31 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 5 28, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNiềm tin dễ dãi trả giá sức khỏe: Cái bẫy mang tên...

    Niềm tin dễ dãi trả giá sức khỏe: Cái bẫy mang tên thực phẩm chức năng “dởm”

    Date:

    Related stories

    Sự bùng nổ của thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho người tiêu dùng trong việc chăm sóc sức khỏe chủ động, tuy nhiên, ranh giới giữa sử dụng hợp lý và lạm dụng đang ngày càng mờ nhạt khi hàng loạt sản phẩm bị thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật, thậm chí là làm giả.

    Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những ngành hàng tiềm năng nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Với sự gia tăng nhận thức về sức khỏe, tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cùng điều kiện kinh tế được cải thiện, người dân ngày càng có xu hướng tìm đến các sản phẩm hỗ trợ, bổ sung thay vì chỉ điều trị khi mắc bệnh.

    Theo số liệu từ Euromonitor, năm 2022, quy mô thị trường TPCN Việt Nam đạt khoảng 2,4 tỷ USD và dự báo tăng trưởng đều đặn 7% mỗi năm trong giai đoạn 2023 – 2028. Với dân số hơn 99 triệu người, trong đó tỷ lệ người cao tuổi đang gia tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, TPCN trở thành “mảnh đất vàng” cho cả nhà sản xuất trong nước lẫn quốc tế.

    Từ hiệu thuốc, siêu thị, trung tâm thương mại đến các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt sản phẩm gắn mác “hỗ trợ gan”, “tăng đề kháng”, “ngừa ung thư”, “trẻ hóa làn da”… đi kèm lời giới thiệu hấp dẫn như thể chỉ cần uống một vài viên mỗi ngày là đủ để duy trì sức khỏe hoàn hảo. Tuy nhiên, chính sự bùng nổ mạnh mẽ và thiếu kiểm soát đó khiến thị trường TPCN sớm bộc lộ nhiều bất cập. Một trong những vấn đề nhức nhối là tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng.

    Chỉ cần dạo quanh các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những đoạn livestream, bài viết, video có sự xuất hiện của người nổi tiếng quảng bá sản phẩm như thể đó là “thần dược” chữa được đủ loại bệnh, từ xương khớp đến tiểu đường, thậm chí cả ung thư. Sự nhập nhèm giữa khái niệm “hỗ trợ” và “điều trị” khiến nhiều người tiêu dùng – đặc biệt là người lớn tuổi dễ rơi vào vòng xoáy tin tưởng mù quáng.

    Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nơi quảng cáo TPCN tràn lan lại chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến hệ quả là người tiêu dùng trở thành đối tượng bị thao túng niềm tin.

    Không dừng lại ở đó, vấn nạn TPCN giả, nhái, kém chất lượng cũng đang ngày càng lan rộng. Vụ phát hiện gần 12.000 lọ TPCN giả mang nhãn hiệu nước ngoài tại một cơ sở ở Hà Nội mới đây là minh chứng rõ ràng cho thấy thị trường đang tồn tại những lỗ hổng lớn về quản lý.

    Không chỉ TPCN giả, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, không qua kiểm định nhưng vẫn được gắn nhãn ngoại, bán với giá cao và đưa ra thị trường thông qua các kênh phân phối thiếu kiểm soát. Với vỏ bọc hoàn hảo và chiêu trò marketing tinh vi, người tiêu dùng khó lòng phân biệt thật giả, có đảm bảo chất lượng hay không mà chỉ dựa vào lời quảng cáo hoặc đánh giá ảo.


    Thực phẩm chức năng: Ranh giới giữa hợp lý và lạm dụng. (Ảnh minh họa).

    Trả lời trên báo chí, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: “Thực phẩm chức năng là cần thiết nếu cơ thể thiếu vi chất hoặc vitamin. Nhưng “phụ thuộc” là khi người ta tin tưởng mù quáng, coi đó là thần dược, dùng mọi lúc mọi nơi, kể cả khi không cần thiết”.

