Giấm táo ngày nay được nhiều người ưa chuộng vì có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên theo khuyến cáo người tiêu dùng nên đặc biệt lưu ý khi sử dụng sản phẩm này.
Theo ghi nhận hiện nay trên thị trường có nhiều loại giấm táo khác nhau, giấm táo đúng tiêu chuẩn chứa 5-8% acid acetic. Tưởng như đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết sử dụng giấm táo đúng cách, thậm chí nhiều người thường mắc sai lầm khi sử dụng dẫn tới những tác hại đáng tiếc cho sức khỏe. Do đó trước khi sử dụng sản phẩm này cần đặc biệt tránh những sai lầm.
Uống trực tiếp có thể làm tổn thương dạ dày
Nếu đã từng nếm thử giấm táo sẽ thấy rằng loại đồ uống này có vị rất chua. Bởi vậy dù có nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng uống theo cách này có thể có hại hơn là có ích. Do tính axit của giấm táo, uống trực tiếp có nguy cơ bị kích thích nghiêm trọng và gây tổn thương thực quản và dạ dày. Vì vậy, cần phải pha loãng với nước trước khi sử dụng, pha với nước là cách đơn giản, dễ làm để làm loãng giấm táo, từ đó giúp bảo vệ cổ họng và dạ dày khỏi axit và làm cho đồ uống này ngon miệng hơn.
Giấm táo có nhiều tác dụng phụ nếu dùng sai cách cần biết để tránh. Ảnh minh họa
Uống giấm táo ngay sau khi ăn có thể gây đầy hơi khó tiêu
Nếu có thói quen uống giấm táo sau bữa ăn, nên sửa đổi thói quen của mình. Các chuyên gia giải thích rằng uống giấm táo khi bụng đói có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nhiều người, đặc biệt là khi có tuổi, có xu hướng giảm lượng dịch dạ dày giúp phá vỡ thức ăn khi tiêu thụ. Bổ sung một chút giấm táo ngay trước khi ăn có thể giúp thay thế cho các loại dịch dạ dày bị mất này, cho phép thức ăn dễ tiêu hóa hơn nhưng kết quả là sẽ ít bị đầy hơi hoặc khó tiêu sau khi ăn.
Hít, ngửi mùi giấm táo có thể gây hại cho phổi
Giấm táo có thể gây ra một phản ứng khó chịu ở mũi hoặc mắt, vì vậy tốt nhất không nên hít hoặc ngửi quá gần. Giấm tỏa ra mùi mạnh có thể hoạt động như chất gây kích ứng. Nếu không cẩn thận hít vào có thể gây hại cho phổi và có thể gây ra cảm giác nóng rát ở đường hô hấp vì giấm táo có tính acid cao.
Uống trực tiếp có thể làm hỏng men răng
Ngay cả khi pha loãng, giấm táo vẫn là một chất chứa nhiều axit. Các chuyên gia cho rằng giấm táo có tính axit cao và do đó, có thể làm hỏng men răng. Bởi vậy, thay vì uống trực tiếp giấm táo ngay cả khi đã được pha loãng ta nên sử dụng ống hút để uống. Điều đó khiến giấm táo tiếp xúc ít với răng và giảm khả năng làm hỏng men răng. Ngoài ra tránh đánh răng trong ít nhất 30 phút sau khi uống giấm táo.
Uống giấm táo ngay trước khi đi ngủ có thể gây hại thực quản
Mặc dù uống giấm táo trước khi ăn là một ý tưởng tốt, nhưng uống trước khi ngủ thì lại không. Uống giấm táo ngay lập tức trước khi đi ngủ giấm táo sẽ lưu tại thực quản. Ngay cả khi bị pha loãng, giấm táo vẫn có thể gây hại cho thực quản trong khi nằm xuống. Bất kể thời gian nào trong ngày, nên đứng thẳng trong 30 phút sau khi uống để đảm bảo không bị trào ngược và kích thích thực quản.
Dùng giấm táo khi bị viêm loét dạ dày bệnh càng nặng
Phần lớn giấm táo có thể tăng cường sức khỏe tiêu hóa, nhưng nếu đang bị viêm loét dạ dày thì tốt nhất không nên sử dụng giấm táo. Nồng độ acid cao trong giấm táo có thể khiến tình trạng viêm loét dạ dày trở nên tồi tệ hơn.
Dùng giấm táo làm đẹp nhưng cần tránh vết thương
Có thể sử dụng giấm táo để làm đẹp da. Giấm táo có thể giúp loại bỏ mụn trứng cá hoặc thậm chí làm dịu vết cháy nắng. Nhưng với vết thương nhiễm trùng, không sử dụng giấm táo trực tiếp lên vết thương. Tiếp xúc lâu với giấm có tính axit cao có thể giết chết các tế bào da, ăn mòn da khiến da không lành được nữa.
Không dùng quá nhiều giấm táo
Dùng quá nhiều giấm táo có thể gây ra hàng loạt tác dụng phụ nguy hiểm như: Gây chứng liệt dạ dày (gastroparesis), do giấm táo làm giảm tốc độ thực phẩm rời khỏi dạ dày để đi vào đường tiêu hóa chậm hơn. Điều này làm chậm sự hấp thu thức ăn vào máu. Gây khó chịu đường tiêu hóa, do acid acetic có thể làm giảm sự thèm ăn và thúc đẩy cảm giác no đầy làm giảm lượng calo cần thiết.
Thậm chí nếu dùng giấm táo quá nhiều còn làm giảm nồng độ K và gây loãng xương, làm hư men răng, acid mạnh trong giấm có thể gây xói mòn răng. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy giấm làm mất đến 20% các khoáng chất của răng sau 4 giờ. Rát cổ họng vì giấm được xem là một “chất ăn da mạnh”, ăn nhiều quá sẽ gây cảm giác như bỏng rát ở niêm mạc cuống họng.
Ngọc Nga (T/h)
http://vietq.vn/nhung-dieu-khong-nen-lam-trong-khi-uong-giam-tao-d178815.html