Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng nhất là ở TP. Hà Nội vì vậy cần có giải pháp triệt để nhằm hạn chế tác hại tới sức khỏe con người.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí ở nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), chỉ số AQI ở nhiều khu vực tại Hà Nội luôn dao động ở mức trên 150 – 200 đơn vị. Đây là mức độ rất nguy hại gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người.
Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của Iqair, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.
Thực tế từ đầu tháng 11/2023 đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc khá trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khỏe người dân. Lớp sương mù trắng đục và bụi mịn liên tục bao phủ Thủ đô. Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam) còn cho rằng, tại thời điểm lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 8/12/2023, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới. Trước đó, ngày 3/12, ứng dụng AirVisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội cao thứ 3 trong nhóm 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, khi mà bầu trời bị bao phủ bởi sương mù và bụi mịn.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội ngày càng nghiêm trọng cần có giải pháp triệt để. Ảnh minh họa
Cùng với ô nhiễm không khí thì sương mù cũng xuất hiện. Từ 5 giờ 30 đến 7 giờ ngày 7/12, do sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, đã có 25 chuyến bay không thể cất cánh, hạ cánh tại sân bay Nội Bài. 7 chuyến bay phải chuyển hướng, hạ cánh ở sân bay dự phòng. Trong khi đó tại khu đô thị Ecopark, các tòa nhà cao tầng bị mờ nhòe do sương mù. Đáng chú ý, sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí; hít phải nó khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp.
Vấn đề ô nhiễm không khí tại nước ta đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khỏe con người, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Theo như thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, trong mỗi năm có tới 7 triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí. Trong đó, bụi PM2.5 chính là nguyên nhân chủ yếu vì loại bụi siêu mịn này có thể đi sâu vào trong cơ thể con người. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về môi trường không khí, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5.
Thực tế, Cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn cũng đã đưa ra nhiều lý giải. Các cấp chính quyền cũng đã có những biện pháp xử lý cụ thể. Nhưng đáng tiếc là ô nhiễm không khí vẫn tiếp diễn. Hàng năm, vào tiết giao mùa từ cuối tháng 11 đến tháng 12, tình trạng không khí ở Hà Nội lại rơi vào trạng thái “SOS”. Cuối thu và mùa đông, lặng gió, ít mưa kèm theo sương mù làm giảm độ khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi.
Trước đây, ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội được cho là do quá nhiều hộ dân, hàng quán sử dụng bếp than tổ ong và còn do nông dân ngoại thành đốt rơm rạ, cùng với quá nhiều lò gạch thủ công. Tuy nhiên, tới nay, cả 3 yếu tố gây ô nhiễm không khí kể trên đều đã gần như hết, nhưng ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục. Do đó, rất cần tìm hiểu ở những nguyên nhân khác mới có cách xử lý hiệu quả.
Theo như báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, có một số nguyên nhân chính đã đưa thành phố vào tình cảnh lo lắng này. Với hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 6 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, khí thải từ giao thông đóng góp một phần lớn vào ô nhiễm môi trường. Chất bụi mịn PM2.5, khí CO và khí CO2 từ động cơ đã tạo nên một bức tranh ô nhiễm khó lường. Hà Nội hiện cớ 17 khu công nghiệp và hơn 800 làng nghề, nơi sản xuất và chế biến, không chỉ tạo ra khói bụi và khí thải độc hại, mà còn góp phần vào sự gia tăng của ô nhiễm môi trường không khí. Đốt rác và rơm rạ sau thu hoạch, cùng với việc sử dụng bếp than tổ ong, đã tạo ra lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Sự thiếu kiểm soát và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này.
Nhiều địa phương chưa có điểm trung chuyển rác thải, dẫn đến việc sử dụng điểm tập kết rác ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, và tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định là những thách thức cần vượt qua.
Kiểm soát khí thải của phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng và xe máy gặp khó khăn, mặc dù đã có sự tăng cường kiểm tra và xử lý từ lực lượng chức năng. Tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Từ những nguyên nhân trên, rõ ràng chúng ta thấy rằng cần có một chiến lược đa chiều, liên ngành để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ý thức của cộng đồng cần được nâng cao, và quy hoạch thành phố cũng cần tính đến vấn đề này trong quá trình phát triển bền vững.
Cần xây dựng chiến lược cụ thể
Trước tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn trong thời điểm thời tiết giao mùa. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận với nhiều diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Theo bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí thì rất cần sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. Cùng đó, bà Carolyn Turk đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội. Bao gồm: Thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố; Củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy; Loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; Thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia cũng cho rằng, TP. Hà Nội cần cùng phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để xây dựng chiến lược cụ thể cho bài toán ô nhiễm không khí. Trong đó, TP Hà Nội cần xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi.
Cũng theo các chuyên gia, mặc dù TP. Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ, xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%. Đồng thời, đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đây là nỗ lực rất lớn của Hà Nội khiến không khí ô nhiễm về đêm như đã từng xảy ra do đốt rơm rạ, đốt gạch… hiện nay đã không còn. Dù vậy theo đánh giá của các chuyên gia những nỗ lực này chưa đủ, cần phải có chiến lược tổng thể quyết liệt hơn.
Cùng với đó, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/noi-lo-o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-ngay-cang-tram-trong-d217202.html