17 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNhà ở giá rẻ liệu có thể xanh?

    Nhà ở giá rẻ liệu có thể xanh?

    Date:

    Related stories

    Nhà ở giá rẻ và nhà ở xanh – hai yếu tố tưởng chừng như trái ngược liệu có thể nhập làm một, liệu nhà ở giá rẻ có thể xanh hay cứ xanh là phải đắt?

    Nhu cầu cấp thiết về môi trường sống xanh với các dự án bất động sản đang được thể hiện ngày càng rõ nét. Nhiều đối tượng khách hàng kỹ tính và quan tâm nhiều hơn tới sự thoải mái của ngôi nhà và môi trường sống xung quanh, thay vì chỉ coi đó như một nơi đi, chốn về.

    Ý thức được điều này, nhiều chủ đầu tư đã nhắm tới tiêu chí “xanh” như một cách để gia tăng độ hấp dẫn của dự án bất động sản. Có thể kể tên khá nhiều dự án có yếu tố xanh như Park Hill, Vincom Village, Ecopark, Seasons Avenue, Imperia Garden, Goldmark City,…

    Tuy nhiên, có thể nhận thấy, đa phần các dự án này thuộc phân khúc cao cấp, dành cho những người có thu nhập cao. Còn với các dự án dành cho phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, thì rất hiếm có được điều này, thậm chí tại một số dự án, những tiện ích tối thiểu cũng chưa thực sự đảm bảo, do đó, cuộc sống xanh như mơ ước vẫn là khái niệm xa vời.

    Điều này dẫn đến sự ngộ nhận từ doanh nghiệp phát triển nhà ở cho đến người tiêu dùng khi cho rằng, chỉ những sản phẩm căn hộ cao cấp mới có chất lượng, mới có sản phẩm xanh, mới có bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, nhà ở dành xã hội hay nhà ở dành cho người thu nhập thấp cũng phải được chú trọng về các tiêu chuẩn sống.

    Nhà ở rẻ cũng cần “xanh”

    Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes, TS.KTS Trần Minh Tùng cho rằng, nhà ở đang là nhu cầu lớn của các đô thị Việt Nam, thậm chí còn là nỗi ám ảnh của nhiều người hiện nay. Trước sự gia tăng dân số thì nhà ở luôn ở trong tình trạng khan hiếm. Nằm trong bối cảnh đó, nhà ở giá rẻ lại còn khó khăn hơn. Hiện nhà ở giá rẻ mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của người dân và 40% trong chiến lược phát triển nhà ở tại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

    “Thực tế chúng ta đang có quá nhiều nhà ở cao cấp và thiếu nhà ở giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp. Mặc dù sự xuất hiện của nhà cao cấp là minh chứng cho sự phát triển của đô thị, nhưng cũng cần cân bằng nhà ở giá rẻ để đảm bảo an sinh xã hội cho đô thị đó khi số đông người dân đô thị có thu nhập không cao.

    Nhà giá rẻ có tiềm năng lớn nhưng phải xem xét trên lợi ích của nhà đầu tư. Vì nhà đầu tư là một doanh nghiệp kinh tế, mà doanh nghiệp kinh tế thì luôn phải chú trọng yếu tố tài chính, đã đầu tư thì phải đem lại lợi nhuận.

    Do đó, khi xây dựng nhà ở bán với giá rẻ thì phải cắt giảm chi phí để xây dựng nó. Nhiều chủ đầu tư còn cắt giảm những không gian chung không bán được như không gian xanh, vì trong quá trình vận hành còn phải bỏ tiền ra để duy trì nó. Dẫn đến một thực trạng là nhà ở giá rẻ thường chất lượng sẽ không cao nên người dân cũng không mấy mặn mà.

    Chính vì vậy, giá rẻ là điều kiện cần không phải yếu tố quan trọng nhất để mua nhà, còn tất nhiên ai cũng nghĩ nhà rẻ sẽ hấp dẫn nhưng mà hiện nay môi trường sống mới là cái tạo nên tinh thần của một chỗ ở”. Do đó, theo TS.KTS Trần Minh Tùng, nhà ở giá rẻ đã hiếm, nhà ở giá rẻ gắn với yếu tố xanh lại càng hiếm hơn.

    “Chúng ta vẫn thường nhắc đến nhà ở giá rẻ và nhà ở xanh, nhưng để vừa rẻ vừa xanh thì thực sự khó để tích hợp làm một. Bởi thông thường muốn chất lượng thì phải nhiều tiền và ngược lại, do đó các nhà ở xanh hiện tại chủ yếu nằm ở phân khúc cao cấp.

    Nói về nhà ở xanh thì trước đây cuộc sống của người dân Việt Nam rất xanh, đặc biệt ở nông thôn, không khí trong lành, cây cối xanh mát. Tuy nhiên chuyển qua thành phố thì mô hình này không còn phù hợp nữa dẫn đến cái “xanh” không còn theo kiểu nông nghiệp nữa mà là cái “xanh” của công nghệ. Tức là phải sử dụng nhiều công nghệ để đáp ứng nhu cầu xanh. Ví dụ như cần tạo ra năng lượng từ mặt trời thì sử dụng pin năng lượng mặt trời, thì pin này là cực kì hiện đại, chi phí đắt. Dẫn đến các công nghệ để giảm thiểu năng lượng tiêu hao, tiết kiệm chi phí cho đô thị thì rõ ràng cần giá tiền nhất định.

