Di chuyển qua vùng ngập nước luôn tiềm ẩn nguy cơ hư hại cho xe ôtô, đặc biệt là hiện tượng thủy kích. Để đảm bảo an toàn cho phương tiện và hành khách tài xế cần nắm rõ những lưu ý quan trọng khi đối diện với điều kiện thời tiết này.
Thiếu kỹ năng khi điều khiển ôtô qua vùng ngập nước có thể ngây hư hại cho xe, nguy hiểm cho hành khách. Ảnh minh họa
Những lưu ý khi lái xe qua vùng ngập nước
Trong trường hợp phải di chuyển qua khu vực ngập nước, điều đầu tiên cần làm là xác định mức độ an toàn của con đường phía trước. Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Văn Soạn – Chủ gara ôtô DTS (Cầu Giấy, Hà Nội), nếu mực nước ngập quá 25 cm, tài xế nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiếp tục hành trình. Mức nước trên 25 cm có thể dễ dàng xâm nhập vào khoang động cơ qua cổ hút gió hoặc ống xả, gây ra hiện tượng thủy kích – một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến xe chết máy và hư hại động cơ. Khi đi qua vùng ngập, hãy tắt điều hòa (nút AC) để giảm tải cho động cơ và tránh tình trạng hút nước vào qua quạt gió.
Với xe số sàn, nên di chuyển ở số 1, giữ đều ga để máy không bị ngắt đột ngột. Đối với xe số tự động, hãy chuyển sang chế độ bán tự động và duy trì ở số 1 để tránh nước tràn vào qua ống xả. Việc đạp ga mạnh và bất ngờ sẽ làm nước dễ dàng tràn qua lưới tản nhiệt và vào động cơ. Điều này cũng khiến vòng tua máy tăng cao, tạo ra lực nén mạnh hơn trong khoang động cơ, có thể dẫn đến việc cong tay biên và hư hỏng nghiêm trọng.
Trong trường hợp xe bị chết máy giữa đường ngập, tuyệt đối không cố gắng khởi động lại xe. Việc này sẽ làm tăng nguy cơ nước tràn vào động cơ, gây hiện tượng thủy kích và dẫn đến chi phí sửa chữa lớn. Tốt nhất là đẩy xe tới khu vực cao hơn và gọi cứu hộ.
Tiêu chuẩn kháng nước và khả năng bảo vệ của ôtô điện
Đối với ôtô điện, theo chuyên trang Electrifying khẳng định không có sự khác biệt giữa xe điện với ôtô sử dụng động cơ đốt trong khi phải đối diện với vùng nước ngập.
Về cơ bản, ôtô không phải phương tiện giao thông đường thủy và không được thiết kế để có khả năng vận hành ở điều kiện nước ngập. Tuy nhiên những vũng nước lớn hay cả một đoạn đường ngập nước là không hiếm gặp khi sử dụng ôtô, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt với sự ảnh hưởng của bão Yagi nhiều địa phương tại miền Bắc chìm trong biển nước. Tại thành phố Hà Nội nhiều tuyến phố cũng có dấu hiệu ngập lụt, nước tại các con sông dâng cao báo động.
Trước tình trạng ngập lụt diện rộng, khả năng kháng nước của ôtô điện được quan tâm đặc biệt nhờ hệ thống bảo vệ kỹ thuật tiên tiến. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng đánh giá khả năng kháng nước của xe là chỉ số IP (Ingress Protection), thể hiện khả năng kháng bụi và nước. Các dòng xe điện hiện nay, bao gồm những mẫu phổ biến như VinFast VF e34, Tesla Model S hay Nissan Leaf, đều đạt chuẩn IP67 hoặc cao hơn.
Chỉ số IP67 là tiêu chuẩn kháng nước rất cao, cho phép xe điện lội qua nước ở độ sâu tối đa 1 mét trong vòng 30 phút mà vẫn đảm bảo an toàn. Ví dụ, pin của VinFast VF e34 được bảo vệ bởi 3 lớp vỏ cùng cơ chế tự cách ly với phần còn lại của xe khi phát hiện có dấu hiệu ngấm nước. Ngoài ra, Volkswagen cũng công bố rằng pin của họ trên các mẫu xe điện có thể đạt tới chuẩn IP68 – cao hơn IP67, thường chỉ thấy trên các thiết bị đặc biệt như tàu ngầm.
