Để hạn chế muỗi cắn nhiều gia đình lựa chọn thuốc xịt muỗi hóa học. Tuy nhiên theo các chuyên gia, không nên lạm dụng sản phẩm này vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ.
Thời điểm cuối Xuân- đầu Hè muỗi và côn trùng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Muỗi là loài côn trùng trung chuyển một số bệnh nguy hiểm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 750.000 người trên toàn thế giới tử vong do các căn bệnh lan truyền từ muỗi, trong đó đa số là trẻ em.
Một số bệnh phổ biến do muỗi trung chuyển, là: Sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, nhiễm vi rút West Nile, sốt Rift Valley, viêm não Murray Valley, sốt Chikungunya, viêm não Nhật Bản, dirofi, viêm não ngựa (WEE).
Hiện nay để diệt muỗi nhanh, nhiều người chọn sử dụng các loại xịt muỗi có nguồn gốc hóa học. Các loại thuốc xịt muỗi hóa học này có ưu điểm là hạ gục nhanh, xịt một phát muỗi chết luôn. Tuy nhiên, chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Không nên lạm dụng thuốc xịt muỗi hóa học vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu bệnh sốt rét (Mỹ), có 57% số bác sĩ báo cáo rằng các bệnh nhân thường gặp các vấn đề về hô hấp như bị suyễn, kích ứng phổi sau khi sử dụng thuốc xịt muỗi. Những bệnh nhân trước đây chưa từng bị suyễn nay cũng bị “dính” sau khi hít phải thuốc xịt muỗi.
Thuốc xịt muỗi cũng rất dễ thấm qua da. Một khi thấm qua da, chúng sẽ đi vào máu và để lại ảnh hưởng cho các bộ phận trong cơ thể. Thậm chí nếu chưa đủ sức thấm vào bên trong cơ thể, chúng vẫn có thể bám trên bề mặt da, gây kích ứng da như nổi mẩn, ngứa da…
Đặc biệt là trẻ em rất dễ bị tổn thương khi bị nhiễm hóa chất có trong thuốc xịt muỗi, nhất là các loại thuốc cho chứa DEETT. DEET có trong thuốc xịt muỗi có thể gây rối loạn vận động và mất khả năng tập trung ở trẻ em.
Hiện, việc lạm dụng các loại hóa chất này để tiêu diệt muỗi và côn trùng vẫn đang gây nhiều tranh cãi, bởi nó không chỉ độc hại cho con người, môi sinh, an toàn thực phẩm mà còn tiêu diệt các sinh vật bắt mồi, kí sinh, làm tăng tính kháng thuốc của ruồi, muỗi và mất cân bằng sinh thái.
Theo các chuyên gia hóa học, thay vì sử dụng thuốc xịt muỗi hóa học, người dân nên chọn những cách phòng trừ và tiêu diệt muỗi an toàn hơn.
Biện pháp đơn giản nhất để phòng muỗi bay vào nhà là sử dụng khung mắt lưới với cỡ mắt lưới 1- 2 x 1-2mm để ngăn cản muỗi từ ngoài bay vào nhà. Khi trong nhà có muỗi thì dùng vợt diệt muỗi để xử lý. Đây là cách đơn giản, ít tốn kém và dễ thực hiện.
Đặc biệt, với diệt trừ muỗi, quan trọng là phải diệt tận gốc. Nghĩa là phải xử lý các ổ muỗi trong góc nhà, gầm cầm thang, gầm giường, giá treo quần áo, bụi cây, cống rãnh, các khu vực chứa nước như lọ hoa, chậu đựng nước (nơi bọ gậy, cung quăng vốn là giai đoạn trước trưởng thành của muỗi sinh sống và phát triển)…
Thường xuyên dùng vợt muỗi “khua” vào những nơi tối, ít ánh sáng. Vệ sinh thường xuyên những khu vực này. Ngoài ra, hãy tránh lưu cữu nước để đảm bảo bọ gậy, cung quăng không có nơi sinh sống và phát triển.
Dùng nước súc miệng Listerine vào bình xịt (loại bình xịt nhỏ dùng để tưới hoa) và xịt trên bàn ghế, thảm chùi chân… Listerine có tác dụng xua muỗi do trong thành phần có chứa dầu khuynh diệp (Eucalyptus oil).
Cách tiếp theo cũng khá hiệu quả đó là dùng tỏi giã nhuyễn. Chỉ cần vài củ tỏi tươi, dùng chày cối đâm nhuyễn cho đến khi chảy nước rồi thoa vào da. Ăn tỏi cũng có tác dụng đuổi muỗi. Khi ăn tỏi, mùi tỏi cũng sẽ được thoát qua các lỗ chân lông ở da, dù rằng chúng ta không cảm nhận được mùi tỏi thoát qua da nhưng muỗi thì rất nhạy cảm. Hoặc ăn nhiều loại thức phẩm có chứa vitamin B1, B12, vitamin C vì muỗi rất kỵ các loại vitamin này.
Trong trường hợp bất đắc dĩ phải sử dụng thuốc xịt muỗi, cần phải tuân thủ những nguyên tắc: Không sử dụng thuốc xịt muỗi khi trên da bị các vết trầy xước, bị vết thương… Không xịt thuốc trong những căn phòng kín mà nên mở cửa sổ phòng hoặc chỉ nên xịt thuốc bên ngoài sân vườn, không hít không khí ở những vùng vừa xịt thuốc. Không xịt thuốc gần ở những nơi cất giữ thực phẩm. Không xịt muỗi nếu trong phòng có trẻ em.
An Dương (T/h)
http://vietq.vn/nguy-hai-tu-thuoc-xit-muoi-hoa-hoc-d185033.html