    Do vậy, đối với các chủ đầu tư thì “rẻ” đã khó rồi, lại thêm “xanh” nữa thì giống như bài toán được chất thêm một biến số, càng khó giải. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm được mà việc thực hiện sẽ mất nhiều công sức hơn, bởi nhà ở giá rẻ cũng cần xanh”.

    Theo TS.KTS Trần Minh Tùng, nhà ở giá rẻ và nhà ở xanh đang được xem là nhu cầu lớn của thị trường, nên những chủ đầu tư nào cung cấp được loại hình này thì tư ắt họ sẽ tạo được thương hiệu và uy tín trong mắt người dân. Bởi vì một thị trường nếu ai cũng đều phát triển nhà ở phân khúc cao thì ai sẽ là người quan tâm đến phân khúc thấp?

    “Nhưng muốn phát triển nhà ở giá rẻ xanh buộc kêu gọi các chủ đầu tư có tâm. Họ làm không chỉ vì lợi nhuận mà còn tạo xu hướng nhằm thay đổi thị trường, tìm ra những giải pháp cho nhà ở giá rẻ xanh”.

    Theo vị chuyên gia này, trước đây chúng ta có khái niệm xanh thụ động, tức là xanh thông qua các biện pháp bao che, ngăn cách, để đảm bảo mối quan hệ giữa tòa nhà và tự nhiên hợp lý nhất. Kiến trúc thụ động rất dễ làm, không khó như việc sử dụng công nghệ cao, tốn kém kinh phí. Ví dụ như trước đây nhà dân gian Việt Nam, chúng ta sử dụng mành vải chắn nắng, khiến không gian trong nhà thoáng mát, mành lọc ánh sáng, ngăn bức xạ mặt trời nhưng vẫn đảm bảo đủ ánh sáng bên trong. Để nhà vừa rẻ vừa xanh thì nên ứng dụng kiến trúc thụ động được đẩy lên cao hơn thay vì phụ thuộc vào máy móc.

    Dẫu vậy, để áp dụng kiến trúc thụ động từ nhà thấp tầng sang chung cư cao tầng thì hơi khập khiễng nhưng nếu có những nghiên cứu cụ thể thì hoàn toàn khả thi. Giải quyết bài toán này sẽ mất nhiều công sức, cho nên cần nhà đầu tư có tâm là như vậy.

    Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay ít nhà đầu tư nào làm được. Vì họ không muốn bỏ ra số tiền lớn để xây dựng nhà giá rẻ. Trong khi đầu tư vào các phân khúc khác sẽ có biên độ lợi nhuận cao hơn. Cho nên việc xây dựng nhà ở giá rẻ xanh cần tạo ra xu hướng, phong trào.

    Ưu đãi để nhân rộng mô hình

    Theo TS.KTS Trần Minh Tùng, những chủ dự án cung cấp các dự án này luôn phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ví dụ Nhà nước có thể tạo điều kiện hỗ trợ ưu đãi về đất đai, ưu đãi trong việc xây dựng, để đảm bảo chủ đầu tư vừa thu được lợi nhuận vừa tạo được sản phẩm tốt, có thương hiệu. Hay đặt điều kiện chủ đầu tư muốn xây dựng một tòa thương mại thì phải xây trước một căn xanh giá rẻ. Tức là xây dựng nhà ở xanh sẽ có quyền xây dựng nhà ở thương mại từ chính ưu đãi của Nhà nước:

    “Bởi chủ đầu tư họ luôn tính đến bài toán kinh tế, chứ không thể “phi lợi nhuận” ở tất cả các dự án. Còn người dân thì mong muốn nhà ở vừa chất lượng vừa rẻ. Nếu không có chính quyền hỗ trợ thì 2 nhu cầu đó khó gặp nhau, khi một bên cần kinh tế để tồn tại, một bên cần giảm giá xuống để có thể mua được. Đối với nhà cao cấp tức có nhiều tiền thì việc xanh hóa sẽ cực kì dễ. Còn khi có ít tiền mà muốn xanh thì bắt buộc phải sử dụng nhiều công sức hơn”.

    KTS Trần Minh Tùng cũng khẳng định, mặc dù Việt Nam đang phải đối phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường nên cần phải xanh hóa cuộc sống, nhưng nói thì dễ, còn để xanh hóa cuộc sống, cái quan trọng nhất là thay đổi quan điểm thì không phải chỉ nhà đầu tư có thể làm được mà cả xã hội phải làm điều đó, cần thay đổi nhận thức của người dân khi cho rằng, chỉ những sản phẩm căn hộ cao cấp mới có chất lượng, mới có sản phẩm xanh, mới có bảo vệ môi trường.

    Theo Reatimes.vn (29/7/2019)

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img