Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công keo sinh học có khả năng cầm máu nhanh, bám dính lên mô mềm, có thể thay thế chỉ khâu trong điều trị các tổn thương tại các cơ quan đàn hồi như phổi, tim.
Keo dán sinh học thay thế chỉ khâu thông thường
Theo Medical Xpress, các nhà khoa học từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) và Đại học California, San Diego (UCSD) của Mỹ đã phát triển một loại keo sinh học mới có tên MeTro/SN, kết hợp giữa tropoelastin tái tổ hợp được biến đổi methacryloyl (MeTro), một protein có độ đàn hồi sinh học cao, với các tiểu phiến nano silicat Laponite (SNs) có khả năng tăng cường cầm máu và độ bền kết dính.
Vá lại vết thương tại các cơ quan như phổi, động mạch, hay tim luôn là một thách thức lớn trong y học lâm sàng do đặc tính co giãn liên tục, ẩm ướt và dễ tổn thương. Các phương pháp khâu truyền thống sử dụng chỉ, ghim hoặc kim loại không chỉ khó thực hiện trong điều kiện mô đang chuyển động mà còn có thể dẫn đến chảy máu kéo dài, rò rỉ dịch hoặc phản ứng viêm cục bộ.
Các loại keo dán mô hiện hành tuy có khả năng bám dính nhưng thường làm cứng mô, ảnh hưởng đến chức năng co giãn tự nhiên, thậm chí có thể gây độc tế bào hoặc phản ứng miễn dịch.
MeTro mang lại đặc tính mềm mại và đàn hồi, trong khi SNs giúp tăng lực bám dính và đẩy nhanh quá trình đông máu. Khi kết hợp, hỗn hợp này tạo thành hydrogel có thể được bơm trực tiếp lên mô bị tổn thương để dán kín mô chỉ trong vài giây.
Keo sinh học giúp vết mổ nhanh lành, an toàn. Ảnh minh họa
Trong loạt thử nghiệm tiền lâm sàng, MeTro/SN cho thấy hiệu quả đáng kinh ngạc trên mô hình chuột và heo. Trên mô phổi heo, lực bám dính của MeTro/SN đạt tới 23 kPa, gần gấp đôi so với MeTro đơn thuần (12 kPa). Khả năng chịu áp suất của hydrogel trên mô động mạch lên đến 3,6 kPa, vượt trội so với nhiều sản phẩm keo sinh học thương mại hiện nay.
Trên mô tim đang đập, MeTro/SN vẫn duy trì kết dính ở áp lực 47 kPa, khẳng định khả năng chống rò rỉ trong môi trường hoạt động liên tục của tim. Đặc biệt trong mô hình cắt đuôi chuột, miếng dán giúp giảm mất máu đến 99% so với nhóm không điều trị và 91% so với MeTro đơn thuần. Thời gian đông máu cũng được rút ngắn từ 15 phút xuống còn 12 phút với chỉ 1% hàm lượng SN trong hydrogel.
Tính an toàn sinh học là một ưu điểm nổi bật của MeTro/SN. Qua các phân tích mô học tại thời điểm 7 và 28 ngày sau điều trị, không ghi nhận hiện tượng viêm, xơ hóa hay hoại tử mô. Không xuất hiện hiện tượng tán huyết hoặc tổn thương tế bào, cho thấy sản phẩm này có khả năng tương thích sinh học cao và không gây phản ứng miễn dịch đáng kể.
Một trong những thử nghiệm đáng chú ý là việc sử dụng MeTro/SN trong xử lý tổn thương phổi heo. Kết quả cho thấy hydrogel giữ được độ bám dính và ngăn rò rỉ hoàn toàn trong suốt 14 ngày, ngay cả dưới điều kiện áp suất sinh lý mô phổi. Không ghi nhận tình trạng bong tróc hay tổn thương mô xung quanh. Đây là điều cực kỳ quan trọng khi ứng dụng trong phẫu thuật thực tế.
Các nhà nghiên cứu tin rằng với khả năng cầm máu nhanh, bám dính mạnh mẽ, đàn hồi tốt và an toàn sinh học cao, hydrogel MeTro/SN hoàn toàn có thể trở thành giải pháp thay thế hiệu quả cho chỉ khâu và các loại keo dán mô hiện nay, đặc biệt trong cấp cứu chấn thương, phẫu thuật tim mạch, ghép tạng, và các tình huống y học khẩn cấp khác.
Nhờ tính chất đặc biệt này mà keo sinh học MeTro đã trở thành một phương pháp điều trị vết thương tiên tiến, hiện đại và an toàn hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống.
Với phương pháp sử dụng keo sinh học, người bệnh không những không cần khâu vết thương mà còn giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn. Chưa kể, việc sử dụng keo sinh học còn giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng cùng một số biến chứng khác có liên quan đến quá trình điều trị vết thương.
