Gia vị là thứ không thể thiếu trong chế biến thực phẩm tuy nhiên không phải loại gia vị nào cũng tốt, thậm chí còn gây hại cho gan.

Gan đóng một vai trò quan trọng đối với cơ thể, tham gia vào hơn 1.500 phản ứng hóa học. Gan bị tổn thương rất dễ thúc đẩy bệnh gan phát triển. Thực tế, có những thói quen tưởng chừng rất nhỏ nhặt trong cuộc sống lại ngấm ngầm hại lá gan, trong đó phải kể tới thói quen ăn uống. Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia y tế, có 4 loại gia vị có thể đẩy nhanh quá trình tổn thương gan, khuyến cáo nên ăn ít lại.

Xì dầu kém chất lượng

Xì dầu được sản xuất sau quá trình lên men của đậu nành, trong quá trình lên men đậu nành chứa nhiều axit amin hơn, có thể chứa cả nitrit. Đáng nói nitrit lại thuộc loại chất gây ung thư nếu tiêu thụ quá nhiều vào cơ thể.

Đặc biệt, xì dầu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, được sản xuất tại các cơ sở tự phát không có công nghệ chế biến đảm bảo an toàn càng có hại. Loại xì dầu này có thể bị pha trộn nhiều tạp chất bao gồm cả Methylimidazole (4-MEI) – một chất gây ung thư.

Methylimidazole là một hợp chất được hình thành trong quá trình sản xuất chất tạo màu caramel (màu nâu đường), được tìm thấy trong nước soda, bia, sữa đậu nành, bánh mì và cà phê… Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông trước đây cũng đã phát hiện ra 11 loại nước tương bán trôi nổi trên thị trường có chứa thành phần gây ung thư này. Đồng thời, xì dầu cũng là một loại thực phẩm có hàm lượng muối quá cao, ăn quá nhiều sẽ khiến muối tích tụ nhiều trong cơ thể, gây ức chế quá trình phân chia tế bào gan, gây xơ gan.

Theo Hiệp hội dinh dưỡng Trung Quốc khuyến cáo, một người bình thường không nên dùng quá 6g muối mỗi ngày. Vậy 100ml nước xì dầu bằng với lượng muối chúng ta sử dụng trong 3 ngày. Do đó, dùng nước xì dầu thay muối không tốt cho sức khỏe.


Nhiều gia vị có thể làm tổn thương gan nhanh chóng. Ảnh minh họa

Dầu ăn tự ép giá rẻ

Nhiều người nghĩ rằng dầu tự ép hoàn toàn được làm bằng tay thì sẽ tuyệt đối yên tâm, nhưng sự thật trên thị trường có rất nhiều loại dầu tự ép giá rẻ, bán trôi nổi thường tiềm ẩn nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm.

Dầu tự ép thường không thể kiểm soát được chất lượng của nguyên liệu. Để giảm bớt chi phí, nhiều cơ sở sản xuất đã mua lạc hoặc hạt hướng dương bị mốc. Nếu dùng những nguyên liệu bị mốc này để chiết dầu thì chắc chắn sẽ làm cho độc tố aflatoxin trong dầu ăn vượt quá tiêu chuẩn. Aflatoxin là chất gây ung thư gan cực mạnh được WHO công nhận. Hơn nữa, dầu tự ép thường không thể bảo quản được lâu, nếu bảo quản không đúng cách thì aflatoxin cũng sẽ sản sinh bất kỳ lúc nào.

Đường

Tiêu thụ đường với số lượng lớn sẽ khiến gan bị tổn thương tương đương như khi bạn uống nhiều rượu. Thói quen ăn quá nhiều đường sẽ gây nhiều áp lực cho gan, dẫn đến gan bị nhiễm mỡ, béo phì, tiểu đường.

Giáo sư Zhang Pengyu , Giám đốc Khoa Gan mật của Bệnh viện Trung ương Dương Châu, Trung Quốc đã chỉ ra những “tín hiệu” cầu cứu của cơ thể khi gan bị tổn thương: Cơ thể suy nhược, tinh thần mệt mỏi, dễ mất bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc. Tóc bạc xuất hiện rất sớm ở hai bên thái dương, tóc mỏng và vàng, thường có triệu chứng rụng tóc. Mặt nổi nhiều mụn cám, da mặt sạm, lỗ chân lông to. Mắt thường xuyên khô, ngứa, thâm đỏ quầng mắt. Thường xuyên bị đau bụng, tiêu chảy có thể kèm theo buồn nôn, chán ăn.

Muối

Trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Thói quen ăn mặn (quá 10 – 15g muối/ngày với người lớn và 3 – 5g muối/ngày với trẻ nhỏ) không chỉ ảnh hưởng đến hệ tim mạch mà còn là nguyên nhân dẫn đến các tổn thương ở gan.

Quá nhiều muối gây ảnh hưởng tới quá trình đào thải các chất cặn bã dư thừa và độc tố ra ngoài cơ thể, dần dần sẽ làm cho chức năng gan suy giảm. Đối với bệnh nhân gan đã bị phù nề, nếu tiếp tục ăn mặn sẽ gặp nhiều nguy hiểm, thậm chí tử vong.

WHO khuyến cáo mỗi người lớn dùng 5gr muối ăn/người/ngày sẽ tốt hơn cho sức khỏe, tương đương 2 thìa sữa chua muối/người/ngày. Nếu chấm nước mắm, xì dầu, tẩm ướp thực phẩm, thì cần giảm lượng muối xuống 1/2, tức chỉ khoảng 1 thìa sữa chua muối/người/ngày. Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối như mỳ ăn liền, giò chả, rau củ quả, muối, bim bim… Tăng cường ăn các thực phẩm tươi. Thường xuyên ăn các món luộc.

Hạt tiêu để quá lâu

Hạt tiêu là loại gia vị thường dùng trong khi nấu nướng, nhất là đối với những người thích ăn đồ cay. Nhưng nếu hạt tiêu không được bảo quản đúng cách thì nó sẽ rất dễ bị biến chất và sinh ra chất gây ung thư mang tên safrol. Nếu tiêu thụ quá nhiều loại hạt tiêu bị biến chất này thì càng dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Vì vậy cần tránh để hạt tiêu bị ẩm và nhiễm khuẩn khi bảo quản trong bếp, đồng thời giảm định lượng rắc vào trong các bữa ăn.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhung-loai-gia-vi-day-nhanh-qua-trinh-lam-ton-thuong-gan-d204097.html