Các nhà khoa học tại Đại học Georgia đã tạo ra loại vật liệu “siêu bọt” với hai ứng dụng tiềm năng rất có giá trị. Nó có thể được sử dụng để làm sạch sự cố tràn dầu, ngăn ngừa nhiễm trùng xảy ra tại các vị trí cấy ghép y tế.
Theo Giáo sư Hitesh Handa – Đại học Georgia, vật liệu ba chiều trông giống như miếng bọt biển có cấu trúc giống ma trận PDMS (polydimethylsiloxane) được tăng cường bằng các tiểu cầu nano graphene và vi hạt đồng kháng khuẩn. Những chất bổ sung này tạo cho bọt cấu trúc thô, xốp, vừa kỵ nước (không thấm nước) vừa ưa dầu (hút dầu).
Khi những miếng bọt biển làm từ bọt được đặt trong nước bị ô nhiễm dầu, chúng sẽ hấp thụ dầu trong khi không hút bất kỳ giọt nước nào. Khi dầu hấp thụ được loại bỏ khỏi bọt, bọt biển có thể tái sử dụng nhiều lần để hút nhiều dầu hơn.
Đồng thời, bọt biển cũng được phát hiện là hấp thụ các chất lỏng gây ô nhiễm nước không phân cực khác như chloroform, axit clohydric và chất ô nhiễm hữu cơ khác – để lại nước. Và nhờ sự hiện diện của các vi hạt đồng, bất kỳ vi khuẩn nào tiếp xúc với bọt đều bị tiêu diệt.
Vật liệu hút dầu và đẩy nước, ngoài ra nó còn có khả năng kháng khuẩn.
Với chức năng đó, các nhà khoa học cũng hình dung các lớp vật liệu mỏng được áp dụng cho bề mặt của cấy ghép y tế. Sau đó, bọt có thể giảm thiểu khả năng nhiễm trùng bằng cách không chỉ tiêu diệt vi khuẩn mà còn đẩy lùi các chất lỏng như máu.
Giáo sư Handa cho biết: “Các thiết bị y tế hiện tại dễ bị nhiễm bẩn. Khi đưa bất kỳ thiết bị y tế nào vào cơ thể, protein là thứ đầu tiên dính vào bề mặt và chúng hoạt động giống như một chất keo cho phép máu hoặc vi khuẩn bám vào. Vì vậy, nếu chúng ta có thể ngăn chặn sự hấp thụ protein sẽ rất dễ dàng cho việc ngăn chặn sự nhiễm khuẩn”.
Mặt khác, các tiểu cầu nano graphene trong bọt làm cho nó dẫn điện, thúc đẩy các ứng dụng tiềm năng của nó.
An Hạ
https://vietq.vn/phat-trien-vat-lieu-sieu-bot-da-chuc-nang-hap-thu-dau-tran-va-diet-khuan-d210981.html