28.2 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 7 23, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNhững dấu hiệu điện thoại đã bị hack và cách xử lý...

    Những dấu hiệu điện thoại đã bị hack và cách xử lý hiệu quả

    Date:

    Related stories

    Điện thoại bị hack có thể gây rò rỉ dữ liệu cá nhân, mất quyền kiểm soát tài khoản và tiềm ẩn rủi ro tài chính. Nhận diện những dấu hiệu cảnh báo sớm và cách xử lý kịp thời sẽ giúp bảo vệ thiết bị và thông tin an toàn.

    Trong kỷ nguyên số, điện thoại thông minh không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn là nơi lưu giữ hàng loạt thông tin cá nhân nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, dữ liệu công việc, hình ảnh riêng tư hay mật khẩu các nền tảng trực tuyến. Điều này khiến thiết bị trở thành mục tiêu tấn công ngày càng phổ biến của tin tặc.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức rõ về nguy cơ bị xâm nhập, bởi quan niệm sai lầm rằng chỉ có máy tính mới dễ bị hack. Thực tế, điện thoại có thể bị tấn công qua các kết nối Wi-Fi công cộng, phần mềm không rõ nguồn gốc, hoặc các hình thức lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi. Thậm chí có thể do nhấp vào pop-up quảng cáo, truy cập trang web lậu. Các hành động này có thể tạo điều kiện cho mã độc xâm nhập, đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc giám sát thiết bị mà người dùng không hay biết.

    Người dùng có thể vô tình nhấp vào đường liên kết chứa virus hoặc mã độc thông qua email, tin nhắn, hoặc trang web độc hại. Khi nhấp vào các liên kết này có thể khiến cho các phần mềm độc hại được cài đặt trên thiết bị của mình, tạo điều kiện cho các cuộc tấn công mạng.

    Một tác nhân thụ động khác khiến điện thoại bị hack là việc sử dụng thẻ SIM chưa được đăng ký chính chủ. Kẻ tấn công có thể tận dụng và chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng thông qua việc truy cập vào các dịch vụ liên quan đến số điện thoại hoặc gửi tin nhắn độc hại.

    Một số dấu hiệu phổ biến cho thấy thiết bị có thể đã bị xâm nhập. Quảng cáo pop-up xuất hiện liên tục là biểu hiện rõ ràng của phần mềm quảng cáo (adware). Hiệu năng giảm sút, máy đơ, treo, hoặc tự khởi động lại bất thường có thể là do mã độc đang chạy ngầm, chiếm dụng tài nguyên hệ thống. Nếu thiết bị tự tắt hoặc bật máy không rõ lý do, camera hay micro hoạt động bất thường, nhiều khả năng đã có bên thứ ba điều khiển từ xa hoặc theo dõi.


    Cần nhận biết những dấu hiệu lạ trên điện thoại để biết cách bảo vệ các đối tượng xấu xâm nhập. Ảnh minh họa

    Xuất hiện các ứng dụng lạ, tin nhắn hoặc cuộc gọi không rõ nguồn gốc là biểu hiện điển hình của phần mềm gián điệp. Pin tụt nhanh, máy nóng lên khi không sử dụng cũng là những cảnh báo quan trọng. Nhận được mã xác thực hai lớp dù không thực hiện yêu cầu nào, bị đổi mật khẩu tài khoản hoặc bị khóa không rõ lý do cũng là các dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý.

    Ngoài ra, nếu dữ liệu di động tăng bất thường, hóa đơn cước phí cao không rõ nguyên nhân, các trang web hiển thị khác lạ hoặc bị chuyển hướng, hoặc thiết bị không thể tắt/mở theo cách thông thường thì có thể phần mềm độc hại đã chiếm quyền điều khiển.

    Khi nghi ngờ thiết bị bị hack, điều cần thiết là giữ bình tĩnh và thực hiện các bước xử lý đúng cách. Trước hết, nên dùng phần mềm bảo mật đáng tin cậy để quét toàn bộ hệ thống và tìm kiếm mã độc. Tiếp theo, cần gỡ bỏ hoàn toàn những ứng dụng không rõ nguồn gốc, không chỉ xóa biểu tượng mà phải xóa toàn bộ cài đặt.

    Việc sao lưu dữ liệu quan trọng nên được thực hiện ngay, tuy nhiên cần đảm bảo không sao lưu các tập tin có thể đã nhiễm mã độc. Đồng thời, sử dụng thiết bị an toàn khác để đổi mật khẩu tất cả các tài khoản cá nhân và kích hoạt xác thực hai lớp nếu có thể. Lịch sử trình duyệt, cookie và bộ nhớ cache cũng cần được xóa để loại bỏ mã độc có thể ẩn trong các tệp tạm.

    Đối với các tài khoản ngân hàng, email, mạng xã hội… nên kiểm tra kỹ hoạt động gần đây, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường thì cần khóa tài khoản, yêu cầu hỗ trợ từ nhà cung cấp hoặc ngân hàng. Hệ điều hành và ứng dụng trên máy cũng nên được cập nhật phiên bản mới nhất để vá các lỗ hổng bảo mật.

    Trong quá trình xử lý, nên ngắt kết nối mạng (Wi-Fi và dữ liệu di động), chuyển thiết bị về chế độ an toàn (Safe Mode) để giới hạn hoạt động của phần mềm độc hại. Vô hiệu hóa định vị GPS giúp ngăn chặn hành vi theo dõi vị trí từ xa. Trong trường hợp không thể làm sạch thiết bị bằng các biện pháp trên, việc khôi phục cài đặt gốc là bước cuối cùng cần thực hiện để xóa toàn bộ dữ liệu độc hại.

    Bên cạnh các thao tác kỹ thuật, việc cảnh báo cho người thân, đồng nghiệp và liên hệ với ngân hàng là rất cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro phát sinh do các hành vi mạo danh, lừa đảo. Khi thiết bị bị hack, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc mất dữ liệu cá nhân mà còn có thể kéo theo tổn thất tài chính, xâm phạm quyền riêng tư và đe dọa an toàn thông tin.

    Phòng ngừa vẫn là cách bảo vệ tốt nhất. Nên duy trì thói quen sử dụng thiết bị một cách an toàn: hạn chế cài ứng dụng từ nguồn không rõ ràng, tránh truy cập Wi-Fi công cộng không có bảo mật, thường xuyên cập nhật phần mềm và trang bị kiến thức cơ bản về an ninh mạng.

    Theo Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/nhung-dau-hieu-dien-thoai-da-bi-hack-va-cach-xu-ly-ngay-lap-tuc-d235406.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img