Với những bước phát triển đáng ghi nhận, cụm từ “nông nghiệp hữu cơ” hay “nông sản hữu cơ” đang trở nên ngày càng gần gũi với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, muốn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vươn tầm thì trước tiên, cần phải giải bài toán đặt ra về vấn đề tiêu chuẩn chất lượng…

“Sôi động” sản xuất hữu cơ

Sản xuất hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên thế giới hiện có 179 quốc gia áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích hơn 76 triệu ha, doanh thu đạt hơn 81 tỷ USD. Trong đó, có khoảng 87 quốc gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm hữu cơ.

Tại Việt Nam, việc nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có nông nghiệp hữu cơ trở nên cực kì “sôi động” thời gian vừa qua. Từ chỗ chỉ có 8 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ vào năm 2008, đến nay đã có 33 trên 63 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình này, với 76.000ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ đang phát triển…

Khảo sát gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, nông nghiệp hữu cơ đã có trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp. Việt Nam có lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, thế nhưng còn tùy thuộc vào lợi thế mỗi vùng, miền.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực trạng khác đang diễn biến đáng lo ngại là những người làm nông nghiệp hữu cơ hiện vẫn còn lúng túng, nảy sinh nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng khó khăn trong việc tiếp cận, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Giải bài toán “thiếu chuẩn”

Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trong quá trình thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ, các doanh nghiệp, tổ chức tại nước ta vấp phải khá nhiều khó khăn không những đến từ nội tại mà còn có một số yếu tố khách quan khác. Điển hình như việc tìm kiếm các diện tích đất đủ tiêu chuẩn để làm nông nghiệp hữu cơ là cả một quá trình.

Ông Mịch lí giải, vì đa số các vùng trồng trọt của nước ta nhiều năm qua đã quá quen với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại hóa chất khác nhau. Từ những nền đất như vậy, không thể chuyển ngay lập tức qua sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mà cần phải trải qua một quá trình dài để làm sạch đất, loại bỏ những chất gây hại có trong đất. Quá trình cải tạo đất này kéo dài phải từ 1 năm đến 3 năm, thậm chí là hơn mới có thể đạt yêu cầu.


Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Ngoài ra, các sản phẩm tự gọi là “hữu cơ” không có chứng nhận tiêu chuẩn xuất hiện tràn lan trên thị trường, cùng với thói quen và nhận thức của người tiêu dùng còn thấp, nên các sản phẩm hữu cơ từ các nhà sản xuất, cung cấp có uy tín bị ảnh hưởng nặng nề vì khó cạnh tranh được từ giá thành cho đến sản lượng. Bên cạnh đó, do sản xuất các sản phẩm hữu cơ theo Tiêu chuẩn quốc tế rất khắt khe dẫn tới việc sản lượng không cao, cung không đủ cầu.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Loan, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, nhìn chung quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam mới chỉ ở dạng mô hình nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, chưa có vùng tập trung, sản phẩm ở dạng đơn lẻ…

Hiện, Việt Nam có tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm hữu cơ; trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ và một số sản phẩm như: gạo, chè, sữa, tôm; nhưng chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm: thủy sản, dược liệu, mỹ phẩm, rau, quả, cà phê, hồ tiêu hữu cơ… Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có danh mục vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đứng dưới góc độ chuyên gia nông nghiệp hữu cơ nước ngoài, ông Olivier Catrou, Viện Quốc gia về Xuất xứ và Chất lượng (INAO), Bộ Nông nghiệp Pháp đưa ra khuyến nghị cần có quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nông dân có thể sản xuất với số lượng lớn. Người nông dân có thể sản xuất đúng quy trình nhưng nếu chưa được chứng nhận thì cũng rất khó bán ra thị trường. Vai trò quản lý nhà nước là cung cấp thông tin, hệ thống cấp, quản lý chứng nhận; hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Ông Olivier Catrou nhấn mạnh, tiềm năng Việt Nam xuất khẩu nông sản hữu cơ sang châu Âu rất lớn vì các sản phẩm hai bên bổ sung cho nhau. Thị trường nông sản hữu cơ ở châu Âu rất lớn nhưng phải làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng để có thể xuất khẩu vào châu Âu. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra tiềm năng để phát triển mạnh lĩnh vực này cho cả hai bên. Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu cần trực tiếp đến châu Âu để tìm hiểu, biết được họ cần gì và cần phải đáp ứng như thế nào.

Lê Thanh Tùng
http://vietq.vn/nong-nghiep-huu-co-giai-bai-toan-thieu-chuan-d167726.html