dùng dầu gấc cùng các thực phẩm nhiều vitamin A khác: Cũng giống như việc giữ lại hạt gấc, nhiều người có thói quen chế biến quả gấc thành dầu gấc để dùng dần. Khi sử dụng dầu gấc, thành phần beta – carotene trong dầu gấc sẽ chuyển hóa thành vitamin A. Do đó, để tránh trường hợp bị ngộ độc và thừa vitamin A, nên hạn chế sử dụng kết hợp và liên tục trong một thời gian cùng các loại thực phẩm có chứa vitamin A khác như bí đỏ, cà rốt, đu đủ,… Ngoài ra, để tránh việc bị mất chất dinh dưỡng, không nên dùng mỡ gấc, dầu gấc để rán, chiên, xào vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy carotene.

Ngọc Linh (t/h)
https://vietq.vn/qua-gac-rat-tot-cho-suc-khoe-nhung-can-trong-nguy-co-ngo-doc-khi-an-gac-sai-cach-d193675.html