Hệ thống pin và motor điện trên ôtô điện đều được trang bị nhiều lớp bảo vệ, bao gồm cơ chế tự ngắt kết nối điện khi phát hiện sự cố ngấm nước. Điều này giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối, không chỉ với người lái mà còn với hành khách trên xe. Hơn nữa, vị trí đặt pin thường nằm dưới sàn xe với khung gầm được gia cố, giúp bảo vệ tốt hơn trong điều kiện ngập nước.
Theo nghiên cứu của tờ Financial Express, các mẫu ôtô điện hiện đại có thể vượt qua những đoạn đường ngập một cách an toàn nhờ vào hệ thống bảo vệ kháng nước xâm nhập theo chuẩn IP65 hoặc IP67. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro khi đối diện với điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, dù có khả năng kháng nước tốt hơn, các chuyên gia vẫn khuyến cáo chủ xe không nên di chuyển qua vùng ngập nếu không cần thiết, để tránh gây hư hỏng cho các hệ thống quan trọng như pin, bộ điều khiển động cơ, hay phanh.
Nguy cơ hư hỏng với cả xe điện và xe xăng
Dù ô tô điện có khả năng kháng nước tốt hơn so với xe xăng, điều đó không có nghĩa rằng chúng hoàn toàn miễn nhiễm với các rủi ro khi di chuyển qua vùng ngập. Trong trường hợp xe bị ngập quá lâu hoặc nước ngập quá sâu, các chi tiết bên trong xe như hệ thống điều khiển động cơ, hộp số, và cả nội thất xe có thể bị ảnh hưởng.
Một trường hợp thực tế ghi nhận từ tài khoản Jason Hughes trên mạng xã hội X cho thấy, một chiếc Tesla bị hư hỏng bộ pin sau khi di chuyển qua một vùng nước “hơi sâu” trong vòng vài giây. Sự cố này đã khiến nước thấm vào pin và gây ăn mòn, khiến xe không thể khởi động lại. Điều này cho thấy rằng dù tiêu chuẩn IP67 có thể giúp xe lội nước, nhưng nếu vượt quá thời gian hoặc điều kiện cho phép, các hệ thống trên xe vẫn có thể bị tổn hại nghiêm trọng.
Về việc sạc xe điện trong thời tiết mưa bão vẫn đảm bảo an toàn nhờ vào thiết kế chống nước của pin và các trạm sạc, theo khẳng định của Tập đoàn Hertz. Nếu trạm sạc được lắp đặt đúng tiêu chuẩn, người dùng hoàn toàn có thể sạc xe trong điều kiện thời tiết xấu mà không lo ngại về vấn đề rò điện. Tuy nhiên, cần kiểm tra kỹ tình trạng của trạm sạc, xe và các phụ kiện sạc trước khi sử dụng để tránh những rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, chủ xe cần chọn vị trí sạc cao, để tránh ngập lụt gây hư hại tới tài sản.
Cần đặc biệt lưu ý khi sạc xe điện trong điều kiện thời tiết bão lũ. Ảnh minh họa
Việc lái xe qua vùng ngập nước đòi hỏi sự cẩn trọng và kiến thức về kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho cả người lái và phương tiện. Đối với cả xe xăng và xe điện, các tiêu chuẩn chống nước như IP67 cung cấp khả năng bảo vệ quan trọng, nhưng người điều khiển vẫn cần tuân thủ những biện pháp phòng ngừa cơ bản và tránh lội nước quá lâu. Sau khi vượt qua vùng ngập, hãy đưa xe tới các trung tâm dịch vụ để kiểm tra và bảo dưỡng nhằm tránh những hư hại lâu dài.
Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/nhung-dieu-can-lam-voi-tai-xe-oto-khi-qua-vung-ngap-nuoc-d225208.html