Người mắc hội chứng ruột kích thích luôn phải cận trọng với các thực phẩm cơ thể tiêu thụ bởi vì chúng có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

Hội chứng ruột kích thích thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 20, gây ra các đợt triệu chứng tái phát ở các giai đoạn khác nhau. Các triệu chứng thường xuất hiện do tác động của thức ăn không phù hợp hoặc tình trạng căng thẳng.

Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, thường gặp vùng bụng dưới, đau âm ỉ hoặc từng cơn, liên quan đến đại tiện. Bên cạnh đó, tình trạng đau bụng còn liên quan đến số lần đại tiện và độ cứng của phân. Tình trạng đau bụng liên quan đến đại tiện thường có xu hướng xuất phát từ căn nguyên ruột, những trường hợp cơn đau liên quan đến tập luyện, vận động, đi tiểu tiện hay chu kì kinh thường có căn nguyên khác.

Người mắc hội chứng này nên cẩn trọng với các món ăn mà cơ thể tiêu thụ vì chúng có thể là nguồn cơn gây ra các cơn đau, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.

Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ và chất béo


Đồ ăn dầu mỡ có thể gây ra các cơn co thắt ruột và dạ dày. Ảnh minh họa

Nếu người bệnh có phản ứng không tốt ở dạ dày thì nên tránh các loại thức ăn nhiều dầu mỡ và đồ chiên rán như: Gà rán, lạp xưởng, xúc xích, khoai tây chiên, bít tết, pizza, bánh mì kẹp thịt…

Tuy nhiên, người bị hội chứng ruột kích thích cũng không cần tránh hoàn toàn chất béo. Nên chọn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như cá và các loại hạt tốt cho sức khỏe và hệ tiêu hóa.

Đồ ăn cay nóng

Tiêu, ớt,… đều là những gia vị cay nóng làm tăng hương vị hấp dẫn cho món ăn. Nhưng chúng cũng khiến đường ruột bị kích thích, tăng tiết acid và co thắt quá mức. Do đó nên hạn chế thêm các gia vị này vào trong món ăn.

Sữa

Có thể ít người biết nhưng sữa có thể gây ra vấn đề ở những người bị hội chứng ruột kích thích vì một số lý do. Thứ nhất, nhiều loại sữa chứa nhiều chất béo, có thể dẫn đến tiêu chảy. Vì vậy, người bệnh nên chuyển sang sữa ít béo hoặc không béo có thể làm giảm các triệu chứng. Thứ hai, nhiều người bị hội chứng ruột kích thích cho biết rằng sữa là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của họ, mặc dù không rõ liệu những người bị hội chứng ruột kích thích có nhiều khả năng không dung nạp lactose thực sự hay không.

Nếu cảm thấy sữa hoặc các sản phẩm từ sữa đang gây ra các vấn đề khó chịu về tiêu hóa, hãy cân nhắc chuyển sang các sản phẩm thay thế từ sữa, chẳng hạn như sữa thực vật và pho mát làm từ đậu nành.

Thức ăn sống, tái

Loại thực phẩm này có thể làm nặng nề thêm các triệu chứng ruột kích thích. Trong thực phẩm sống, tái tồn tại các loại vi khuẩn có hại, khiến đường ruột gặp rắc rối.

Người bệnh nên đảm bảo ăn chín uống sôi để bảo vệ sức khỏe tiêu hóa. Các thức ăn như gỏi, rau sống, sushi, thịt sống,… cần tránh xuất hiện trong khẩu phần ăn của người bệnh.

Thịt đỏ

Hội chứng ruột kích thích không nên ăn nhiều thịt đỏ bởi vì hàm lượng protein có trong thịt bò, dê, cừu,… khá cao. Để tiêu hóa được, dạ dày phải làm việc rất nhiều nên có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng.

Thu Phương (T/h)
https://vietq.vn/nhung-thuc-pham-nguoi-bi-hoi-chung-ruot-kich-thich-nen-tranh-d197313.html