Những chiếc ô tô cũ ít sử dụng thường tạo cảm giác yên tâm nhờ vẻ ngoài còn mới và nội thất sạch sẽ. Tuy nhiên, việc không vận hành thường xuyên có thể khiến nhiều bộ phận xuống cấp âm thầm.
Nhiều người mua ô tô nhưng lại rất ít khi sử dụng, dẫn đến tình trạng xe nằm im trong garage suốt thời gian dài. Những chiếc xe ô tô cũ ít sử dụng này thường có số kilomet thấp, ngoại hình gần như mới và nội thất ít xuống cấp, khiến người mua lại dễ có cảm giác yên tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ô tô ít vận hành thường tiềm ẩn không ít rủi ro kỹ thuật nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi mua.
Ô tô sở hữu hệ thống cơ khí phức tạp, bao gồm nhiều bộ phận như hệ dẫn động, hệ thống bôi trơn, hệ thống điện điều khiển, làm mát… Các chi tiết này đều cần hoạt động định kỳ để duy trì trạng thái ổn định và vận hành trơn tru.
Đối với những chiếc xe cũ ít sử dụng, hệ thống điện, đặc biệt là ắc-quy là những thành phần đầu tiên cần được kiểm tra. Khi không được sạc thường xuyên, ắc-quy có thể hư hỏng, yếu điện, dẫn đến khó khởi động xe hoặc không cấp đủ nguồn cho các hệ thống khác.
Ngoài ra, các giắc cắm, mối nối điện có thể bị oxy hóa, ẩm mốc, làm phát sinh lỗi cảm biến, chập mạch, khiến đèn cảnh báo bật sáng liên tục hoặc hệ thống điện tử hoạt động chập chờn. Bên cạnh đó, lốp xe để lâu không vận hành dễ bị nứt, biến dạng hoặc mất độ đàn hồi dù gai lốp vẫn còn tốt. Hệ thống phanh cũng có nguy cơ bị kẹt, rỉ sét má và đĩa phanh nếu không sử dụng thường xuyên, làm tăng nguy cơ bó cứng khi vận hành.
Giảm xóc và các khớp nối cơ khí trong hệ thống treo cũng cần được kiểm tra kỹ để phát hiện dấu hiệu rò rỉ dầu, nứt cao su hoặc lỏng lẻo các liên kết bên trong.
Khu vực khoang động cơ ô tô cũ là nơi cần đặc biệt chú ý. Dầu động cơ nếu để lâu không thay có thể bị xuống màu, mất độ nhớt hoặc có mùi khét – dấu hiệu cho thấy dầu đã hư hỏng. Nước làm mát không được thay định kỳ có thể hình thành cặn, gây tắc két nước hoặc ăn mòn hệ thống làm mát. Dây cu-roa nếu xuất hiện vết nứt, bị chùng cũng cần được thay mới để tránh đứt bất ngờ khi xe đang vận hành.
Một chiếc ô tô cũ ít sử dụng không đồng nghĩa với tình trạng kỹ thuật còn tốt. Thậm chí, nhiều chi tiết cơ khí và điện tử có thể đã xuống cấp.
Bình xăng cũng là yếu tố không nên bỏ qua. Nhiên liệu cũ có thể đóng cặn, gây tắc nghẽn bơm xăng hoặc kim phun, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất động cơ.
Bên trong cabin, các thiết bị như hệ thống điều hòa, nút bấm, màn hình cảm ứng, camera lùi và cảm biến đỗ xe cũng có nguy cơ gặp lỗi sau thời gian dài không sử dụng. Người mua nên kiểm tra kỹ khả năng làm lạnh của điều hòa ở nhiều chế độ, cũng như thử vận hành các thiết bị điện tử để phát hiện kịp thời hỏng hóc tiềm ẩn.
Cùng với đó, các chuyên gia hướng dẫn, khi đi mua ô tô cũ là tiếp cận và gặp gỡ với người bán, chủ nhân của chiếc xe. Đây là thời điểm bạn cần tranh thủ để hỏi han, tìm hiểu về lý lịch và quá trình sử dụng của chiếc xe (xe mua khi nào, sử dụng mục đích gì, có “tiền sử” đâm đụng, thủy kích hay không, vì sao muốn bán xe…). Một điều quan trọng hơn nữa là người mua cần xem kỹ các giấy tờ, pháp lý về xe từ tên đăng ký trong giấy tờ có chính xác không? Các loại giấy tờ đã đầy đủ chưa? Biển số xe có đồng nhất với giấy tờ không?…
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục và tìm hiểu về lý lịch xe, bước tiếp theo cần làm là kiểm tra chất lượng xe, bắt đầu từ ngoại thất. Dĩ nhiên, ở vị thế của người bán xe, thông thường không ai mang một chiếc xe có tổng thể móp méo hay trầy xước nặng ra chào bán. Thay vào đó, chủ xe thường “tân trang” lại cho bắt mắt. Tuy nhiên, dù có kỹ càng đến đâu thì vẫn có những vị trí mà cả thợ lành nghề trong lĩnh vực này cũng không để ý hoặc không thể khắc phục. Ví dụ các điểm ghép nối ở phần đầu xe, đuôi xe, hốc bánh, mép cửa và thân xe. Nếu thấy có hiện tượng khe hở không đồng đều nghĩa là xe đã bị gò hàn lại.
Tương tự ngoại thất, bên trong ca-bin, người mua cũng nên chú ý các chi tiết nhỏ. Đầu tiên là các nút bấm chức năng trên vô-lăng. Nếu xe dùng nhiều, nút này có thể sẽ bị mòn hoặc bong tróc. Kế đến là dây đai an toàn. Nên kéo hết dây đai an toàn để xem nó có bị ngả màu không. Ngoài ra, cần chú ý các đường chỉ khâu, vân da trên ghế, bảng táp lô, bệ cửa… Nếu xe ít sử dụng vân da ghế sẽ không bị đen, bề mặt da căng đàn hồi tốt.
Sau khi đã xem xét và kiểm tra các chi tiết bằng mắt thường, bước cuối cùng để thẩm định một chiếc ô tô cũ chính là trực tiếp lái thử xe. Theo đó, ngay khi bật chìa khóa khởi động, hãy chú ý đến các loại đèn báo xem có hoạt động bất thường không? Ví dụ mở khóa nhưng các đèn báo không sáng hoặc sáng lên nhưng không tắt đi, đèn túi khí nhấp nháy…
Một chiếc ô tô cũ ít sử dụng không đồng nghĩa với tình trạng kỹ thuật còn tốt. Thậm chí, nhiều chi tiết cơ khí và điện tử có thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Người mua cần tỉnh táo, trang bị kiến thức kiểm tra cơ bản hoặc tìm đến garage, xưởng dịch vụ uy tín để đánh giá chính xác tình trạng xe trước khi xuống tiền.
Thanh Hiền (t/h)
https://vietq.vn/nhung-luu-y-can-nam-long-khi-mua-xe-o-to-cu-it-su-dung-d232412.html