18 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeCông nghệ sạchNỗ lực biến rác thành năng lượng của Thụy Điển

    Nỗ lực biến rác thành năng lượng của Thụy Điển

    Date:

    Related stories

    Thụy Điển được biết đến là nước đi đầu trong sản xuất năng lượng xanh từ rác thải. Để có được thành quả này, quốc gia đáng sống nhất thế giới đã trải qua một quá trình nỗ lực trong nhiều thập niên để hoàn thiện quy trình, hệ thống thu gom và biến rác thải thành năng lượng.


    Từ những năm 1970, Thụy Điển bắt đầu thực hiện những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải.

    Trên thế giới, trung bình, gần 60% chất thải được đưa vào các bãi chôn lấp, trong khi ở Thụy Điển con số này chỉ là 1%. Những bãi rác trống rỗng, năng lượng từ đốt rác được tận dụng triệt để. Vậy điều gì đã làm cho hệ thống tái chế của đất nước này thành công như vậy? Câu trả lời nằm ở nỗ lực của chính phủ trong xử lý chất thải của đất nước.

    Ngay từ những năm 1970, Thụy Điển bắt đầu thực hiện những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải trong các hộ gia đình, nhà máy và địa phương và cùng với đó, chính sách tái chế rác thải được thực thi. Vào thời điểm năm 1975, tỷ lệ tái chế chất thải của các hộ gia đình ở mức 38%.

    Kể từ những năm 1990, chính phủ Thụy Điển đã thực hiện một loạt các chính sách hiệu quả nhằm giảm phát sinh chất thải, nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và người dân cũng như cắt giảm mạnh lượng khí thải. Sau khi thông qua chính sách yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm xử lý tất cả các chi phí liên quan đến việc thu gom và tiêu hủy sản phẩm, còn được gọi là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Thụy Điển đã nhắm mục tiêu đến các hộ gia đình bằng cách áp dụng phí rác thải dựa trên trọng lượng để khuyến khích hoạt động tái chế.

    Hơn nữa, luật pháp quốc gia cấm chôn lấp chất thải hữu cơ và dễ cháy, cùng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về chất thải nguy hại, chôn lấp và đốt rác do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với tất cả các quốc gia thành viên đã cho phép Thụy Điển giảm đáng kể lượng khí thải và tổng lượng chất thải chôn lấp.

    Đến năm 2001, lượng rác thải được xử lý lên tới 78%. Kể từ năm 2011 tới nay, chỉ có gần 1% lượng rác thải gia đình ở Thụy Điển bị đưa ra ngoài các bãi rác. Còn lại tất cả rác thải trong nước đã được xử lý hiệu quả với 47% lượng rác thải được tái chế và 52% còn lại được sử dụng để sản xuất nhiệt.

    Mặc dù mỗi năm có gần 4,4 triệu tấn rác thải sinh hoạt với khoảng 467 kg rác thải/người, nhưng nhận thức cao của cộng đồng về lợi ích của việc tái chế cũng như hệ thống thu gom hiệu quả là chìa khóa thành công của Thụy Điển. Và bằng cách chuyển rác thải thành năng lượng, đất nước Bắc Âu đáng sống nhất thế giới đã có thể giữ cho các bãi rác của mình trống rỗng.

    Trong khi cả thế giới lo xử lý rác thải Thụy Điển lại sẵn sàng nhập khẩu rác.

    Bởi vậy, trong khi phần lớn thế giới còn chật vật với lượng rác thải ngày một cao tại quốc gia của mình thì chính sách “không rác thải” đã khiến Thụy Điển cạn kiệt rác và bắt đầu nhập khẩu rác. Từ năm 2005 đến năm 2014, mức nhập khẩu mặt hàng đặc biệt này đã tăng gấp 4 lần.

    Theo Avfall Sverige, hiệp hội quản lý rác thải của Thụy Điển, trong năm 2014, đất nước thuộc bán đảo Scandinavia này đã nhập khẩu khoảng 800.000 tấn rác, chủ yếu từ Anh và Na Uy. Đến năm 2016, gần 2,3 triệu tấn rác thải được nhập khẩu từ Anh, Na Uy, Ireland và các nước khác.

    Theo thời gian, cùng với quan điểm “không rác thải”, Thụy Điển đã triển khai được một chính sách tái chế rác thải có quy mô toàn quốc. Các khu đô thị ở Thụy Điển đều đầu tư vào các kỹ thuật thu gom rác thải để giảm tải cho quá trình thu gom, giải phóng bớt không gian cho đường sá với các hệ thống chứa rác ngầm và giảm thiểu mùi từ rác thải. Trong khi đó, ngay cả các doanh nghiệp tư nhân cũng chủ động đảm nhiệm hầu hết các hoạt động nhập khẩu và đốt rác.


    Năng lượng này sẽ được quay vòng, trở thành nguồn nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà trong mùa đông khắc nghiệt.

    Khi nhiều quốc gia ở châu Âu không thể tận dụng được nhiệt lượng từ việc đốt rác và nhiệt lượng này thường sẽ bị bỏ phí qua các ống khói nhưng Thụy Điển lại có thể sử dụng nó như một nguồn năng lượng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng thu được từ quá trình đốt rác được chuyển vào hệ thống sưởi ấm toàn quốc, giúp các gia đình vượt qua mùa đông giá lạnh ở nước này.

    Chuyên gia năng lượng tại Viện Môi trường Stockholm, Adis Dzebo nhận định, Thụy Điển có hệ thống cung cấp nhiệt sưởi ấm tốt nhất trên thế giới với những lò đốt khổng lồ và nhiệt được chuyển đến từng ngôi nhà qua mạng lưới ống ngầm.

    Hiện nay, theo thống kê, năng lượng từ rác chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung cấp điện của Thụy Điển; thủy điện và năng lượng hạt nhân tạo ra khoảng 83% điện năng của Thụy Điển và gió tạo ra 7% khác. Nhưng rác thải cung cấp phần lớn nhiệt lượng trong những tháng lạnh giá cho gần 10 triệu cư dân của đất nước. Năng lượng từ rác tương đương với nhu cầu sưởi ấm của 1,25 triệu căn hộ và điện cho 680.000 ngôi nhà.

    Những nỗ lực tái chế của Thụy Điển cũng như các giải pháp của nước này để đưa rác thải ra khỏi các bãi chôn lấp và chuyển thành năng lượng sạch không chỉ là một giải pháp thay thế thông minh, ít tác động đến môi trường hơn mà còn cho phép khai thác các nguồn tài nguyên mà nếu không sẽ bị lãng phí.

    EU đã khuyến khích các nước thành viên xây dựng hệ thống nhiệt để sưởi ấm tương tự như Thụy Điển. Ngoài ra, đại diện từ nhiều quốc gia như Ba Lan, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã đến Thụy Điển để học hỏi kinh nghiệm biến đổi rác thành năng lượng.

    Thanh Sơn
    https://petrotimes.vn/no-luc-bien-rac-thanh-nang-luong-cua-thuy-dien-664658.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img