24.4 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng Một 20, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNhững cách giảm cân, giảm béo độc hại nhiều người vẫn theo

    Những cách giảm cân, giảm béo độc hại nhiều người vẫn theo

    Date:

    Related stories

    Hiện nay để giảm cân nhiều người thay vì tập luyện, ăn uống an toàn thì lựa chọn biện pháp giảm cân thần tốc. Điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

    Cân nặng được quyết định bởi nhiều yếu tố như kích cỡ bộ xương, tỷ lệ cơ bắp và mỡ, hàm lượng nước trong cơ thể, chất thải… Khi giảm cân, cân nặng sẽ bị thay đổi dựa trên việc cơ thể bị giảm nước và năng lượng chứ chưa chắc là sẽ giảm được mỡ thừa trong cơ thể. Có trường hợp giảm cân sai phương pháp dẫn đến việc bị mất nước và chất dinh dưỡng cũng như lượng cơ bắp, nhưng tuyệt nhiên mỡ thừa vẫn còn nguyên.

    Thực tế, tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận các trường hợp bị suy kiệt, hạ huyết áp, đường huyết, tiêu chảy, loét dạ dày… thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng do việc thanh lọc cơ thể sai cách hay uống các loại sản phẩm giảm cân.

    Thanh lọc cơ thể (Cleansing hay Detox)

    Bản chất detox là chế độ nhịn ăn và chỉ dùng một số loại nước hoa quả. Áp dụng nhiều nhất là chế độ nhịn ăn và uống nước pha muối (hoặc đường) với 8-12 quả chanh mỗi ngày.

    Dù gọi là chế độ thanh lọc cơ thể, thải độc nhưng cho đến nay, các nhà khoa học không tìm thấy chất độc cụ thể nào được thanh lọc mà lại thấy nhiều chất chuyển hóa độc được sản sinh trong chế độ ăn kiêng.


    Nhiều phương pháp giảm cân phản khoa học gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

    TS dinh dưỡng Cao Thị Thu Hương phân tích, não là cơ quan vô cùng quan trọng. Khi giảm đột ngột khẩu phần ăn, chỉ dùng các loại thức uống như nước chanh, nước đường, mật ong… tuy có chất đường nhưng không thể cung cấp đủ chất cho cơ thể. Não thiếu năng lượng, cơ thể thiếu hụt vitamin, gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan.

    Lấy ví dụ, TS Cao Thị Thu Hương phân tích: “Detox bằng nước chanh vào buổi sáng rất hại cho đường ruột. Hay ớt pha vào nước hy vọng đốt cháy năng lượng nhưng lúc đói, nó kích thích niêm mạc dạ dày và kích thích nhu động đường tiêu hóa”.

    Dùng thuốc, thực phẩm chức năng, cafe giảm cân

    Mới đây một phụ nữ 37 tuổi ở Hà Nội vì uống cafe giảm cân đã suýt chết. Sau khi uống cafe Hoàng Gia tới ngày thứ 3, chị thấy mệt, cảm giác khó thở, sang ngày thứ 4, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát, háo nước, hạ thân nhiệt đột ngột. Đến khi bất tỉnh, co giật toàn thân, sùi bọt mép, tiểu tiện không tự chủ, chị được gia đình đưa đi cấp cứu. Kết quả chụp chiếu cho thấy não chị bị tổn thương.

    Theo BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, sibutramine (một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn) có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng chất này từ năm 2010.

    Tại Việt Nam, năm 2011, Cục Quản lý dược đã đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng đã rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.

    Không chỉ cafe giảm cân có thương hiệu Hoàng Gia do Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát sản xuất, nhiều sản phẩm cafe giảm cân của các nhãn hiệu khác cũng được quảng cáo rầm rộ trên các sàn thương mại điện tử.

    Chất Sibutramine cũng từng được tìm thấy trong các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe với lời quảng cáo giảm cân nhanh chóng, đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) áp dụng các biện pháp xử phạt.

    Đơn cử như thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK) Viên uống giảm cân SEVEN DAYS (Lô sản xuất 202021109; ngày sản xuất 9/11/2020), thực phẩm BVSK Slim Phục Linh Plus; thực phẩm BVSK Slimming TIGI MAX 28; thực phẩm BVSK Feo dứa và Viên uống thảo mộc Mộc slim…

    TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cảnh báo người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo giảm cân siêu tốc. Bởi trong các sản phẩm giảm cân “ồ ạt” như vậy, có thể sẽ bị đưa thêm vào một số chất gây mất nước và kích thích tăng chuyển hóa của cơ thể hoặc kích thích đốt cháy mỡ cơ thể. Tuy nhiên khi người dùng dừng uống thuốc thì cân nặng lại quay về như cũ.

    Do đó, giảm cân bằng thuốc giảm cân không phải là biện pháp bền vững. Người sử dụng có thể phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ do mất nước, buồn nôn, chóng mặt…

    Nhịn ăn

    BS Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – phân tích, nhịn ăn hoàn toàn, cơ thể bị thiếu năng lượng nên giảm chuyển hóa, vì thế từ ngày thứ 3 trở đi người ăn kiêng sẽ không còn thấy đói. Tuy vậy, cơ thể vẫn phải tiêu hủy các mô dự trữ như mô mỡ, mô cơ và phải sử dụng các sản phẩm chuyển hóa độc hơn để sinh năng lượng. Não thiếu năng lượng, giảm chuyển hóa nên người ta thấy suy nghĩ chậm lại, người ăn kiêng tự cảm thấy… “thanh thản”.

    Thiếu năng lượng nạp vào, theo phản ứng bản năng sinh tồn, cơ thể sẽ phải tìm kiếm nguồn thức ăn. Một số giác quan bị huy động tối đa: Mắt tinh hơn, tai thính hơn… Vì thế nhiều người lầm tưởng cơ thể được thanh lọc khỏe khoắn hơn.

    Theo phân tích của BS Cấp, thông thường dự trữ năng lượng ở gan được hơn 1 ngày, dự trữ ở cơ và tổ chức mỡ được 1 tuần. Quá trình nhịn ăn nếu kéo dài, cơ thể khi hết nguồn dự trữ sẽ phải tiêu hủy các mô quan trọng (như: Mô cơ, mô mỡ…) để sinh năng lượng, thậm chí sẽ lan đến cả cơ tim và não dẫn tới tử vong. Ngoài ra chế độ này có thể gây thiếu hụt vitamin, rối loạn nước điện giải trầm trọng hoặc gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/nhung-cach-giam-can-giam-beo-doc-hai-nhieu-nguoi-van-theo-d199177.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img