Theo các bác sĩ, việc nối mi thường xuyên có thể gây ra nhiều tác hại. Đặc biệt nếu nối mi không đảm bảo có thể khiến người dùng bị nhiễm hóa chất độc hại.

Theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, nối mi đang là một phương pháp làm đẹp được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, rất nhiều loại keo được sử dụng trong nối mi chứa hoá chất có thể gây ra nhiều tác hại.

Dị ứng do chứa hóa chất formaldehyde

Nối mi là phương pháp làm đẹp gắp từng cọng mi giả để gắn vào mi thật bằng cách nhúng mi giả vào keo dán mi đúng chiều dài. Trong quá trình dán không để keo dính vào mắt hay mí mặt, không được làm tổn hại đến nang lông, đặc biệt mi thật phải được phát triển tự nhiên theo khuôn định sẵn một cách tỉ mỉ. Bởi chất keo gắn mi có thể chứa formaldehyde- hóa chất gây dị ứng dẫn tới các phản ứng khó chịu ở vùng da tiếp xúc. Ngay cả những salon uy tín cũng vẫn có thể khiến khách hàng của họ bị nhiễm khuẩn giác mạc và mí mắt, cũng như viêm da do phản ứng với loại keo mà salon đó sử dụng. Tình trạng này nếu nhẹ thì sẽ dịu dần và hết sau vài ngày đến 1 tuần. Nếu nặng hơn có thể khiến da quanh mắt đỏ, mí mắt sưng phồng kéo dài đến vài tháng, thậm chí nhiễm khuẩn mí mắt, cần phải điều trị.

Nối mi không cẩn thận có thể gây dị ứng bởi hóa chất độc hại. Ảnh minh họa

Rụng lông mi

Ngoài tác hại do keo gắn mi, thì quá trình sau nối mi cũng gây ra không ít phiền phức, tác hại. Chẳng hạn như lông mi tự nhiên dễ bị rụng theo lực kéo của lông mi giả được gắn. Quá trình này thường xảy ra sau khoảng 2-3 tuần nối mi.

Quá trình gỡ lông mi giả, lực kéo cũng khiến lông mi thật bị rụng theo. Người đã và đang nối mi sẽ rất khó chấp nhận một hàng lông mi lưa thưa, không đều nên tiếp tục muốn thực hiện việc nối mi… Nếu thực hiện nối mi liên tục sẽ khiến mắt, mí mắt, da quanh mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đau mắt

Với hàng lông mi giả khó vệ sinh sạch hoàn toàn khỏi các bụi bám, nên dễ dẫn đến đau, ngứa mắt. Có đến hơn 50% chị em thường xuyên nối mi sẽ gặp các tình trạng viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm bờ mi. Ngoài nguyên nhân do bị kích ứng với keo dán lông mi kém chất lượng, thì việc dùng sử dụng nhiều lần sẽ gây bít tắc tuyến bã nhờn ở lông mi dẫn đến viêm mí mắt, sưng đỏ. Hóa chất này cũng gây kích ứng dẫn đến đỏ giác mạc, vi khuẩn, nấm dễ xâm nhập gây ra các bệnh ở mắt.

Thường xuyên nối mi sẽ khiến vi khuẩn trong hàng mi phát triển mạnh

Thực sự nối mi không tốt cho sức khoẻ nên người dùng cần nối càng ít càng tốt. Bởi lẽ khi sử dụng mi nối quá lâu, quá thường xuyên thì vi khuẩn trong hàng mi sẽ phát triển mạnh mẽ. Rất khó để vệ sinh sạch sẽ hoàn toàn hàng mi, do đó lông mi vẫn có thể tồn tại nhiều vi khuẩn, nấm dẫn tới nhiễm trùng mắt và các bộ phận lân cận. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu khoa học để xác định khoảng thời gian an toàn để giữ mi nối nhưng nhiều khuyến cáo cho rằng, chị em nên nghỉ khoảng 1 tuần rồi nối mi mới để có thời gian cho mí mắt được thư giãn và đảm bảo vệ sinh.

Cách hạn chế tác hại khi nối mi mắt

Mặc dù làm đẹp bằng phương pháp nối mi mắt có nhiều tác hại, nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện, nhưng cần lưu ý một số vấn đề sau để hạn chế tác hại:

Không nối mi mắt quá nhiều, nối mi mắt liên tục. Thời gian nghỉ sau mỗi lần gỡ lông mi giả nên là 2-3 tuần rồi mới nối mi cho lần sau. Tốt nhất chỉ nên nối mi mắt cho những sự kiện cần thiết mà không tiện đeo mi giả.

Nếu quá trình nối mi mắt giả khiến lông mi mắt thật bị rụng, gây thưa thớt không đều, bạn cũng không nên hốt hoảng. Hãy bình tĩnh ngừng sử dụng việc nối mi trong một thời gian, điều trị các vấn đề (nếu có) do việc nối mi gây ra. Sau đó một thời gian lông mi thật sẽ mọc trở lại. Quá trình này không nhanh, nếu bạn thiếu tự tin thì hãy chọn phương pháp trang điểm phù hợp để che bớt nhược điểm này.

Chọn người thực hiện nối mi chuyên nghiệp, có tay nghề cao, vừa giúp việc gắn mi được đẹp, vừa hạn chế tình trạng keo gắn mi rớt lên da mắt. Chọn lông mi giả và keo dán lông mi uy tín, bảo đảm. Không mua và sử dụng hàng không rõ nguồn gốc. Keo dán mi phải không chứa formaldehyde. Sử dụng dụng cụ nối mi đã được khử trùng cẩn thận.

Đối với người có làn da nhạy cảm, cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện nối mi. Trong 24 giờ sau khi nối mi, nên hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với nước để giữ độ bền. Sau đó, mỗi khi rửa mặt, dùng chổi masscara sạch để chải lông mi để giúp lông mi luôn thẳng hàng, không bị dính lộn xộn vào nhau. Dù có ngứa, cũng không nên dụi mắt, vì có thể khiến keo dán bị bong, hàng mi xô lệch… Không tự gỡ mi giả vì có thể khiến rụng mi thật nhiều hơn.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/noi-mi-thuong-xuyen-tiem-an-nhiem-hoa-chat-doc-hai-d213027.html