Trước tình hình dịch virus corona bùng phát mạnh mẽ thì khẩu trang là vật “bất ly thân” để phòng dịch nhưng việc dùng sai cách có thể gây phản tác dụng.

Tin tức trên báo Quốc tế, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 7 giờ 30 ngày 3/2 tại Việt Nam ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm chủng virus corona mới (nCoV). Đây là nữ công nhân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc trên chuyến bay CZ8315 của Southern China, cùng đoàn với 3 người đã được xác định dương tính với nCoV trước đó. Cụ thể, bệnh nhân V. H. L, 29 tuổi, là công nhân, có địa chỉ tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Để nắm rõ tình hình đoàn công tác chống dịch của Bộ Y tế đã xuống huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để chỉ đạo, kiểm tra công tác chống dịch. Qua việc kiểm tra, rà soát các hoạt động phòng chống dịch, đoàn công tác và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy trường hợp này là 1 trong 8 người trở về từ Vũ Hán trên cùng một chuyến bay, trong đó có 3 người đã xác định mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, đang cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Khoa nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.


Nên hiểu đúng để sử dụng khẩu trang phòng dịch virus corona tốt nhất. Ảnh: Reuters.

Đây là một trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh xác định có nguy cơ cao. Với sự cảnh giác cần thiết, đoàn công tác của Bộ Y tế đã chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm xác định tác nhân và chỉ đạo đưa ngay trường hợp này vào cách ly tại cơ sở y tế. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và đang trong tình trạng ổn định.

Trước tình hình dịch virus corona ngày càng bùng phát mạnh mẽ, trong khuyến cáo của Bộ Y tế, một trong những cách phòng tránh dịch bệnh virus corona chính là đeo khẩu trang. Tuy nhiên nhiều người vẫn hiểu lầm về tác dụng, cách đeo của sản phẩm này dẫn tới phản tác dụng.

Cứ đeo khẩu trang là phòng được bệnh?

Thông tin trên Zing News, giữa đại dịch virus corona, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo khẩu trang có thể phát huy tác dụng trong một vài trường hợp song hoàn toàn vô ích nếu con người sử dụng sai cách.

“Lỗi thường gặp là đặt tay lên khẩu trang, kéo khẩu trang xuống cằm. Các loại khẩu trang thường chỉ sử dụng 1 lần và có tác dụng trong vòng 8 tiếng”, GS William Schaffner – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư tại Đại học Y khoa Vanderbilt (Mỹ), nói.

WHO cũng khuyến cáo khi sử dụng khẩu trang, người đeo nên chắc chắn khẩu trang che kín miệng, mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.

Khẩu trang chặn được 100% virus?

Theo ông Amesh Adalja – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), virus corona có thể lây nhiễm ngay cả khi người mang bệnh chưa có triệu chứng. Bởi vậy, mọi người cùng đeo khẩu trang là hành động cần thiết. Thực tế, khẩu trang không thể ngăn chặn 100% các virus có kích thước siêu nhỏ nhưng nó giúp ngăn thói quen đưa tay, có thể mang mầm bệnh, chạm lên mũi, miệng, mắt – những con đường cơ bản để virus thâm nhập vào cơ thể.

Cần đeo khẩu trang liên tục?

Virus corona có thể truyền từ người sang người, dù chưa rõ ở mức độ nào. Sự lây nhiễm có thể thông qua tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh qua các hạt trong không khí do ho, hắt hơi, hoặc do ai đó chạm vào người hoặc vật thể chứa virus sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt. Theo bác sĩ Angela Rasmussen – nhà virus học tại Trung tâm Nhiễm trùng & Miễn dịch tại Đại học Columbia (Mỹ), các tình huống cần có khẩu trang là khi mọi người ở trong đám đông hoặc đang chăm sóc người bệnh. “Nếu điều đó làm bạn cảm thấy tốt hơn, hãy đeo khẩu trang phẫu thuật”, bà khuyến cáo.

Cơ thể có khả năng miễn dịch tốt thì không cần đeo khẩu trang

Những người mang mầm bệnh virus viêm phổi cấp có các triệu chứng ho, khạc đờm, hắt hơi khiến virus phát tán qua không khí. Cơ thể dù có khỏe mạnh đến đâu cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh khi hệ miễn dịch suy giảm. Khẩu trang bảo vệ con người bằng cách ngăn chặn các chất lỏng văng ra môi trường xung quanh khi ho, hắt hơi, hoặc giúp người đeo không hít phải chất mang virus từ người khác. Tuy nhiên, khẩu trang không chặn được các sol khí nhỏ. Bên cạnh đó, khi đeo khẩu trang, mắt vẫn lộ bên ngoài. Tay người khỏe mạnh chạm vào giọt bắn có virus từ đồ vật bệnh nhân dùng, sau đó đưa lên mắt có thể gây lây nhiễm.

Khẩu trang N95 phòng virus hiệu quả hơn khẩu trang y tế?

Bộ Y tế Singapore khuyến cáo người dân không nên chủ quan sử dụng khẩu trang N95 để phòng chống lây nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán, ngay cả khi chúng là sản phẩm cháy hàng ở các hiệu thuốc. Thay vào đó, cơ quan này khuyên người dân nên chọn loại khẩu trang 2-3 lớp, thường được các bác sĩ sử dụng khi phẫu thuật.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, người bình thường chỉ cần dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết dùng mặt nạ N95, thậm chí có thể dùng khẩu trang vải giặt hàng ngày. Bộ Y tế khuyến cáo chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95, mặc đồ bảo hộ đặc biệt.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/nhung-hieu-lam-ve-khau-trang-gay-phan-tac-dung-phong-lay-cum-corona-d169035.html