Các sản phẩm mang nhãn sinh thái có khả năng thu hút hơn 450 triệu người tiêu dùng tại khu vực châu Âu.
Nhãn sinh thái của châu Âu được xây dựng từ năm 1992 có biểu tượng là một bông hoa. Mục tiêu của nhãn bông hoa giúp cho người tiêu dùng có thể xác định sản phẩm đã được kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng tốt, giảm tác động của sản phẩm đến môi trường từ quá trình sản xuất đến quá trình loại bỏ sản phẩm.
Bên cạnh nhãn bông hoa, một số loại nhãn sinh thái khác (khác về hình thức và tên gọi) cũng được sử dụng phổ biến tại khu vực Châu Âu là: nhãn Thiên nga trắng tại khu vực Bắc Âu, nhãn Thiên thần xanh tại Đức…
Nhãn sinh thái của châu Âu được xây dựng từ năm 1992 có biểu tượng là một bông hoa.
Nhãn sinh thái Bắc Âu – Thiên nga Bắc Âu – là Nhãn sinh thái chính thức của các nước Bắc Âu và được xây dựng vào năm 1989 bởi Hội đồng các Bộ trưởng Bắc Âu với mục đích đưa ra một chương trình ghi nhãn môi trường góp phần vào việc tiêu dùng bền vững. Đây là chương trình mang tính tự nguyện và bao gồm nhiều sản phẩm và dịch vụ. Nhãn sinh thái Bắc Âu cũng được khởi xướng như là công cụ thực tế cho người tiêu dùng nhằm giúp họ lựa chọn một cách tích cực các sản phẩm lành mạnh về môi trường. Đây là hệ thống ghi nhãn sinh thái loại 1 của ISO 14024, đòi hỏi sự tham gia của cơ quan kiểm soát thuộc bên thứ ba.
Thiên nga Bắc Âu và Nhãn sinh thái EU đều là những chương trình ghi nhãn sinh thái dựa trên cách tiếp cận đa tiêu chí và theo vòng đời. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu về thủ tục cấp các loại nhãn này thì kiểm soát thành phẩm thôi vẫn chưa đủ mà phải kiểm soát toàn diện hơn. Đây là một trong những lý do khiến những tiêu chuẩn này được xem là tốn kém hơn.
Thiên thần xanh ở Đức là một công cụ chính sách môi trường phù hợp hơn với thị trường nhằm xác định các đặc điểm tích cực về môi trường của sản phẩm và dịch vụ. Ngày nay, khoảng 11.700 sản phẩm và dịch vụ trong số 120 nhóm sản phẩm mang nhãn Thiên thần xanh. Giống như Thiên nga Bắc Âu và Nhãn sinh thái châu Âu, Thiên thần xanh là nhãn loại 1 dựa trên vòng đời của sản phẩm.
Dấu xác nhận tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thân thiện đối với môi trường hoặc nhãn sản phẩm rau quả sản xuất hữu cơ cũng có thể được coi là nhãn sinh thái. Một dấu xác nhận tiêu chuẩn chỉ ra rằng sản phẩm (bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm) có ít tác động đối với môi trường so với những sản phẩm tương tự khác. Các tiêu chuẩn của EU về sản xuất và dán nhãn thực phẩm hữu cơ nằm trong Quy định EC/2092/91. Các nhà cung cấp ở nước thứ ba muốn xuất khẩu rau quả sản xuất hữu cơ cũng như dán nhãn sinh thái phải đáp ứng tất cả các quy định được ghi rõ trong Quy định EC/2092/91. Để chứng minh sự tuân thủ, nhà kinh doanh thực phẩm phải đăng ký với một cơ quan chứng nhận hữu cơ được EU chấp nhận và thực thi một kế hoạch chứng nhận hữu cơ kết hợp với sự xác minh độc lập về sự tuân thủ trên cơ sở hằng năm.
Một số nước đã chứng minh thành công với EU rằng họ có hệ thống kiểm soát sản xuất hữu cơ quốc gia tương đương và do đó việc nhập khẩu tự do các sản phẩm hữu cơ từ những nước này được cho phép. Các nhà kinh doanh cá thể ở hầu hết các quốc gia chưa chứng minh được có các hệ thống quốc gia tương đương về sản xuất hữu cơ yêu cầu phải có sự chấp nhận trước về xuất khẩu và một giấy chứng nhận nhập khẩu (được ban hành bởi một cơ quan quốc gia hoặc quốc tế được EU công nhận) kèm theo mọi lô hàng. Chi tiết về giấy chứng nhận nhập khẩu và thủ tục xuất khẩu sản phẩm hữu cơ sang thị trường EU được đưa ra trong Quy định EC/1788/2001.
Theo Sxsh.vn (22/8/2018)