Khi nông nghiệp 4.0 bắt đầu được bàn luận nhiều thì theo giáo sư Võ Tòng Xuân, nên nghĩ đến nó từ việc rất căn bản là giảm phân thuốc.
Sau thời gian “công nghiệp 4.0” được bàn luận sôi nổi, “khí thế” này cũng đã lan sang ngành nông nghiệp. Trong một hội thảo mới diễn ra, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, nông nghiệp 4.0 hay còn gọi là nông nghiệp thông minh đã giúp nền nông nghiệp nhiều quốc gia “phát triển rực rỡ”, mang lại bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng canh tác.
Tại Việt Nam, đã có các dự án nông nghiệp công nghệ cao lớn như mô hình sản xuất nấm của Kinoko Thanh Cao, trồng rau của VinEco, nuôi bò sữa của Vinamilk, nuôi gà của Hùng Nhơn… Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều.
Mô hình thủy canh giá thể nhiều tầng Sky Green của VinEco.
“Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp thông minh đã xuất hiện nhưng còn rất ít”, cơ quan này nhận định.
Là chuyên gia làm việc lâu năm trong ngành nông nghiệp, giáo sư Võ Tòng Xuân bình luận, chính bởi đa số người làm nông chưa có điều kiện áp dụng công nghệ cao nên nếu suy nghĩ đến 4.0 thì việc đầu tiên cần làm đơn giản là bớt dùng phân bón, thuốc hóa học.
“Ngoài những cá nhân có điều kiện áp dụng nông nghiệp 4.0, đại bộ phận nông dân sẽ áp dụng nó trong chuỗi phát triển nông nghiệp theo mục tiêu tối hậu của nó, tức là ứng dụng các chế phẩm mới nhất trong quy trình sản xuất, giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vi sinh vật kháng sâu bệnh”, ông khuyến nghị.
Vị giáo sư cho rằng, triển khai nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam sẽ không đơn giản vì còn hàng loạt thách thức, cả khách quan lẫn chủ quan. Biến đổi khí hậu, điều kiện đất đai, tập quán canh tác là các điển hình.
“Trước khi quyết định làm 4.0 thì cũng phải thấy bây giờ khí hậu thất thường, mưa nắng không đều, nước lũ về thấp hơn. Kênh mương chằng chịt làm đất đai manh mún, khó ứng dụng cơ giới hóa trên cánh đồng lớn”, ông nói.
Dẫn con số 68% người dân khu vực nông thôn dùng smartphone, ông Võ Tòng Xuân nhận định nhiều nông dân hứng thú tiếp cận công nghệ nhưng tư duy sản xuất vẫn giữ thói kinh nghiệm lão nông.
“Ông nông dân mình rất sang, chi mấy triệu mua smartphone không sao nhưng dùng hiệu quả chưa là chuyện khác. Mình cần nhiều thanh nông hơn chứ lực lượng lão nông rất khó sửa và cập nhật tiến bộ mới.
Nông dân cũng quá tự do, muốn trồng gì thì trồng, chặt gì thì chặt, không thích hợp tác một cách tự nguyện nên mỗi lần có chương trình, dự án phải vận động rất nhiều”, ông nhận định.
Theo vị giáo sư, qua 40 năm, ngành trồng lúa đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Sản lượng lúa tăng tốt nhưng chất lượng chưa cao. Chăn nuôi và cây ăn quả phát triển nhưng chưa bền vì sâu bệnh tăng. Xuất khẩu cũng tăng nhưng không ổn định, dễ “dội chợ”. Do đó, suy nghĩ về nông nghiệp 4.0 cũng hợp lý nhưng còn rất nhiều việc phải làm.
Theo khái niệm của Hiệp hội Máy Nông nghiệp châu Âu, nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nông nghiệp 2.0 là cuộc cách mạng xanh vào những năm 1950.
Nông nghiệp 3.0 diễn ra từ những năm 1990 với ứng dụng GPS, cảm biến, cơ giới hóa cao. Và gần đây, nông nghiệp 4.0 được nhắc đến từ khái niệm công nghiệp 4.0 do người Đức định nghĩa.
Với một số chuyên gia và nhà quản lý tại Việt Nam, việc hướng đến nông nghiệp 4.0 đang cần thiết để thay đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp vẫn trong tình trạng khối lượng nhiều – giá trị thấp, hiệu suất dùng đất đai và tài nguyên chưa cao. Ngoài ra, thị trường thế giới đang là thời cơ cần nắm bắt.
“Việt Nam có vị trí chiến lược tại Đông Nam Á để cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho khu vực. Ngoài ra, chúng ta đang nằm cạnh một thị trường hết sức lớn và dễ tính”, Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ví dụ.
Theo VnExpress/moitruong.com.vn (17/10/2018)