Mặc dù có công dụng giúp cắt giảm lượng calo nhất định trong thời gian ngắn, tuy nhiên, nước giảm cân 0 calo lại tăng cảm giác thèm ăn đồ ngọt nhiều hơn theo thời gian.

Dựa trên kết quả nghiên cứu được đưa ra vào ngày 28/9 vừa qua, phụ nữ và những người mắc chứng béo phì có thể bị tăng cảm giác thèm ăn sau khi thưởng thức loại nước uống 0 calo chứa sucralose – chất làm ngọt nhân tạo. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành quét não 72 người tham dự để kiểm tra mức độ phản ứng với thức ăn có hàm lượng calo cao. Trong khi xem những hình ảnh đồ ăn khác nhau, người tham gia được phục vụ 1 trong 3 loại nước: nước lọc, đồ uống có đường hoặc đồ uống được làm ngọt bằng sucralose – chất làm ngọt nhân tạo 0 calo. Sau đó, các nhà nghiên cứu đo lường hormone của người tham gia và quan sát lượng đồ ăn họ thực sự tiêu thụ sau cuộc kiểm tra hình ảnh.


Người mắc chứng béo phì có xu hướng thèm ăn nhiều hơn sau khi uống loại nước dành cho người ăn kiêng. Ảnh minh hoạ

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người tham gia thuộc phái nữ và người mắc chứng béo phì có xu hướng thèm ăn nhiều hơn sau khi uống loại nước dành cho người ăn kiêng. Trái ngược lại, người tham gia được phục vụ đồ uống chứa đường lại ăn ít hơn và lượng calo tiêu thụ trung bình cũng thấp hơn nhóm còn lại.

Tuy nhiên, xoay quanh thí nghiệm này, có ý kiến cho rằng những phản ứng của não chưa chắc đã là yếu tố dự đoán chính xác xu hướng ăn uống của mọi người.

Ted Kyle, chuyên gia chăm sóc sức khỏe và cố vấn cho Hiệp hội Béo phì cho biết, nghiên cứu kể trên quả thực có nét độc đáo, thú vị riêng nhưng chưa cho biết một cách rõ ràng về tác động của chất tạo ngọt trong cuộc sống thực.

Tại Việt Nam, để giảm béo, một số người đã tìm đến với thuốc mà không hiểu rõ cơ chế cũng như những bất lợi có thể xảy ra khi dùng.

Theo đó, một số thuốc có tác dụng gây chán ăn như: diethylpropion, benzphetamine, methamphetamine… hoặc mới hơn như: lorcaserin, bupropion và naltrexon. Các thuốc này có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương ức chế sự thèm ăn, được dùng cùng với chế độ ăn kiêng và luyện tập. Tuy nhiên, các chất kích thích giống như amphetamine là những chất được kiểm soát, nếu lạm dụng sẽ gây nghiện.

Một số nguy cơ có thể xảy ra khi dùng các thuốc này như: tăng huyết áp và nhịp tim, mất ngủ, hồi hộp, mờ mắt, bồn chồn, đau đầu, táo bón, buồn nôn, nôn… Trong trường hợp người dùng gặp các biểu hiện như: đau ngực, nhịp tim nhanh, bí tiểu hoặc khó thở…, cần liên lạc với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó, Orlistat là chất điển hình có tác dụng ngăn chặn sự hấp thụ chất béo từ thực phẩm khi ăn vào. Để dùng orlistat có hiệu quả, cần dùng thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn chính. Trong trường hợp bỏ bữa ăn hay bữa ăn không có chất béo, có thể bỏ qua không cần dùng orlistat.

Người bệnh khi dùng orlistat để giảm béo sẽ gặp các tình trạng: các chất bài tiết có đốm mỡ – dầu; trung tiện, đi đại tiện cấp, phân có mỡ hay dầu, bài xuất ra dầu; tăng đại tiện và đại tiện không kìm chế được. Người bệnh sẽ thấy rất khó chịu vì thường xuyên sôi bụng, đau bụng, quặn bụng.

Dùng thuốc kéo dài sẽ làm giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K… và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy do thiếu các vitamin này như gây loãng xương (do thiếu vitamin D), rối loạn đông máu do giảm vitamin K. Ngoài ra, sau khi dùng orlistat, đã có trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng được báo cáo ở một số người dùng với các biểu hiện ngứa, chán ăn, vàng mắt hoặc da, phân có màu sáng hay nước tiểu màu nâu.

Đối với các chất như sterculia, methylcellulose… không hấp thu vào máu mà chỉ nằm trong lòng ruột, hút nước, trương nở và tạo cảm giác đầy bụng khiến cơ thể không cảm thấy đói, làm giảm khẩu phần ăn. Tuy nhiên, thuốc làm no ống tiêu hóa cũng gây ra các tác dụng phụ như trướng bụng, đầy hơi. Những người mắc chứng hẹp đường tiêu hóa, chứng to kết tràng có thể bị tắc ruột khi sử dụng loại thuốc này.

Để tránh trường hợp người dùng tiền mất tật mang, các chuyên gia y tế đưa ra một số khuyến cáo. Cụ thể, chỉ dùng thuốc giảm cân khi chế độ ăn uống, luyện tập không kiểm soát được trọng lượng hoặc những bệnh nhân có nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe như tăng huyết áp, tiểu đường type 2, tăng mỡ máu… và không thể kiểm soát cân nặng bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục.

Thuốc giảm cân phải được dùng theo chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Trước khi lựa chọn loại thuốc giảm cân, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử sức khỏe, các nguy cơ bệnh tật, tác dụng phụ và tương tác tiềm năng của thuốc giảm cân với các loại thuốc khác (mà bạn đang dùng) để chỉ định thuốc phù hợp, an toàn… Thuốc sẽ có hiệu quả cao khi người dùng thực hiện cùng chế độ ăn uống phù hợp, luyện tập thể lực tích cực.

Không nên lầm tưởng về tác dụng “thần kỳ” mà thuốc giảm cân có thể đem lại. Thuốc giảm cân không điều trị được bệnh béo phì và không thay thế cho việc ăn uống lành mạnh cũng như một chương trình tập thể dục thường xuyên. Khi ngừng uống thuốc, nếu không duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thường xuyên, cân nặng sẽ tăng trở lại.

Vì vậy, biện pháp cơ bản, an toàn và có tác dụng tốt nhất là chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học và thể dục thể thao sẽ giúp bạn vừa giảm được cân, vừa không phải gánh thêm tác dụng phụ, lại vừa thêm khỏe. Và quan trọng hơn, nó có tác dụng lâu dài hơn bất cứ dùng loại thuốc nào.

Giảm cân cần có thời gian và giảm từ từ. Cần cảnh giác với các loại thuốc giảm cân nhanh, cấp tốc… Thực chất các loại thuốc “giảm cân cấp tốc” này chỉ là những thuốc gây tiêu chảy, mất nước và không được gọi là thuốc giảm béo. Người dùng có thể gặp những biến cố tai hại do sự thay đổi quá nhanh và quá đột ngột gây ra. Không nên mua thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường, đề phòng hàng giả mạo, chứa chất cấm… gây những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe. Hai tác dụng chính của thuốc giảm béo là giảm hấp thu và gây chán ăn, do đó sẽ làm giảm lượng dinh dưỡng hàng ngày trong cơ thể mà giúp giảm cân nặng. Vì vậy, dùng thuốc giảm béo không phải là liệu pháp bền vững.

Diệu Hương (T/h)
https://vietq.vn/nuoc-giam-can-0-calo-van-co-kha-nang-lam-tang-cam-giac-them-an-d192981.html