25 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNhững vật dụng quen thuộc là "thủ phạm" gây ô nhiễm môi...

    Những vật dụng quen thuộc là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường trong nhà

    Date:

    Related stories

    Ô nhiễm không khí không chỉ xuất phát từ các tác nhân bên ngoài môi trường mà có thể từ chính những vật dụng quen thuộc trong gia đình mà người dùng không hề hay biết.

    Nhiều người vẫn nghĩ ô nhiễm không khí chỉ xảy ra ở bên ngoài với các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu hiện nay từ khí thải của ô tô, xe máy, rác thải sinh hoạt chưa được xử lý,… Tuy nhiên, môi trường sống trong gia đình cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm không khí trong nhà mà không phải ai cũng biết và nhận ra.

    Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí trong nhà là ô nhiễm hóa học, sinh học và vật lý của không khí trong nhà. Ở các nước đang phát triển, nguồn ô nhiễm không khí trong nhà chính là khói sinh khối có chứa các chất dạng hạt lơ lửng (5PM), bụi mịn PM 2.5, nitơ đioxit (NO2), lưu huỳnh đioxit (SO2)… Theo nghiên cứu về sự phơi nhiễm của con người đối với các chất ô nhiễm trong không khí của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ EPA – Environmental Protection Agency, nồng độ các chất ô nhiễm trong nhà có thể cao gấp 8 lần so với ngoài trời. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, cấu trúc khép kín của các ngôi nhà hoặc tòa nhà làm dòng không khí trong lành bị hạn chế, từ đó làm chất lượng không khí kém đi, khiến mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

    Nhắc đến ô nhiễm không khí, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay tới khói bụi và khí thải ô tô. Đây được gọi là ô nhiễm không khí ngoài trời, nhưng sẽ nguy hiểm hơn khi nó trở thành ô nhiễm không khí trong nhà. Ngoài tác nhân ô nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào, những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm trong nhà phải kể đến đó là: Nấu ăn bằng các nguyên liệu dầu hỏa, khí gas, nấu các món ăn chiên, nướng, hút thuốc lá, bụi bẩn từ hoạt động hút bụi, dọn vệ sinh nhà ở, hạt bụi từ nguyên liệu tạo nên các vật dụng trong nhà, nấm mốc,… Các hoạt động này đều đang thải ra những hạt bụi và khí thải độc hại, đặc biệt là bụi mịn PM 2.5 – loại hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở.

    Ô nhiễm không khí có thể xảy ra ngay trong không gian sống của chúng ta. Ảnh minh họa

    Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 4,3 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí trong nhà gây ra. Mặc dù con số tử vong sớm vì ô nhiễm không khí trong nhà gây ra vẫn còn cao, thế nhưng thực tế cho thấy, do đã quen dần với môi trường trong nhà nên chúng ta rất khó cảm nhận được các khí độc hại này. Chính vì vậy, con người thường ít quan tâm đến mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe do ô nhiễm không khí trong nhà và thường cho rằng không khí trong nhà “trong lành hơn ngoài trời” vì chúng ta không nhìn thấy cũng như không cảm nhận được.

    Nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí trong nhà thường không ở đâu xa mà chính ngay từ các vật dụng quen thuộc mà nhiều gia đình vẫn hay sử dụng. Dưới đây là một số vật dụng có thể là nguyên nhân khiến chất lượng không khí trong nhà bị ô nhiễm:

    Nến thơm

    Nhiều người hiện nay có thói quen sử dụng nến thơm. Đây là loại nến tỏa mùi hương khi được đốt và thành phần chủ yếu là sáp nến trộn với dầu thơm. Sản phẩm này rất được lòng nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ bởi giá cả phải chăng, nhiều chủng loại và các mùi khác nhau, khi đốt lên sẽ tạo cảm giác ấm cúng, lung linh cho không gian nhà ở đồng thời mùi thơm đặc trưng dịu nhẹ sẽ giúp đầu óc thư giãn, thoải mái.

    Tuy nhiên, nến thơm có khả năng thải ra chất formaldehyde độc ​​hại và nguy hiểm. Không chỉ vậy, nến đôi khi có thể là nguồn đáng kể tạo ra các hạt bụi mịn gây ô nhiễm. Các hóa chất benzen trong chất tạo mùi có thể gây kích ứng da và gây ra các vấn đề về hô hấp. Theo EPA, các vấn đề về sinh sản và tổn thương não và hệ thống thần kinh trung ương cũng đã được liệt kê là các tác dụng phụ có thể xảy ra. Khi đốt cháy, nến phát tán toluene – đây cũng là một chất gây ung thư khác. Các nhà sản xuất nến thường thêm thuốc nhuộm nhân tạo, hương liệu tổng hợp để tạo màu và tạo hương thơm. Trong những thành phần đó thường có chứa acrolein, chất gây ung thư phổi.

