Một nghiên cứu mới đây nhất của các nhà khoa học Italy đã phát hiện, vi nhựa trong dịch nang buồng trứng của con người. Phát hiện báo động này làm dấy lên lo ngại về sức khỏe sinh sản và nội tiết của phụ nữ.
Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Ecotoxicology and Environmental Safety đã lần đầu tiên phát hiện sự hiện diện của vi nhựa trong dịch nang buồng trứng ở người. Phát hiện này được thực hiện trên 18 phụ nữ đang điều trị hỗ trợ sinh sản tại một phòng khám ở Salerno, Italy, trong đó 14 người có mẫu dịch nang dương tính với vi nhựa.
Dịch nang buồng trứng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và hỗ trợ phát triển trứng. Việc có sự xâm nhập của các hạt nhựa siêu nhỏ vào môi trường này được cho là có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và cân bằng hormone ở phụ nữ.
Ông Luigi Montano, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Rome và là tác giả chính của công trình, cho rằng đây là một “hồi chuông cảnh báo” về mức độ xâm lấn của các chất gây ô nhiễm mới nổi này trong hệ sinh sản nữ. Trước đó, nhóm nghiên cứu của ông cũng từng phát hiện vi nhựa trong nước tiểu và tinh dịch của con người, đặt ra những nghi vấn lớn về mối liên hệ giữa vi nhựa và sự suy giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Vi nhựa hiện diện ở khắp nơi – từ đỉnh Everest cho đến đáy rãnh Mariana – và thức ăn được cho là con đường phơi nhiễm chính. Chúng chứa hàng chục nghìn hóa chất khác nhau, trong đó có nhiều chất độc hại như bisphenol, phthalates và PFAS – vốn đã được biết đến với khả năng gây rối loạn nội tiết, ung thư và độc thần kinh….
Hạt vi nhựa có mặt ở khắp mọi nơi trong không khí, cơ thể người gây ra không ít tác hại. Ảnh minh họa
Vi nhựa có thể vượt qua hàng rào não và nhau thai, xâm nhập vào các cơ quan nội tạng. Nghiên cứu trên động vật đã cho thấy vi nhựa có thể gây rối loạn chức năng buồng trứng, làm giảm khả năng trưởng thành của noãn và ảnh hưởng tới khả năng thụ thai.
Giới chuyên gia nhận định phát hiện này là bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ hơn tác động của vi nhựa đối với sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu để xác định mức độ phơi nhiễm gây hại cụ thể. Một số nhóm nghiên cứu cũng đang đánh giá xem việc thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế sử dụng nhựa trong nhà bếp có giúp giảm lượng vi nhựa trong cơ thể hay không.
Các khuyến nghị hiện nay bao gồm: hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tránh hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa, không đựng đồ nóng trong cốc giấy có lót nhựa, và ưu tiên dùng đồ dùng bằng gỗ hoặc thép không gỉ thay vì đồ nhựa.
Hạt vi nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5mm, xâm nhập cơ thể người thông qua bao bì nhựa, một số thực phẩm, nước máy và thậm chí cả không khí. Từ đó, hạt này xâm nhập vào máu và gây ra những tác hại khôn lường như bệnh ung thư, bệnh tim, chứng mất trí nhớ và vấn đề về sinh sản.
Mức độ phổ biến của hạt vi nhựa nhiều đến mức có nhiều cảnh báo và các nghiên cứu về tác hại sức khỏe và mức độ xâm lấn của chúng hiện nay. Vi nhựa được tìm thấy ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, từ nơi sâu nhất hành tinh như khe vực Mariana cho đến đỉnh Everest.
Vô số nghiên cứu cũng đã phát hiện ra các hạt vi nhựa trong thực phẩm, vật dụng gia đình như đường, muối, mật ong, hải sản, nước máy, chai nước và các mặt hàng thực phẩm được bọc trong nhựa.
Dianna Cohen, Giám đốc điều hành của Liên minh ô nhiễm nhựa phi lợi nhuận, cho biết nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trung bình mọi người ăn phải khoảng 5 gram nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng. Sau khi ăn vào, những hạt nhỏ này có thể di chuyển đến các cơ quan nội tạng như thận và gan, gây ra tác dụng phụ ở cấp độ tế bào.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra hai con đường chính vi nhựa xâm nhập vào cơ thể con người bao gồm việc chúng ta nuốt chửng và hít chúng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm và nước uống của chúng ta bị nhiễm vi nhựa. Cây lúa mì và rau diếp đã được quan sát thấy hấp thụ các hạt vi nhựa trong phòng thí nghiệm; sự hấp thu từ đất có chứa các hạt có lẽ là cách chúng xâm nhập vào sản phẩm của chúng ta ngay từ đầu.
Một nghiên cứu thí điểm gần đây do Tổ chức Plastic Soup Foundation đã tìm thấy vi nhựa trong tất cả các mẫu máu được thu thập từ lợn, bò tại các trang trại Hà Lan và cho thấy vật nuôi có khả năng hấp thụ một số hạt nhựa từ thức ăn, nước hoặc không khí của chúng.
Một nghiên cứu được tiến hành ở Paris (Pháp) cho thấy, nồng độ vi nhựa lơ lửng không khí trong nhà là từ 3 đến 15 hạt trên một mét khối không khí, trong khi nồng độ ngoài trời thấp hơn nhiều.
Nhà miễn dịch học Nienke Vrisekoop, Đại học Utrecht, Hà Lan nói: “Nếu tôi giữ một miếng cá trên bàn trong một giờ, nó có thể đã thu thập được nhiều vi nhựa từ không khí xung quanh hơn là từ đại dương”.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/phat-hien-vi-nhua-trong-dich-nang-buong-trung-cua-con-nguoi-day-len-lo-ngai-ve-suc-khoe-sinh-san-d232583.html