Bột hoa tam thất và nụ hoa tam thất rất tốt cho sức khỏe tuy nhiên hiện có nhiều người tự mua về dùng mà không chú ý đến những kiêng kỵ cần thiết giúp phát huy tốt tác dụng của dược liệu.

Tam thất là một loại dược liệu được sử dụng rất phổ biến trong Đông y từ nhiều năm về trước. Rễ, thân, lá và nụ hoa của tam thất đều có những tác dụng riêng và góp mặt trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh. Theo Đông y, rễ củ tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm vào kinh can, vị. Hoa tam thất có vị ngọt, tính mát, quy kinh can.

Nếu sử dụng đúng cách, nụ hoa tam thất sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe. Saponin ginsenoid thuộc nhóm Rb có trong nụ hoa tam thất sẽ hỗ trợ ức chế hệ thần kinh trung ương, tăng lưu thông tuần hoàn máu. Từ đó, giúp an thần và cải thiện chứng mất ngủ.

Nụ hoa tam thất có chứa nhiều rutin, nhất là những nụ hoa trên cây trên 3 năm tuổi, có thể tăng cường sức chịu đựng của mạch máu. Do đó, nụ hoa tam thất rất tốt đối với những người huyết áp cao, giảm xơ vữa động mạch và nguy cơ tai biến.

GS4 trong nụ hoa của cây tam thất cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người bị tiểu đường hay những trường hợp mắc bệnh mỡ máu. Nếu áp dụng đúng bài thuốc, nụ hoa tam thất sẽ có thể hỗ trợ giảm hấp thụ đường. Tăng men sử dụng đường ở mô cơ. Giảm cholesterol. Giảm lipid trong máu và gan. Từ đó, hỗ trợ hạ đường huyết, ổn định đường huyết, phòng tránh nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường và mỡ máu. Những bệnh nhân đang mắc các bệnh lý như viêm gan, gan nhiễm mỡ,… cũng có thể sử dụng loại dược liệu này để hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh. Vào những ngày hè nóng bức, có thể dùng nụ hoa tam thất để thanh nhiệt, giải độc.

Dù bột hoa tam thất và nụ hoa tam thất rất tốt cho sức khỏe tuy nhiên cần chú ý đến những kiêng kỵ cần thiết giúp phát huy tốt tác dụng của dược liệu.


Sử dụng bột và nụ hoa tam thất cần biết những kiêng kỵ để tránh tác dụng phụ khi sử dụng. Ảnh minh họa

Theo TS. Đoàn Văn Minh, Trưởng Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Dược Huế, khi sử dụng tam thất, không nên dùng cùng lúc với đậu tằm, cá, hải sản và thức ăn cay, lạnh chua. Nguyên nhân do những thực phẩm này sẽ làm giảm đáng kể sự hấp thu của cơ thể đối với các thành phần của bột tam thất, đồng thời có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc.

Ngoài ra, khi dùng dược liệu này, không sử dụng gừng, tỏi do với các trường hợp mẫn cảm có thể gây đầy bụng, đi ngoài. Kiêng dùng tam thất vào buổi tối do tam thất có tính chất hoạt huyết nên nếu dùng vào buổi tối sẽ gây khó ngủ .

Theo TTND. Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, do tam thất hoạt huyết, thường được sử dụng như một loại thuốc giãn mạch nên các trường hợp đang xuất huyết, phụ nữ có thai không nên dùng. Tam thất tính ấm, không thích hợp với người bị táo bón nên các trường hợp này cần kiêng tam thất cho đến khi triệu chứng thuyên giảm hoặc hết hẳn. Phụ nữ mang thai không nên sử dụng dược liệu này trong thai kỳ.

Nụ hoa tam thất thường dùng dưới dạng phơi khô, hãm trà uống hàng ngày, tốt nhất là 30 phút trước bữa ăn. Tác dụng tốt với người mất ngủ kinh niên, ngủ không sâu giấc.

Do đó, khi sử dụng, cần chú ý: Kiêng dùng các thực phẩm, đồ uống có tác dụng kích thích thần kinh như nước tăng lực, chè khô, cà phê…Kiêng hút thuốc lá. Không nên ăn quá no do khiến dạ dày khó chịu, khó đi vào giấc ngủ. Không chơi game, xem tivi, nhìn màn hình điện thoại trước khi đi ngủ do các hoạt động này gây kích thích thần kinh, ảnh hưởng đến giấc ngủ, giảm tác dụng của nụ hoa tam thất.

Các trường hợp mắc huyết áp thấp, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, phụ nữ trong thời kỳ hành kinh, người có thể trạng hàn, tay chân lạnh, thường xuyên bị tiêu chảy… không nên sử dụng nụ hoa tam thất.

Theo TS. Đoàn Văn Minh, đối với người có cơ địa bình thường, không quá nóng, không quá lạnh thì nên kiên trì sử dụng trong một thời gian dài để phát huy được tác dụng của dược liệu với sức khỏe. Tuy nhiên, với những người có cơ địa nóng trong thì nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các phản ứng mẫn cảm, dị ứng, mẩn ngứa … nếu dùng trong thời gian dài.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nhung-kieng-ky-can-tranh-khi-dung-bot-va-nu-hoa-tam-that-d213414.html