Hình thức đẹp, giá rẻ nên các loại xoong nồi bằng inox không thương hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bán tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên theo các chuyên gia nên cẩn thận khi mua sản phẩm này.

Thực tế, trong gian bếp của nhiều bà nội trợ, xoong nồi inox là vật dụng không thể thiếu. Chị Chinh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, thay vì dùng nồi nhôm, gia đình chị đã chuyển sang dùng đồ inox, vừa sạch sẽ, giá cả cũng không cao. Quan trọng là nó được bán ở khắp nơi nên mua bán cũng tiện”.

Không chỉ có chị Chinh mà rất nhiều bà nội trợ khác cũng tín nhiệm xoong nồi inox vì giá cả và chất lượng. Chị Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: “Ngày trước, nhà chị hay dùng nồi nhôm, nhưng nồi nhôm đế mỏng, dễ cháy, lại còn độc hại nữa. Trong khi đó, nồi inox chỉ đắt hơn chút xíu nhưng đáy nồi dày hơn, kho nấu tiện hơn mà cũng an toàn với sức khỏe”.

 

Nồi inox kém chất lượng nguy hại khó lường. Ảnh minh họa

Ai cũng nghĩ inox an toàn với sức khỏe nên trong những năm gần đây, sản phẩm này xuất hiện ở hầu khắp các gia đình. Các cơ sở kinh doanh xoong nồi từ chất liệu này cũng mọc lên như nấm với đủ mọi giá cả.

Tuy nhiên, trên thực tế theo chia sẻ của một chủ bán hàng đồ gia dụng bằng inox chính hãng tại Hà Nội, hiện nay trên thị trường có rất nhiều xoong nồi inox chất lượng kém được bày bán khắp nơi.

Trên một trang bán hàng online, một bộ nồi inox 5 món chỉ có giá 500.000 đồng, lại được khuyến mãi thêm rổ nhựa, hộp nhựa… Theo người bán, đây là nồi thanh lý của công ty nên mới có giá hời như thế. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ về chất liệu cũng như xuất xứ của sản phẩm, người bán mới thú thực là cũng không hay biết.

Có thể nhận thấy, các sản phẩm inox được bày bán từ chợ đến siêu thị phần lớn là hàng Trung Quốc với giá thành rẻ. Các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu hay của các nhà sản xuất lớn đều có giá khá cao và ít người mua.

Trước đó, Viện Nghiên cứu & Kiểm định chất lượng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã phối hợp với nhiều đơn vị cùng lĩnh vực tiến hành một khảo sát về chất lượng bình inox tại tỉnh này. Trong buổi thí nghiệm, người ta đã đựng nước trái cây vào bình giữ nhiệt inox và nhận thấy: sau một thời gian, hàm lượng kim loại nặng trong loại nước này đã tăng đột biến và vượt quá giới hạn cho phép.

Nguyên nhân là bởi axit trong các loại nước trái cây đã khiến tốc độ di chuyển của các hạt nguyên thủy tăng lên trong thời gian ngắn, rất độc hại đối với sức khỏe con người. Một điều đáng chú ý là các loại bình giữ nhiệt của Trung Quốc đều được làm từ chất liệu inox 202. Bàn về vấn đề sử dụng inox 202 trong sản xuất đồ gia dụng, TS Nguyễn Ngọc Phong – Viện Khoa học Vật liệu cho hay: Loại inox 304 khi sử dụng làm vật liệu gia dụng thì ít có khả năng bị thôi nhiễm vào thức ăn. Nhưng loại inox 201 và 202 xảy ra trường hợp thôi nhiễm mangan hay nhiều kim loại nặng khác là điều chắc chắn.

Thông tin thêm về sản phẩm này các chuyên gia của Viện Khoa học Vật Liệu Ứng dụng- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, trong các kim loại nặng có thể phôi ra từ xoong nồi inox, mangan là chất đáng lo ngại nhất vì nó ảnh hưởng mật thiết tới hệ thần kinh, gây ra các độc tố, hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng gần tương tự bệnh Parkinson. Lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể dẫn đến ngộ độc phổi, thận và tim mạch. Mangan đặc biệt nguy hại cho trẻ nhỏ bởi cơ thể trẻ dễ dàng hấp thụ được rất nhiều mangan trong khi tiết thải ra bên ngoài rất ít.

Rõ ràng, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại inox kém chất lượng mà nếu không tinh ý thì người tiêu dùng không thể phát hiện. Đây là những sản phẩm được làm từ những nguyên liệu giá rẻ, không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với những đồ gia dụng được làm từ inox mạ, thường có giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại hàng chục lần, vì trong quá trình sản xuất, cơ sở kém uy tín đã sử dụng chất mạ kém chất lượng pha tạp chất. Các chất mạ kém chất lượng nếu lẫn vào thức ăn lâu ngày tích tục trong cơ thể có thể gây hại cho sức khỏe, dẫn đến các loại bệnh nguy hiểm như gan, ung thư…

Thực tế, inox cũng có rất nhiều loại nhưng được chia thành 2 loại chủ yếu là inox hít và không hít với nam châm. Đối với việc nấu, chế biến thức ăn thì sử dụng loại inox không hít, còn với dao, muỗng nĩa cần có độ cứng, bền và bén thì sử dụng loại nhôm hít với nam châm.

Inox cũng được nhập về dạng thỏi hoặc tấm không khác gì nhôm. Chỉ có thêm một công đoạn nữa đó là đánh bóng sản phẩm. Hiện nay nhiều cơ sở chế biến inox đã thu mua, pha chế thêm một số các loại chất khác làm cho inox mất đi sự nguyên chất. Điều này làm cho nồi tiết ra các thành phần rỉ sét, độc hại khi nấu ăn trong thời gian dài.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/tac-hai-cua-do-gia-dung-bang-inox-kem-chat-luong-nhieu-gia-dinh-van-dang-dung-d180686.html