Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cá hồi dù rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải mọi loại cá hồi đều tốt vì chúng có thể nhiễm lượng vi nhựa nguy hiểm.
Theo thống kê của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, cá hồi là một trong những loại cá phổ biến nhất ở Mỹ, trung bình người Mỹ ăn khoảng 1157 gr cá hồi mỗi năm.
Không khó để hiểu tại sao loài cá này lại được yêu thích như vậy. Ngoài việc có vị ngon, hương vị nhẹ nhàng, dễ kết hợp với vô số loại rau, tinh bột, nước sốt và thậm chí cả rượu vang, cá hồi còn có hàm lượng calo thấp và chứa nhiều omega-3 axit béo. Tuy nhiên, không phải mọi loại cá hồi đều tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, có một lý do chính khiến người dùng không nên ăn một số loại cá hồi, bởi nếu ăn có thể tiêu thụ phải một lượng vi nhựa nguy hiểm.
Trong nhiều nghiên cứu cho rằng vi nhựa – những mảnh nhựa nhỏ có chiều dài dưới 5 mm, là nguồn ô nhiễm chính trong đường thủy – tồn tại trong ruột của các sinh vật biển.
Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy, vi nhựa dễ dàng được phát hiện trong phần thịt của cá mà con người thường xuyên ăn.
Cá hồi tiềm ẩn hạt vi nhựa nguy hiểm
Theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường (được báo cáo lần đầu tiên bởi Mother Jones), cá hiện là nguồn tiêu thụ vi nhựa phổ biến thứ ba đối với người Mỹ.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự ô nhiễm vi nhựa của cá hồi nói riêng. Cụ thể, một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Environmental Pollution đã phát hiện ra rằng vi nhựa có trong cá hồi Chinook con ngoài khơi đảo Vancouver ở British Columbia; trong khi bột cá hồi, cá mòi và kilka từ Iran được phát hiện có chứa từ 4000 – 6000 vi nhựa trên mỗi killigram.
Một bài báo năm 2020 được xuất bản trên Tạp chí Vật liệu Nguy hiểm xác định rằng “sự phong phú của vi nhựa có thể chuyển các chất ô nhiễm nguy hiểm sang hải sản (ví dụ: cá và tôm) dẫn đến nguy cơ ung thư ở người”.
Ngoài ra, một đánh giá nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng cho thấy, vi nhựa có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, thận, hệ hô hấp, da và thậm chí có thể vượt qua hàng rào nhau thai.
Theo một nghiên cứu năm 2020 do dự án Theo dõi lượng khí thải nhựa (TrackPlast) của Trung tâm Nghiên cứu Na Uy (NORCE), trong một nhóm gồm 20 cá hồi nuôi và 20 cá hồi đánh bắt tự nhiên, gần một nửa số cá hồi nuôi có dấu hiệu của vi nhựa trong mô, trong khi điều này đúng với chỉ “một số nhỏ” cá đánh bắt tự nhiên. Do đó, biết được nguồn thức ăn của cá bạn đang ăn có thể giúp bạn an toàn hơn.
Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Nuôi trồng Hải sản của Mỹ cho thấy, trong số 26 mẫu bột cá, phần lớn có chứa vi nhựa, nhưng không có vi nhựa được tìm thấy trong bột nhuyễn thể có nguồn gốc từ Nam Cực, một loại thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn uống của nhiều cá hồi nuôi.
Trước đó, một nghiên cứu khác cũng đã được tiến hành nhằm đo lường mức độ nhiễm vi nhựa của các loại hải sản ở Australia. Các nhà khoa học sử dụng một phương pháp mới để xác định và đo lường được 5 loại nhựa khác nhau tồn tại cùng lúc ở mô của mỗi mẫu phẩm.
Liên quan tới hạt vi nhựa tiềm ẩn trong các loại hải sản, GS Francisca Ribeiro (Viện Đại học Queensland, Australia), tác giả chính của cuộc nghiên cứu này cho biết, mục đích của cuộc nghiên cứu là để hiểu rõ hơn về những mối nguy hiểm tiềm ẩn của hải sản chứa hạt vi nhựa đối với sức khỏe của con người.
Trong các loài sinh vật biển ăn được, đáng ngạc nhiên là cá mòi có hàm lượng nhựa cao nhất. Tiếp theo là hàu, tôm sú nuôi, mực, cua xanh. Điều thú vị khác là lượng nhựa tồn tại rất khác nhau giữa các loài và khác nhau giữa các cá thể cùng loài. Trong đó, polyethylene có nhiều ở cá, còn ở hàu chỉ có duy nhất nhựa PVC.
Các chuyên gia tại Trường Y Hull và Ðại học York dự đoán lượng rác nhựa được tạo ra trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2060, khoảng 155 – 265 triệu tấn. Một khi những hạt vi nhựa đó nhiễm vào nước, chúng có khả năng xâm nhập cơ thể động vật có vỏ, cá và các sinh vật biển khác.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhieu-nghien-cuu-chi-ra-rang-khong-phai-moi-loai-ca-hoi-deu-tot-cho-suc-khoe-d204039.html