Ô nhiễm không khí, nắng nóng có nguy cơ gây ra đột quỵ. Vậy làm cách nào để phòng tránh đột quỵ?

Đột quỵ do ô nhiễm

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa đột quỵ thiếu máu do gây ra và các hạt bụi mịn như ô nhiễm không khí từ khí thải xe hơi.

Trong nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Stroke, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên 577 bệnh nhân xuất huyết não đã được điều trị từ năm 1994 đến 2011 tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston và so sánh dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân với mức độ ô nhiễm không khí trước khi đột quỵ.

Ozone “xấu” được tạo ra khi ánh sáng mặt trời kết hợp với khí thải xe hơi, khí thải nhà máy và các chất gây ô nhiễm khác.

Sanjay Rajagopalan, đồng tác giả của nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm không khí và bệnh tim mạch năm 2010 cho biết những người có nguy cơ mắc bệnh cao, bao gồm các cơn đau tim hoặc đột quỵ trước đó, nên tránh tiếp xúc với nồng độ ozone và các chất ô nhiễm không khí khác.

“Sử dụng hệ thống lọc xe của bạn để giảm mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh khi bạn đi lại, ví dụ. Nếu bạn đến thăm một quốc gia bị ô nhiễm nặng, hãy sử dụng mặt nạ và máy lọc không khí trong nhà”, – Các chuyên gia cho biết.

Ông Sanjay Rajagopalan, trưởng khoa tim mạch ở Viện tim mạch và mạch máu Harrington của Bệnh viện Đại học ở Cleveland, nói: “Trước đây người ta nghĩ rằng ô nhiễm không khí chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, nhưng bây giờ chúng tôi hiểu rằng ô nhiễm không khí cũng có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, bao gồm đau tim, đột quỵ và tử vong.”

Nắng nóng – yếu tố thuận lợi của đột quỵ

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, nắng nóng gay gắt những ngày qua có nhiều tác động đến sức khỏe con người. Tại Khoa Cấp cứu của BV Bạch Mai, thời tiết bất thường làm thay đổi tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện, dao động khoảng 20%.

“Trung tâm chúng tôi là nơi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ lớn nhất khu vực miền Bắc. Trong những ngày nắng nóng, số bệnh nhân được ghi nhận tăng lên, khoảng vài chục bệnh nhân mỗi ngày. Chúng tôi làm việc liên tục 24 giờ để hội chẩn, đưa ra phương án cứu chữa bệnh nhân kịp thời”- PGS. Chi cho hay.

Nói về bệnh nhân đột quỵ, chuyên gia cấp cứu cho hay, đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ, điển hình là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì… Những người mang yếu tố nguy cơ này thì khi gặp điều kiện thời tiết bất thường như quá nắng nóng, quá lạnh thì dễ làm các yếu tố nguy cơ khởi phát và gây đột quỵ.

Bên cạnh đó, cần phải kể đến là trong điều kiện thời tiết nóng bức, khó chịu sẽ gây căng thẳng, rất nhiều người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám…, dẫn đến tình trạng bất ổn tăng lên. Nhiều bệnh nhân không kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Đó chính là lý do đột quỵ, cũng như các bệnh mạn tính khác gia tăng trong thời tiết nắng nóng.

PGS. Chi cảnh báo đột quỵ không phải chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng bị. Môi trường, nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể xảy ra nhiều biến cố cho sức khỏe.

“Hiện mô hình bệnh tật ở nước ta khá giống các nước phát triển, khi bệnh nhiễm trùng giảm, các bệnh không nhiễm trùng tăng lên. Những người trẻ cũng mang các yếu tố nguy cơ không khác người lớn tuổi. Do đó, nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng tương tự”, chuyên gia này cảnh báo.

Phòng tránh đột quỵ ngày nằng nóng bằng cách nào?

Để tránh đột quỵ vì nắng nóng, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo khuyên mọi người cố gắng tránh làm việc lâu trong môi trường nắng nóng. Nên cố gắng đảm bảo thoáng gió. Vì môi truồng không thoáng gió không bay hơi mồ hôi để giảm thân nhiệt được. Mặc quần áo thoáng, thấm mồ hôi tốt. Đảm bảo uống đủ nước. Ở ngoài nâng phải có đầy đủ phương tiện che nâng, kem chống nắng…

Nếu phát hiện có người say nắng phải nhanh chóng đưa vào chỗ thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo, quạt mát hay lau nước mát trên da để hạ thân nhiệt. Cho uống nước. Nếu xuất hiện hôn mê, co giật, sốc phải đưa vào cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, từ trong phòng điều hòa ra (hoặc ngược lại là từ ngoài nóng bước vào phòng điều hòa) cần có một khoảng thời gian giúp cơ thể thích nghi, không nên vội bước từ nhà ra ngoài ngay lập tức.

Bởi khi đó, cơ thể không kịp thích ứng với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng và có thể đột quỵ.

Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội. Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở. Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.

Theo Danviet/Suckhoedoisong (11/6/2019)