Hiện nay trên một số nền tảng mạng xã hội xuất hiện trào lưu khuyến khích việc ăn thô. Thực chất đây chính là ăn sống các loại thực phẩm.

Nói đến “thực phẩm chính” chủ yếu chính là cơm mà chúng ta vẫn ăn hằng ngày, bên cạnh đó có thể kết hợp với bún, phở, hủ tiếu vv… để thay đổi khẩu vị. Mặc dù đây là thành phần thiết yếu nhất trong bữa ăn nhưng hiện nay, nhiều người vì muốn giảm cân mà thực hiện chế độ ăn kiêng một cách mù quáng, trong đó có cả tình trạng cắt giảm thực phẩm chính mà thay bằng các loại lương thực thô hoàn toàn.

Zing News ghi nhận, chỉ mất một giây gõ từ “ăn thô” trên công cụ tìm kiếm của mạng xã hội TikTok, không khó để chúng ta tiếp cận hàng loạt video liên quan cách ăn này đến từ những người có sức ảnh hưởng lớn với cả triệu lượt theo dõi.

Một trong những video “triệu view” trên nền tảng này định nghĩa: “Ăn thô là chế độ ăn các loại rau, củ, quả thuần chay không qua chế biến, xử lý nhiệt”.


Nhiều người đang hiểu sai về việc ăn thô với ăn các loại thực phẩm sống. Ảnh: Zing News

Đằng sau định nghĩa này là những mâm hoa quả, rau xanh tươi sống được người thực hiện chuẩn bị, ăn trước máy quay song song với lời động viên, tạo động lực ăn thô nhằm cải thiện sức khỏe, giảm cân,…

Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định ăn thô không đồng nghĩa với ăn sống.

“Chúng ta cần phân biệt rõ, ăn thô là tiêu thụ những thực phẩm chưa qua xử lý như gạo lứt, bánh mỳ đen, ngô, khoai nguyên củ. Ví dụ hạt gạo sau khi xay xát không còn là thực phẩm ăn thô. Bún, phở, mỳ được xử lý từ gạo cũng không được tính là ăn thô”, vị chuyên gia nói.

Trong khi đó, bà cho hay ăn sống được hiểu đơn giản là tiêu thụ thực phẩm chưa qua chế biến nhiệt. Dựa trên khái niệm này, hành động của những người làm theo trào lưu trên được xét vào chế độ ăn sống thay vì ăn thô như họ chia sẻ.

Theo chia sẻ từ những video trên TikTok, việc ăn thực phẩm tươi sống, không qua chế biến sẽ giúp cơ thể giữ được toàn bộ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Đồng ý với quan điểm này, bác sĩ Hải thừa nhận đây cũng là lợi ích duy nhất của việc ăn sống thực phẩm.

“Thông qua chế biến nhiệt, các vitamin, khoáng chất có trong thực phẩm bị mất rất nhiều. Thậm chí, nếu nấu sai cách, chúng ta còn có thể làm mất toàn bộ phần dinh dưỡng này trong đồ ăn”, vị chuyên gia nói thêm.

Do đó, bà khẳng định ưu điểm lớn nhất của việc ăn sống là chúng ta có thể giữ gần như trọn vẹn chất dinh dưỡng trong thực phẩm, nhất là các loại vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, nhược điểm của cách ăn này là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bác sĩ Hải lấy ví dụ về việc người Nhật Bản thường xuyên ăn các loại sushi, sashimi từ cá sống nhưng việc vệ sinh của họ được đảm bảo rất chặt chẽ. Các loại hải sản được sử dụng cho món ăn này chỉ là cá biển thay vì cá sông hay cá đồng. Ngoài ra, chúng cũng phải đảm bảo về độ tươi trước khi chế biến.

Tương tự, việc ăn rau sống cũng đòi hỏi về tính vệ sinh và an toàn. Rau ăn sống nhưng nếu bón, tưới bằng phân súc vật hoặc nước thải, nước cống,… sẽ mang đến nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh rất cao.

Bác sĩ Hải nhấn mạnh thêm, nếu không đảm bảo được độ tươi và sạch, việc ăn sống các thực phẩm sẽ mang đến nguy cơ lớn ngộ độc từ những vi sinh vật gây bệnh. Đây cũng là lý do tại Việt Nam, người dân luôn được khuyến cáo ăn chín, uống sôi trong mọi trường hợp.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/no-ro-trao-luu-an-tho-can-than-trong-truoc-nhung-tac-hai-kho-luong-d201053.html