Nhằm giảm phát thải khí nhà kính mới đây Mỹ, Đan Mạch, EU đã áp dụng thuế phát thải carbon thúc đẩy làn sóng xanh toàn cầu.

Đặc phái viên khí hậu của chính phủ Mỹ, John Podesta cho biết, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn “chảy máu carbon” từ các nhà sản xuất nước ngoài, gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước. Động thái này được xem là nỗ lưc phản ứng với sự cạnh tranh công nghiệp của Trung Quốc đồng thời giúp cắt giảm khí thải nhà kính.

“Mỹ sẽ chống lại tình trạng các nhà sản xuất nước ngoài bán hàng hóa công nghiệp phát thải nhiều carbon sang Mỹ mà không chịu bất cứ chi phí liên quan nào”, John Podesta cho biết.

Quyết định áp thuế carbon cũng đặt ra nhiều thách thức, mặc dù ngành công nghiệp Mỹ có lượng phát thải carbon thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể so với tiêu chuẩn của EU. Động thái này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại, khi các đối tác lớn của Mỹ đáp trả bằng các biện pháp tương tự, gây khó khăn cho chính các nhà xuất khẩu Mỹ.

Bên cạnh đó, việc Mỹ chưa xây dựng một hệ thống định giá carbon toàn diện trong nước cũng là một điểm yếu. Các doanh nghiệp Mỹ có thể gặp bất lợi khi xuất khẩu sang các thị trường đã áp thuế carbon.

Mặc dù tồn tại nhiều rủi ro nhưng cũng không thể phủ nhận tiềm năng to lớn của thuế carbon trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Đây có thể là đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ, khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch và giảm thiểu lượng khí thải carbon trên toàn thế giới.

Áp dụng thuế phát thải carbon là một giải pháp hữu hiệu để xanh hóa toàn cầu. Ảnh minh họa

Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, Anh sẽ áp dụng cơ điều chỉnh biên giới carbon, tương tự như khối Liên minh chau Âu (EU) vào năm 2026. Hiện có 75 hệ thống định giá carbon đang hoạt động trên khắp thế giới, chi phối 24% tổng lượng khí thải toàn cầu. Động thái của EU có thể tạo ra động lực để các nước khác giới thiệu hệ thống định giá carbon của riêng họ. Có nghĩa là thay vì để Brussel thu tiền thuế carbon, họ có thể tự thu tiền thuế này.

Liên quan tới giải pháp giảm thiểu khí thải mới đây Chính phủ Đan Mạch cũng đã quyết định áp dụng thuế phát thải carbon, tức nông dân sẽ phải nộp gần 100 USD/năm khi sở hữu 1 con bò. Được biết Đan Mạch nằm trong top những quốc gia về xuất khẩu thịt lợn và sữa lớn trên thế giới. Do đó, nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc là nguồn phát thải carbon lớn nhất tại quốc gia này. Theo đó, từ năm 2030, nông dân quốc gia này sẽ phải nộp mức thuế 672 krone/năm (khoảng 96 USD) với mỗi con gia súc mà họ sở hữu.

Với quyết định này, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế phát thải carbon trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục đích của loại thuế này nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trung bình một con bò sữa tại Đan Mạch thải ra khoảng 5,6 tấn khí CO2 tương đương mỗi năm. Từ năm 2030, mức thuế phát thải carbon tương đương 96 USD/con bò/năm và tăng lên thành 241 USD/con bò/năm vào năm 2035.

Ở Việt Nam có mô đàn lợn khoảng 28-29 triệu con, đàn trâu 2,3 triệu con, đàn bò (tính cả bò sữa) 6,7 triệu con, đàn dê và cừu 2,9 triệu con… Chăn nuôi cũng là ngành phát thải khí nhà kính ra môi trường lớn thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.

Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, tiềm năng của các biện pháp giảm phát thải liên quan đến ngành chăn nuôi trong cả giai đoạn 2021-2030 là 152,5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 54% tổng tiềm năng giảm phát thải của lĩnh vực nông nghiệp.

Theo danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2022, trong số các động vật có phát thải khí metan từ dạ cỏ, bò sữa gây phát thải khoảng 78kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76kg khí CH4/con/năm, bò thịt 54kg CH4/con/năm, ngựa 18kg CH4/con/năm, dê và cừu 5kg CH4/con/năm, lợn 1kg CH4/con/năm.

Với dự thảo trên, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức là sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi lợn và bò phải thực hiện công việc này. Các doanh nghiệp, trang trại sau khi kiểm kê khí nhà kính xong sẽ phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/my-dang-xem-xet-xay-dung-he-thong-dinh-gia-carbon-doi-voi-hang-nhap-khau-d222967.html