    Do đó, khi sử dụng loại nến này, người dùng cần lưu ý: Không đốt nến thơm trong các không gian kín như: phòng tắm, phòng ngủ; không nên lạm dụng nến thơm quá mức sẽ gây ra một số tác dụng phụ như dị ứng hay ảnh hưởng đến hệ hô hấp; khi sử dụng nến thơm cho căn phòng, nên để ở khu vực an toàn, tránh xa các khu vực có các vật dụng dễ bắt cháy như chăn, rèm, giấy, quần áo…; không sử dụng nến thơm với những đối tượng mắc các bệnh dị ứng, suy hô hấp,… Để an toàn hơn, người dùng có thể thử nến sáp ong để thay thế.

    Sử dụng nến thơm thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí trong nhà và ảnh hưởng tới sức khỏe. Ảnh minh họa

    Bếp ga

    Hiện nay nhiều gia đình đã sử dụng bếp điện từ hay bếp hồng ngoại để thay thế cho bếp ga truyền thống. Tuy nhiên, cũng còn rất đông hộ gia đình vẫn lắp đặt bếp ga để sử dụng hằng ngày. Ngọn lửa của bếp gas tạo ra khí thải nitơ oxit, và chính quá trình nấu nướng sẽ tạo ra các hạt này.

    Mặc dù vậy, việc loại bỏ hoàn toàn bếp ga ra khỏi cuộc sống là điều rất khó có thể thực hiện. Do đó, để giảm bớt khí thải, người dùng nên mở cửa sổ khi nấu ăn. Ngoài ra, quạt thông gió cũng là vật dụng cần phải có trong mỗi gian bếp. Bởi nhà bếp luôn phải thông gió để không khí xấu không bị giữ lại trong nhà.

    Khi sử dụng bếp ga để nấu ăn, nên mở cửa sổ hoặc lắp các thiết bị hút mùi, thông gió để không khí xấu không bị giữ lại trong nhà. Ảnh minh họa

    Sản phẩm làm sạch

    Nhiều sản phẩm tẩy rửa thải ra một lượng lớn VOC trong không khí. VOC (Volatile Organic Compound) là các chất hữu cơ ở dạng rắn hoặc lỏng có thể bay hơi một cách tự nhiên khi tiếp xúc với áp suất khí quyển tại nhiệt độ thường. Do đó, chúng có thể là nguyên nhân khiến chất lượng không khí trong nhà bị xấu đi. Để tránh khỏi nguy cơ không khí trong nhà bị ô nhiễm, nên hạn chế sử dụng các sản phẩm có mùi thơm trong nhà, ngoài ra cần tạo thói quen dọn dẹp nhà cửa bằng các nguyên liệu tự nhiên như nước, giấm hoặc baking soda.

    Máy tạo độ ẩm

    Máy tạo độ ẩm cũng là sản phẩm được nhiều người tìm mua để cải thiện chất lượng cuộc sống. Nó giúp cho không gian thoáng mát, không bị tù túng và nhiều mùi hôi. Tuy nhiên, máy tạo độ ẩm sẽ tiềm ẩn nguy hiểm nếu được sử dụng không đúng cách.

    Mặc dù được sử dụng để giúp không khí thoáng mát hơn, nhưng sản phẩm này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thở của người sử dụng. Lí do bởi vì máy tạo độ ẩm khuếch tán quá nhiều hơi nước khiến độ ẩm không khí trong phòng quá cao, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi độ ẩm trong không khí đã bão hòa, nếu “nạp” thêm một lượng ẩm nữa thì đó chắc chắn sẽ trở thành môi trường tốt cho những “sinh vật nguy hiểm” phát triển. Nó không những làm cho không khí “bẩn” hơn mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp cho các thành viên trong gia đình.

    Do đó, độ ẩm an toàn khi sử dụng máy là dưới 50%. Mức ẩm này không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho làn da mà còn giảm nguy cơ gây ô nhiễm.

    Sử dụng máy tạo độ ẩm không đúng cách dễ tạo môi trường lí tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, đồng thời gây ra các bệnh về đường hô hấp. Ảnh minh họa

    Sơn

    Sau khi dùng xong các loại sơn, nhiều gia đình có thói quen giữ lại các thùng sơn còn lại để có thể sử dụng tiếp trong tương lai. Việc làm này tưởng chừng như rất tiết kiệm và quen thuộc với nhiều người, tuy nhiên đây cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến không khí trong nhà trở nên ô nhiễm.

    Bởi các loại sơn có khả năng thải ra khí VOC, gây ra các vấn đề về chất lượng không khí, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của chúng ta. Việc hít phải lượng sơn lớn gây ra các triệu chứng cấp tính như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, chân tay bủn rủn, thậm chí ngất xỉu. Nguyên nhân do dung môi trong sơn khi hít vào được hấp thu vào máu và gây các triệu chứng trên. Các chất hữu cơ dễ bay hơi trong sơn cũng gây các triệu chứng kích thích mắt, mũi, họng.

