Những đơn vị sản xuất kinh doanh nhiệt điện than và xi măng nếu thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường sẽ phải trả phí. Thời gian thực hiện thí điểm từ 1/1/2020 đến 31/12/2020.
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, những đơn vị phát thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ phải trả phí.
Trước mắt, việc thí điểm sẽ được thực hiện ở 4 tỉnh (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) với hai hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệt điện than và xi măng. Thời gian thực hiện thí điểm từ 1/1/2020 đến 31/12/2020.
Hoạt động sản xuất xi măng sẽ phải trả phí dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon của rừng. Ảnh: I.T
Việt Nam đã tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (2015), đệ trình Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC Việt Nam) cho Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, theo đó Việt Nam cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.
Chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các – bon của rừng là cơ hội để có nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, các nhà máy nhiệt điện của 3 tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Quảng Nam đều là cơ sở phát thải lớn, phát thải từ 1,5 – 7,3 triệu tấn CO2/cơ sở/năm. Tương tự, tất cả các nhà máy xi măng, phát thải từ 0,7 – 3,1 triệu tấn CO2/cơ sở/năm.
Theo Dự thảo Quyết định, có 20 đối tượng tham gia thí điểm chi trả trên địa bàn 4 tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, gồm 9 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than; và 11 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng.
Hình thức chi trả được áp dụng chi trả gián tiếp ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, vì thời gian thí điểm ngắn, cần dựa vào đội ngũ cán bộ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để tiết kiệm chi phí quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong quá trình chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các – bon với các dịch vụ môi trường rừngkhác.
Về mức chi trả, đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than, mức thu 4 đồng/kwh (tương đương 2 USD/tấn CO2); đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng mức thu 2.100 đồng/tấn Clanhke (tương đương mức thu 1,35 USD/tấn CO2).
Mức chi trả này thấp hơn mức Ngân hàng Thế giới dự kiến mua giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ là 5 USD/tấn CO2. Mức chi trả đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng chỉ bằng 11,2% mức chi phí tạo ra 1 tấn CO2 được hấp thụ và lưu giữ các – bon bởi cây rừng (11,13 USD/tấn CO2); tương tự mức chi trả đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than chỉ bằng 11,96% mức chi phí tạo ra 1 tấn CO2 được hấp thụ và lưu giữ các – bon bởi cây rừng.
Theo kết quả tính toán của Tổng cục Lâm nghiệp, mức tiền chi trả này sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện cũng như giá thành sản xuất xi măng của các nhà máy lên khoảng 0,29% và mức tăng này vẫn nằm trong khoảng tăng giá thành thực tế của lĩnh vực sản xuất nhiệt điện, xi măng là 0,3-1,0/năm, nên không tác động nhiều đến tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm.
Với mức chi trả này, dự kiến 4 tỉnh thí điểm sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu đáng kể để phục vụ cho công tác trồng, chăm sóc, và bảo vệ rừng tại các địa phương.
Loại rừng được chi trả là loại rừng có tiềm năng hấp thụ và lưu giữ các – bon và được duy trì ổn định trong thời gian tương đối dài, như: rừng tự nhiên; rừng trồng đặc dụng, phòng hộ; rừng ngập mặn. Riêng đối với rừng sản xuất tham gia vào hoạt động này, phải được cấp chứng chỉ rừng.
Theo Khánh Ly (moitruong.com.vn/Danviet)