20.2 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNhững loại thuốc có thể gây khô và bong tróc da cần...

    Những loại thuốc có thể gây khô và bong tróc da cần lưu ý

    Date:

    Related stories

    Tình trạng da khô là vấn đề phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân gây khô da nhưng một nguyên nhân nhiều người không để ý tới đó chính là do sử dụng một số loại thuốc như trị mụn, lợi tiểu, hạ mỡ máu…

    Theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, da khô là tình trạng da rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, phổ biến hơn ở những người cao tuổi. Trong hầu hết trường hợp, da khô không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng da liễu và khó điều trị.

    Da khô xuất hiện nhiều ở khu vực như cánh tay, bàn tay, đặc biệt là bàn chân. Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như độ ẩm và nhiệt độ, có ảnh hưởng nhiều nhất đến lượng nước trong da. Thường xuyên rửa tay cũng làm mất nước và làm khô da. Da khô cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc.

    Retinoid

    Retinoid là thuốc liên quan đến vitamin A, được dùng để điều trị mụn trứng cá, làm giảm sự xuất hiện của các vấn đề về da liên quan đến tuổi tác… nhưng chúng cũng có thể khiến da khô, bong tróc.

    Nguyên nhân là do retinoid làm tăng sự phát triển của tế bào da mới. Khi cơ thể tạo ra các tế bào da mới, sẽ loại bỏ tế bào cũ. Retinoid cũng làm giảm lượng dầu mà da tạo ra. Những tác động kết hợp này khiến da khô, bong tróc, đặc biệt là trong tuần đầu điều trị. Một số retinoid tại chỗ có khả năng gây khô da hơn những loại khác.

    Thuốc điều trị mụn tại chỗ

    Các bác sĩ tại Công ty TNHH Thẩm mỹ Y khoa TIGI Việt Nam cho rằng, bên cạnh lợi ích mà thuốc điều trị mụn trứng cá mang lại, chúng cũng có thể gây nên một số tác dụng phụ trên da đáng lưu ý như khô da và khô môi, da trở nên dễ bong tróc do bị mất nước, sần sùi, kích ứng, ngứa và đỏ da. Da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, dễ bị thâm sạm.

    Khô da và khô môi là tác dụng phụ phổ biến và dễ nhận biết khi sử dụng thuốc trị mụn. Nguyên nhân chính là do hầu hết các loại thuốc trị mụn có đặc tính làm giảm tiết bã nhờn và loại bỏ tế bào chết. Điều này dẫn đến tình trạng mất nước, làm da trở nên khô hơn và dễ bong tróc.

    Ngoài ra, da có thể bị khô ngay cả khi không sử dụng thuốc trị mụn nếu cơ thể không được bổ sung đủ nước hoặc da không được cung cấp đủ độ ẩm. Khi sử dụng thuốc trị mụn, tình trạng khô da càng dễ xảy ra và thường ở mức độ nghiêm trọng hơn do tác động của thuốc. Vì vậy, việc duy trì đủ độ ẩm cho da và bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể là rất quan trọng trong quá trình điều trị mụn.

    Ngoài ra theo DS. Nguyễn Phương Thu (Hà Nội), một số loại thuốc trị mụn tại chỗ cũng có thể gây khô da, kích ứng tại chỗ bôi như: Benzoyl peroxide, axit salicylic. Cả hai đều có bán không cần kê đơn.

    Cả hai sản phẩm đều có nhiều công thức khác nhau. Bắt đầu dùng với sản phẩm có nồng độ thấp giúp giảm khô da. Chỉ sử dụng các sản phẩm trị mụn tại chỗ một lần một ngày (lúc đầu) để giúp da thích nghi với thuốc. Chọn các sản phẩm không có mùi thơm, thuốc nhuộm hoặc dán nhãn là không gây dị ứng cũng hữu ích để giảm khô da. Giống như retinoid, cần thoa kem chống nắng, kem dưỡng ẩm hàng ngày trong khi sử dụng.


    Có rất nhiều nguyên nhân gây khô da, trong số đó phải nói tới do tác dụng phụ của một số loại thuốc. (Ảnh minh họa)

    Thuốc lợi tiểu

    Thuốc lợi tiểu được dùng trong điều trị tăng huyết áp cũng như tình trạng sưng phù (tấy) do lượng chất lỏng dư thừa trong cơ thể. Thuốc lợi tiểu hoạt động bằng cách loại bỏ chất lỏng khỏi cơ thể qua nước tiểu. Trong một số trường hợp, có thể khiến cơ thể bị mất nước, dẫn đến da khô. Nguy cơ da khô cao hơn đối với người trung niên hoặc lớn tuổi, dùng nhiều hơn một loại thuốc có tác dụng phụ này.