Sử dụng keo sinh học đúng cách
Tuy nhiên, để có được hiệu quả tốt nhất khi sử dụng keo sinh học, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế. Khi sử dụng sản phẩm keo sinh học, người bệnh cần đặc biệt lưu ý về việc vệ sinh, chăm sóc vết thương để tránh các biến chứng không đáng có xảy ra.
Đặc biệt dùng miếng dán sinh học trong phẫu thuật mổ sinh nở. Các chuyên gia cho biết, dán keo sinh học trong sinh mổ có thể được coi là giải pháp tối ưu hoá việc phẫu thuật, mang lại hiệu quả cao trong quá trình hồi phục của sản phụ. Vết mổ lành thương nhanh hơn, không để lại sẹo dày như kỹ thuật khâu chỉ truyền thống. Ngoài ra, sản phụ cũng có thể vệ sinh tại vết mổ, vệ sinh cơ thể mà không lo ảnh hưởng đến vùng gia bị tổn thương. Chưa kể sản phụ không phải chịu cảm giác đau đớn và khó chịu mỗi lần thay băng và khi cắt chỉ. Đặc biệt, sản phụ có thể đi lại như bình thường sau khoảng 2 – 3 ngày bôi keo sinh học lên vết mổ đẻ.
Tuy nhiên, như với bất kỳ phương pháp điều trị nào thì việc sử dụng miếng dán sinh học cần được thực hiện bởi những chuyên gia có kinh nghiệm đồng thời cần đảm bảo vệ sinh an toàn trong suốt quá trình sử dụng keo sinh học.
Sử dụng miếng dán sinh học dán vết mổ đẻ cần phải được thực hiện bởi những bác sĩ hoặc chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trước khi sử dụng vết mổ cần được làm sạch và thấm khô. Trong quá trình sử dụng miếng dán sinh học dán vết mổ, cần tuân thủ các quy định vệ sinh và phòng ngừa nhiễm trùng. Theo dõi vết mổ thường xuyên nhằm đảm bảo rằng vết mổ đang hồi phục tốt và không có dấu hiệu bị nhiễm trùng. Sản phụ tuyệt đối không được tự ý gỡ keo sinh học ra khỏi vết mổ. Thực hiện thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Chứng nhận quốc tế về quản lý chất lượng keo dán y tế
Y tế là lĩnh vực yêu cầu cao về vấn đề an toàn đối với các hóa chất tiếp xúc trực tiếp với con người. Vì vậy, keo dán được sử dụng trong lĩnh vực này cũng được quản lý nghiêm ngặt bởi các chứng chỉ y tế toàn cầu. Hầu hết các chứng chỉ này đều sẽ kiểm tra mức độ tương thích sinh học (biocompability) của vật liệu trước khi quyết định nó có an toàn với con người hay không.
Việc lựa chọn loại vật liệu phù hợp trong quá trình thiết kế sản phẩm sẽ giúp các nhà sản xuất tự tin hơn khi xin chấp thuận lưu hành sản phẩm của các chứng chỉ do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận hoặc các tổ chức cho phép lưu hành sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người khác. Có hai loại chứng chỉ chính một loại keo y tế có thể có
Chứng chỉ FDA Approval là một chứng chỉ quốc tế sử dụng trong nhiều lĩnh vực trong đó có an toàn y tế. Đây không phải một chứng nhận mặc định của keo dán sử dụng trong sản xuất thiết bị và dụng cụ y tế. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất y tế hiện tại đều yêu cầu chứng chỉ này đối với keo dán như một điều kiện tiên quyết cho các bài kiểm tra tương thích sinh học – USP VI hoặc ISO 10993.
Chứng chỉ ISO 10993 là một hệ tiêu chuẩn bao gồm các danh mục vật liệu, các bài kiểm tra, các phương thức kiểm tra được sử dụng để xác định độ tương thích sinh học của vật liệu. Cách ISO làm đó là phân chia các dụng cụ và thiết bị y tế theo cách thức tương tác với cơ thể sống (thông qua bề mặt thiết bị, thông qua giao tiếp với thiết bị hay cấy vào cơ thể sống) và theo thời gian tương tác (không giới hạn, lâu dài và mãi mãi). Với mỗi một loại thiết bị như vậy, ISO sẽ cung cấp một gói kiểm tra đánh giá khác nhau
Chứng chỉ USP Class VI là tiêu chuẩn được quy định bởi Hiệp hội Dược Phẩm Mỹ – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực y tế, công nghệ sức khỏe, thành phần thức ăn và vật liệu sử dụng cho dụng cụ và thiết bị y tế. Chứng chỉ này phân chia vật liệu thành 6 loại tùy vào mục đích sử dụng và thời gian tiếp xúc của nó với cơ thể sống (không giới hạn, lâu dài và mãi mãi).
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/phat-trien-keo-sinh-hoc-moi-co-kha-nang-cam-mau-nhanh-luu-y-khi-dung-de-tranh-bien-chung-d233413.html