    Việc hít hay tiếp xúc sơn với lượng nhỏ, từ từ cũng gây tác hại khôn lường. Ngoài ảnh hưởng đến hen phế quản, việc hít phải mùi sơn còn có thể làm cho bệnh lý xoang nặng nề thêm. Nếu ở lâu trong phòng vừa được sơn xong có thể gây triệu chứng mất trí nhớ thoáng qua. Do đó, nếu có việc phải dùng đến sơn, nên chú ý lựa chọn các loại sơn có làm lượng VOC thấp, sau khi dùng xong nên tiêu hủy, vứt bỏ, tránh tích trữ trong nhà. Trong quá trình sử dụng nên chú ý không để trẻ em tiếp xúc trực tiếp với sơn, bởi nếu vô tình hít phải hoặc nuốt, nó có thể gây ngộ độc ở trẻ em.

    Tích trữ sơn trong nhà tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Sản phẩm gỗ nhân tạo

    Các sản phẩm gỗ nhân tạo như ván ép, ván dăm và các tấm gỗ nhiều lớp chứa một lượng lớn formaldehyde. Các chất này được thải ra không khí sau khoảng hai năm kể từ ngày sản xuất. Thực tế cho thấy, phần lớn người dân thường tiếp xúc (và không tránh khỏi sự tiếp xúc) với một lượng nhỏ formaldehyde có trong các sản phẩm gia đình, do đó, nó không gây ra các biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Tuy nhiên, với những người nhạy cảm với hóa chất, cơ thể sẽ không thể chịu nổi từ đó gây ra các phản ứng khi tiếp xúc chỉ với một lượng nhỏ formaldehyde. Loại chất này có thể gây kích ứng da, mắt, mũi và họng, dẫn đến dị ứng. Theo cổng thông tin về các chất độc hại của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) thì các nhóm dễ bị ảnh hưởng hơn bao gồm những người rất trẻ và những người rất già, cùng với những người bị hen suyễn và gặp các rắc rối về đường hô hấp.

    Chất formaldehyde có trong các sản phẩm gỗ nhân tạo dễ gây ra các phản ứng không mong muốn với những người dễ bị nhạy cảm với hóa chất. Ảnh minh họa

    Bình xịt

    Nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại bình xịt bởi các vật dụng trong gia đình như bình xịt đóng góp gần 50% lượng khí thải VOC ngoài trời ở các thành phố. Có thể thấy, các sản phẩm này không những làm ô nhiễm không khí trong nhà mà còn góp phần khiến không khí bên ngoài bị ô nhiễm.

    Thiết bị làm mát không khí

    Thời tiết ngày càng nắng nóng khiến lượng người sử dụng các thiết bị làm mát không khí tăng cao, đặc biệt vào mùa hè. Tuy nhiên, ít tai biết rằng máy làm mát không khí có thể thải ra hơn 100 loại hóa chất khác nhau có hại cho sức khỏe. Do đó, vào những ngày thời tiết dịu mát, nên hạn chế sử dụng các thiết bị làm mát không khí, để cửa sổ mở trong ngày và bật quạt – điều này không chỉ giúp giảm lượng tiêu thụ điện mà còn góp phần làm không khí lưu thông tốt hơn.

    Mặc dù ô nhiễm không khí trong nhà rất khó nhận ra, tuy nhiên chúng ta có thể nhận biết bằng cách để ý tần suất và mức độ mắc các bệnh như dị ứng, khó thở, bệnh liên quan đến đường hô hấp như ho, sổ mũi, xoang, hen suyễn,… Nếu tần suất các thành viên trong gia đình mắc các bệnh này thường xuyên, nên kiểm tra lại chất lượng không khí trong nhà. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà, trước hết mỗi người cần phải có ý thức thay đổi thói quen sinh hoạt thường ngày.

    Thường xuyên vệ sinh các đồ vật dễ bám bụi như thảm, rèm cửa, chăn, ga, gối,… Tận dụng không khí tự nhiên để lưu thông các chất ô nhiễm trong nhà ( tuy nhiên nên hạn chế việc này nếu xung quanh nhà có nguồn khí thải gây ô nhiễm), không nên khởi động xe hoặc các động cơ chạy bằng nhiên liệu trong nhà. Lắp đặt thiết bị thông gió, máy hút mùi trong khu vực bếp để giúp thoát mùi và khói bụi ra bên ngoài. Với những đồ nội thất mới hoặc các căn phòng mới sửa chữa, sơn phết lại thường có mùi dung môi phát thải vào không khí, đây là các chất độc hại nên cần mở cửa phòng để bay bớt mùi dung môi. Các hộ gia đình cũng nên trồng thêm các loại cây xanh để giúp thanh lọc, điều hòa không khí trong nhà tốt hơn.

    Ngọc Linh (t/h)
    https://vietq.vn/nhung-vat-dung-quen-thuoc-trong-gia-dinh-la-thu-pham-gay-o-nhiem-khong-khi-trong-nha-d191912.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img