Để có thể phòng ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông thì cần thêm một số loại thực phẩm có khả năng ngăn ngừa chúng vào chế độ ăn uống hằng ngày.
Những cục máu đông là mối đe dọa đến tính mạng, chúng không chỉ chặn dòng chảy của máu mà đôi khi có thể vỡ ra rồi đi đến tim và phổi. Một số bệnh nhất định làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông như ung thư, bệnh tim, viêm ruột và rối loạn đông máu di truyền. Nhưng ngay cả khi không mắc những bệnh kể trên thì cơ thể vẫn có nguy cơ phải đối mặt với mối hiểm họa đến từ máu đông. Và để có thể phòng ngừa nguy cơ hình thành máu đông thì cần thêm một số loại thực phẩm có khả năng ngăn ngừa chúng vào chế độ ăn uống hằng ngày.
Nước
Một yếu tố quan trọng góp phần hình thành cục máu đông là mất nước. Khi trong máu không đủ nước, máu sẽ trở nên đặc lại từ đó làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Vậy nên cần phải cung cấp đủ nước cho cơ thể, uống đủ lượng nước được các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo.
Một cách đơn giản để kiểm tra xem cơ thể có được cung cấp đủ nước hay không đó là quan sát màu sắc của nước tiểu. Nếu nó có màu vàng nhạt hoặc gần như trong điều này có nghĩa rằng cơ thể đã được cung cấp đủ nước. Nhưng nếu nó có màu cam hoặc nâu thì đây chính là dấu hiệu của việc thiếu nước.
Uống nhiều nước giúp giảm nguy cơ xuất hiện máu đông. Ảnh: Health & Human
Kiwi
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Oslo ở Na Uy, so với các loại trái cây khác trái kiwi vượt trội hơn về khả năng ngăn ngừa cục máu đông. Nghiên cứu này cho thấy những người ăn 2 – 3 trái kiwi mỗi ngày có khả năng kích hoạt tiểu cầu và có tỉ lệ hình thành máu đông thấp hơn những người không ăn. Ngoài kiwi chất salicylat có tác dụng ức chế máu đông cũng được tìm thấy trong cam, dâu tây, việt quất, nho.
Các loại gia vị, hương liệu
Bắt đầu từ thời Ai Cập cổ đại, tỏi đã được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh vì nó có khả năng dung hòa, làm loãng máu rõ rệt. Không chỉ tỏi mà nhiều loại gia vị thảo mộc, hương liệu khác như xạ hương, nghệ, cam thảo, bạc hà và gừng cũng chứa nhiều chất salicylat có khả năng ức chế máu đông.
Dầu ô liu
Dầu ô liu tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng so với các loại dầu thực vật khác. Theo tạp chí dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ, trong dầu ô liu chứa các phenol có thể làm giảm hàm lượng của một số chất gây đông máu trong máu.
Các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt
Trong chúng đều giàu vitamin E, chất có khả năng làm loãng máu tự nhiên. Các nghiên cứu cho thấy hấp thụ nhiều vitamin E hơn không chỉ có thể làm giảm nguy cơ hình thành máu đông ban đầu mà còn có thể ngăn cản chúng tái hình thành đối với những người đã từng mắc bệnh. Các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin E bao gồm quả óc chó, hạnh nhân, quả phỉ, yến mạch, lúa mì và đậu lăng.
Cá và hạt lanh
Các loại thực phẩm giàu axit béo omega – 3 có khả năng giúp làm loãng máu và ngăn ngừa máu đông cũng như giảm nguy cơ đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung thêm 1,8g axit béo omega – 3 vào chế độ ăn uống mỗi ngày có thể cải thiện đáng kể lưu lượng máu và giúp giảm độ dày của động mạch.
Nguồn omega – 3 phổ biến nhất là cá, đặc biệt là các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu và cá cơm. Ngoài ra, hạt lanh và hạt hướng dương là hai nguồn omega – 3 thực vật dồi dào, phong phú.
Rượu vang đỏ và nước ép nho
Trong rượu vang đỏ và nước ép nho có chứa hàm lượng lớn chất flavonoid có tác dụng ngăn ngừa máu đông bằng cách kiểm soát việc sản xuất tiểu cầu. Các loại rượu nói chung đều là chất làm loãng máu mạnh hoạt động bằng cách giảm kết tập tiểu cầu và hàm lượng chất đông máu fibrinogen. Và đồng thời chúng cũng giúp đẩy mạnh quá trình phân hủy fibrin hay còn gọi là quá trình làm tan cục máu đông. Tuy nhiên, rượu vẫn có khả năng gây tổn hại đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, vậy nên vẫn cần phải lưu ý liều lượng khi hấp thụ.
Vân Thảo (Theo Health & Human)
https://vietq.vn/an-gi-de-ngan-ngua-mau-dong-d201865.html