Việc sử dụng chung hay mượn một số vật dụng cá nhân là chuyện rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, có những vật dụng cá nhân không nên có nhiều hơn một chủ sở hữu.
Việc sử dụng chung hay mượn một số vật dụng cá nhân là chuyện rất đỗi bình thường giữa những người có mối quan hệ thân thiết với nhau. Tuy nhiên, có những vật dụng cá nhân không nên có nhiều hơn một chủ sở hữu để đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
Son
Việc sử dụng chung son môi vốn là chuyện thông thường giữa phái nữ. Nhưng việc này có thể là nguồn cơn lây nhiễm các bệnh như mụn rộp. Có trường hợp bệnh sẽ không biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài nhưng virus chắc chắn vẫn có thể tồn tại trong miệng và nước bọt. Mà hiện nay chưa có cách chữa trị mụn rộp triệt để.
Nếu xuất hiện triệu chứng như phát ban hãy ngưng sử dụng son môi đã bị nhiễm virut và mua một cái mới để ngăn ngừa bệnh tái phát. Để tránh sự tích tụ của bụi bẩn và vi khuẩn trên son, hãy dùng khăn giấy sạch để loại bỏ lớp trên cùng của son môi thường xuyên.
Không nên sử dụng chung son. Ảnh: Brightside
Tai nghe
Mỗi người có một hệ vi khuẩn cân bằng riêng trong ráy tai. Việc chia sẻ tai nghe với người khác có thể phá vỡ sự cân bằng này và dẫn đến nhiễm trùng tai.
Để phòng tránh việc này, cần thường xuyên làm vệ sinh cho tai nghe ít nhất một lần một tuần.
Kẹp tóc và máy uốn tóc
Không chỉ kẹp tóc hay máy uốn tóc mà các loại phụ kiện tóc tiếp xúc với da đầu đều có khả năng lây lan nấm hay chấy. Vậy nên cần thường xuyên giặt các loại băng đô, buộc tóc làm bằng vải và rửa bằng xà phòng với các loại uốn tóc bằng nhựa, kim loại tùy theo mức độ sử dụng.
Lăn khử mùi
Ngay cả với những loại có đặc tính khử khuẩn thì bề mặt tiếp xúc với da của chúng vẫn có thể có vi khuẩn. Mà chính những loại vi khuẩn này là tác nhân gây ra mùi hôi. Thời điểm thích hợp nhất để sử dụng lăn khử mùi là ngay sau khi tắm – thời điểm đó bề mặt da sạch sẽ. Nếu muốn sử dụng vào các thời điểm khác trong ngày thì hãy dùng khăn ẩm lau sạch bề mặt của lăn khủ mùi trước khi dùng.
Khăn tắm
Công dụng chính của khăn tắm là thấm hết lượng nước còn thừa trên bề mặt cơ thể. Và đây cũng là lí do tại sao dù cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh thì độ ấm của khăn và độ ẩm trong phòng tắm cũng có thể tạo nên môi trường sinh sôi nảy nở hoàn hảo cho vi khuẩn, nấm mốc.
Các chuyên gia khuyên rằng nên thay khăn tắm 3 – 4 ngày một lần và tốt nhất nên phơi chúng ở nơi thoáng mát thay vì để ở trong nhà tắm.
Dụng cụ làm móng, làm đẹp
Trên những dụng cụ làm móng, làm đẹp như nhíp, bấm móng tay, dao cạo có khả năng có những giọt máu cực nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng có thể trở thành vật dẫn gây lây nhiễm bệnh mụn rộp hay nấm. Sau mỗi lần sử dụng hãy dùng cồn để vệ sinh bề mặt, đảm bảo an toàn.
Dụng cụ chăm sóc da
Cọ quét, con lăn mát xa hay bọt biển là những dụng cụ chăm sóc da có vẻ dễ làm sạch nhưng theo thời gian, trên chúng sẽ còn vương lại những mảnh da chết có chứa vi khuẩn. Nếu tiếp tục sử dụng những dụng cụ không sạch sẽ này sẽ gặp tình trạng nổi mụn, bong tróc da mặt.
Cần làm sạch chúng bằng xà phòng sau mỗi lần sử dụng và nên thay mới sau mỗi 2 – 3 tháng.
Dép đi trong nhà
Khi mang chúng mồ hôi từ chân tiết ra sẽ tạo điều kiện sinh sản hoàn hảo cho nấm. Vậy nên cần tránh mang dép khi chân còn ướt để ngăn ngừa sự phát tiển của vi khuẩn và nấm. Không chỉ vậy, cần phải thay dép 6 tháng một lần và giặt chúng với chất khử trùng thường xuyên trong quá trình sử dụng.
Vân Thảo (Theo Brightside)
https://vietq.vn/nhung-vat-dung-ca-nhan-khong-nen-chung-dung-d198099.html