17 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng Một 13, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngPhát hiện mới: Dùng nồi chiên không dầu nấu ăn ít gây...

    Phát hiện mới: Dùng nồi chiên không dầu nấu ăn ít gây ô nhiễm không khí trong nhà nhất

    Date:

    Related stories

    Các nhà nghiên cứu từ Đại học Birmingham (Anh) và Viện Hóa học Max Planck (Đức) đã phát hiện việc nấu ăn bằng nồi chiên không dầu giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà.

    Các nhà nghiên cứu từ Đại học Birmingham (Anh) và Viện Hóa học Max Planck (Đức) đã so sánh các phương pháp nấu ăn để từ đó đánh giá mối lo gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trong căn bếp. Để làm điều này, họ thiết lập một nhà bếp trong phòng thí nghiệm, và xem xét các phương pháp khác nhau được sử dụng để nấu ức gà. Các phương pháp bao gồm: Chiên chảo, chiên ngập dầu, xào, luộc, và sử dụng nồi chiên không dầu.

    Bằng cách sử dụng các máy đo nồng độ hạt vật chất (PM), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), chất ô nhiễm hóa học có sẵn trong thực phẩm, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ, khi nồi chiên không dầu là phương pháp ít gây ô nhiễm nhất.

    Cụ thể, đối với PM, phép đo được thực hiện bằng microgam trên mét khối (μg/m3) cho thấy mức độ đạt đỉnh ở mức 92,9 μg/m3 khi chiên chảo, 26,7 μg/m3 khi xào, 7,7 μg/m3 khi chiên ngập dầu, 0,7 μg/m3 khi luộc và chỉ 0,6 μg/m3 khi chiên bằng nồi chiên không dầu. Kết quả này thấp hơn 150 lần so với chiên chảo.

    Đối với VOC, phép đo được tính bằng phần tỷ, với tỷ lệ cao nhất được ghi nhận là 260 khi chiên chảo, 230 khi chiên ngập dầu, 110 khi xào, 30 khi luộc và 20 khi chiên bằng nồi chiên không dầu.


    Nấu ăn bằng nồi chiên không dầu ít gây ô nhiễm không khí hơn hình thức nấu ăn khác. Ảnh minh họa

    Như vậy, rán gà bằng chảo trên bếp sẽ thải ra lượng hợp chất dễ bay hơi trung bình lớn gấp 13 lần so với nồi chiên không dầu. Những phát hiện trên mang đến cho người làm nội trợ một lý do nữa để tin tưởng vào nồi chiên không dầu. Đó là giảm bớt các hợp chất gây ô nhiễm trong nhà, vốn được cho là có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng đường hô hấp, suy tim và chứng mất trí nhớ.

    Liên quan tới việc nấu ăn gây ô nhiễm không khí trong nhà, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng 2,1 tỷ người (1 trong 3) trên toàn thế giới sử dụng các phương pháp nấu ăn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà có thể gây đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư phổi và gây kích ứng phổi gây ra các triệu chứng hen suyễn và COPD nghiêm trọng.

    Điều này có thể là do nhiều yếu tố bao gồm nhiên liệu được sử dụng, loại bếp, phương pháp chế biến, thông gió và thậm chí cả các thành phần. Việc phát thải các hạt vật chất (PM) vào không khí là sản phẩm phụ của bất kỳ loại nấu ăn nào, nhưng một số loại nấu ăn nhất định thải ra nhiều hạt hơn những loại khác. Nguy cơ đối với sức khỏe xảy ra khi những hạt nhỏ này được hít sâu vào phổi, gây kích ứng và ăn mòn thành phế nang (túi khí nơi oxy được trao đổi vào dòng máu) ảnh hưởng đến chức năng phổi.

    Một mối nguy hiểm khác của nhiều loại nấu ăn là sản xuất ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) như carbon monoxide (CO) và nitơ oxit, trong số những chất khác. Ví dụ, formaldehyde- một chất gây ung thư nguy hiểm, thường là sản phẩm phụ của việc nướng hoặc nấu quá chín thực phẩm.

    Carbon monoxide (CO) là một loại khí cực độc, vô hình với mắt thường, không mùi, không vị và không gây kích ứng. Trong khi nấu ăn bằng lò nướng điện không tạo ra nhiều CO, thì lò nướng gas – đặc biệt là những loại cũ có nhiều khả năng tạo ra CO do quá trình đốt cháy. Nếu không có thông gió thích hợp, CO có thể tích tụ trong nhà và ở mức độ cao, gây ra các triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng bao gồm đau đầu, chóng mặt, yếu, đau bụng, nôn mửa, đau ngực và lú lẫn. Nếu không được điều trị, vì nó ngăn cơ thể bạn nhận được oxy, hít phải một lượng lớn CO có thể gây bất tỉnh và thậm chí tử vong.

    Tương tự như vậy, mặc dù nitơ oxit (NO) có thể tìm đường vào nhà bất kể phương pháp nấu ăn nào, nhưng nó thường có nồng độ cao nhất khi sử dụng gas. Tiếp xúc với nồng độ NO cao có thể dẫn đến bệnh phổi mãn tính như viêm phế quản, gây ra các triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi và gây ra các bệnh về đường hô hấp ở những người dễ bị tổn thương, như trẻ nhỏ.

    Vì vậy theo nhấn mạnh của các nhà nghiên cứu, bên cạnh phương pháp nấu ăn được sử dụng, điều quan trọng là phải giữ cho nhà bếp được thông gió trong và sau khi chế biến thức ăn, bất kể đối với phương pháp nấu ăn nào.

    Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà

    Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Tiêu chuẩn này áp dụng cho các nhà ở và nhà công cộng (sau đây gọi tắt là nhà) khi đóng kín cửa chống lạnh trong mùa đông hay điều hòa không khí làm mát trong mùa hè.

    Tiêu chuẩn này quy định các giá trị giới hạn các thông số chất lượng không khí trong nhà. Tiêu chuẩn này được dùng làm điều kiện cơ sở để thiết kế kết cấu bao che và hệ thống thiết bị thông gió – điều hòa không khí của tòa nhà và để đánh giá tiêu chí về chất lượng môi trường trong nhà đối với các công trình xanh.

    Cũng theo hướng dẫn tại tiêu chuẩn này thì mức giới hạn các thông số chất lượng không khí trong nhà được quy định cụ thể: Về bụi mịn PM2.5 giới hạn chấp nhận được là 50µg/m3; Bụi PM10 là 100; Chì là 1,5; Cacbon dioxit (CO2) 1000ppm; Cacbon monoxit (CO) 10mg/m khối và 9ppm…

    Trong thực tế, các chất ô nhiễm nêu trên có thể không có phổ biến trong các không gian của các tòa nhà cụ thể. Tuy vậy tất cả các thông số này đều cần được theo dõi trong tình huống khi nghi ngờ có nguồn thải tiềm năng trong tòa nhà.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/phat-hien-moi-dung-noi-chien-khong-dau-nau-an-it-gay-o-nhiem-khong-khi-trong-nha-nhat-d228487.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img