    Nếu da khô gây khó chịu, hãy dùng kem dưỡng ẩm hàng ngày. Duy trì đủ nước cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Lượng chất lỏng này thay đổi tùy theo tiền sử bệnh tật của từng cá nhân. Hãy cho bác sĩ kê đơn biết nếu da khô nghiêm trọng hoặc gây nứt nẻ, lở loét. Bác sĩ có thể cần thay đổi thuốc để giúp kiểm soát tình trạng này.

    Thuốc hạ mỡ máu statin (crestor, lipitor)

    Statin điều trị cholesterol cao nhưng chúng cũng góp phần gây ra các vấn đề về da. Atorvastatin (lipitor), lovastatin nói riêng đã được báo cáo gây khô da. Ngoài ra, còn có mối liên quan giữa statin, nguy cơ mắc bệnh chàm tăng cao.

    Tác dụng phụ của statin đối với da có thể là do tác dụng của chúng đối với cholesterol. Trong khi cholesterol gây ra rủi ro cho sức khỏe khi tích tụ trong mạch máu của bạn, nó cũng giúp da giữ được độ ẩm. Khi statin làm giảm mức cholesterol, da sẽ trở nên khô hơn bình thường.

    Cũng giống như thuốc lợi tiểu, nguy cơ da khô do statin dễ xảy ra hơn nếu đang dùng các loại thuốc khác gây ra tình trạng này, bạn ở độ tuổi trung niên hoặc lớn tuổi hơn. Giữ ẩm cho da, sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng có thể giúp kiểm soát tình trạng da khô. Nhưng nếu tình trạng này nghiêm trọng hoặc gây khó chịu, cần thông báo cho bác sĩ kê đơn biết.

    Một số thuốc chống trầm cảm

    Tuy không phổ biến nhưng một số loại thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây khô da. Một số thuốc chống trầm cảm có tác dụng kháng cholinergic có thể dẫn đến khô mắt, khô miệng, khô da. Cũng có thể mức serotonin tăng cao khiến da bị ngứa, đây là triệu chứng phổ biến của da khô. Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra nhiều triệu chứng liên quan đến da khác như phản ứng dị ứng nghiêm trọng, mụn trứng cá, khiến da khô hoặc bị kích ứng.

    Thuốc kháng histamin

    Thuốc kháng histamin có tác dụng điều trị dị ứng, nhưng chúng cũng có thể gây khô mắt, khô miệng (những dấu hiệu phổ biến), khô da. Thuốc kháng histamin có thể ngăn chặn việc sản xuất một số loại dầu trên da, có thể khiến da bạn khô hơn bình thường. Thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên, chẳng hạn như diphenhydramine (benadryl), có nhiều khả năng gây khô da hơn. Tuy nhiên, da khô cũng có thể xảy ra với các thuốc mới hơn như cetirizine, loratadine. Da khô cũng có thể xảy ra nhiều khả năng hơn nếu bạn dùng thuốc kháng histamin thời gian dài.

    Thuốc hóa trị

    Hóa trị nhắm vào các tế bào phân chia nhanh để làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Da khô là tác dụng phụ thường gặp của thuốc hóa trị cũng như xạ trị. Trong một số trường hợp, nó có thể đủ nghiêm trọng để làm gián đoạn quá trình điều trị. Có thể bảo vệ làm da trong quá trình điều trị ung thư bằng cách uống đủ nước, sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi hai lần một ngày. Bạn cũng nên thoa kem chống nắng, tránh gió, nhiệt độ khắc nghiệt bất cứ khi nào có thể.

    Thuốc tránh thai

    Da khô không phải là tác dụng phụ phổ biến của thuốc tránh thai, nhưng estrogen làm giảm lượng dầu do các tuyến trên da sản xuất. Đây là lý do tại sao thuốc tránh thai kết hợp có thể được sử dụng để giúp điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, ít dầu hơn cũng có thể dẫn đến da khô đối với một số người.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/bac-si-chi-ra-nhung-loai-thuoc-gay-kho-da-can-luu-y-d225839.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img