    Theo bác sĩ Phúc, có bốn biểu hiện của lạm dụng: dùng bừa bãi, mua giá quá cao, đặt niềm tin sai lệch và bị quảng cáo dẫn dắt quá mức. Hậu quả là tiền mất, bệnh không khỏi, thậm chí sức khỏe xấu đi. “Tôi gặp nhiều bệnh nhân bỏ ra hàng chục triệu đồng mua thực phẩm chức năng theo lời giới thiệu, trong khi không đủ tiền đi khám bệnh. Kết quả là bệnh vẫn dai dẳng, còn túi tiền thì cạn kiệt”, vị này nói.

    Tuy nhiên, đáng lo ngại là nhiều người đang dùng TPCN như một dạng “thuốc điều trị” mà hoàn toàn không hiểu rõ bản chất hay liều lượng, dẫn đến hệ quả là bỏ điều trị chính thống, trì hoãn khám bệnh, thậm chí bị ảnh hưởng sức khỏe do tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc không được cảnh báo. “Sức khỏe không thể dựa vào niềm tin và sự nhẹ dạ. Nó cần được chăm sóc bằng hiểu biết và kiến thức đúng đắn,” ông Trần Văn Phúc nói.

    Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, việc người tiêu dùng đặt niềm tin mù quáng vào TPCN là hệ quả của tâm lý nôn nóng muốn khỏe nhanh, đẹp nhanh mà không cần nỗ lực. Ông nhấn mạnh: “Thực phẩm chức năng không phải thuốc và không có tác dụng điều trị bệnh. Nếu ai đó nói sản phẩm có thể chữa được ung thư, tiểu đường hay tim mạch, thì đó là sự lừa đảo”.

    Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, việc sử dụng TPCN cần được đặt trong bối cảnh tổng thể, kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập đều đặn và thăm khám y tế định kỳ. Không có bất kỳ sản phẩm nào đủ sức thay thế một lối sống lành mạnh.

    Thực trạng lạm dụng TPCN không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà đang có xu hướng phổ biến ở giới trẻ – những người được cho là tỉnh táo hơn. Từ viên uống giảm cân, trắng da, bổ sung collagen đến sản phẩm tăng cơ, tăng testosterone – tất cả đều được bán tràn lan và sử dụng theo cảm tính. Rất ít người thực sự hiểu rõ thành phần sản phẩm, liều lượng sử dụng hay tương tác với các loại thuốc hoặc thực phẩm khác.

    Không ít trường hợp đã phải nhập viện do ngộ độc, suy gan, thận hoặc rối loạn chuyển hóa sau thời gian dài tự ý sử dụng TPCN không rõ nguồn gốc. Thậm chí, một số sản phẩm còn chứa chất cấm, bị thu hồi ở nước ngoài nhưng vẫn len lỏi vào thị trường nội địa thông qua con đường xách tay hoặc thương mại điện tử.

    Trước thực trạng nói trên, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn từ cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng truyền thông và cả người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối TPCN; xử lý nghiêm đơn vị quảng cáo sai sự thật, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, cần có chiến lược truyền thông giáo dục cộng đồng rõ ràng và thường xuyên để nâng cao nhận thức người dân về vai trò, giới hạn và cách sử dụng TPCN an toàn.

    Về phía người tiêu dùng, đã đến lúc cần trang bị cho mình kiến thức tối thiểu về y tế, dinh dưỡng và khả năng sàng lọc thông tin. Đừng đặt cược sức khỏe của mình vào những lời quảng cáo ngọt ngào, không căn cứ. Sự tỉnh táo và hiểu biết là “lá chắn” vững chắc nhất trước một thị trường đang vận hành nhiều mảng tối như hiện nay.

    TPCN nếu sử dụng đúng cách, đúng nhu cầu có thể là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sức khỏe, nhưng khi bị lạm dụng, bị điều khiển bởi quảng cáo sai lệch và lợi ích thương mại, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi làm tổn thương cả thể chất, tinh thần và ví tiền người tiêu dùng. Sức khỏe không phải là điều có thể mua dễ dàng qua vài cú click chuột, nó đòi hỏi sự hiểu biết, kiên trì và trách nhiệm với chính cơ thể mình.

    Thanh Hiền
    https://vietq.vn/niem-tin-de-dai-tra-gia-suc-khoe-cai-bay-mang-ten-thuc-pham-chuc-nang-dom-d233643.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img