14 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNguy hại sức khỏe khi dùng phải thuốc tân dược trộn đông...

    Nguy hại sức khỏe khi dùng phải thuốc tân dược trộn đông dược

    Date:

    Related stories

    Theo các bác sĩ, nếu không may sử dụng phải loại thuốc tân dược pha trộn đông dược sẽ nguy hiểm khó lường cho sức khỏe.

    Hiện nay một số điểm bán thuốc đông dược hay những phòng khám, cơ sở Đông y thường đưa ra những lời quảng cáo có cánh như: Đảm bảo bệnh khỏi ngay, công hiệu tức thời, bệnh nặng mấy cũng khỏi…” đã đánh vào điểm yếu của người bệnh là chỉ cần mau chóng khỏi. Tuy nhiên theo các lương y, một số phòng khám, cơ sở sản xuất thiếu y đức thường trộn vào thuốc Đông y các loại tân dược, nếu lạm dụng thì cực kỳ nguy hiểm.

    Nguy hiểm khi dùng thuốc tân dược pha trộn đông dược

    Theo PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, các thầy thuốc Đông y vừa qua đã tiếp nhận và điều trị không ít trường hợp bệnh nhân chữa bệnh xương khớp nhưng lại đồng thời mắc thêm bệnh do sử dụng quá liều thuốc có chứa corticoid hoặc thuốc Đông y trộn tân dược có tác dụng giảm đau.

     Nguy hại khó lường khi dùng phải thuốc tân dược trộn đông dược. Ảnh minh họa

    Hiện nhiều người cho rằng cứ hết đau nghĩa là khỏi bệnh nên khi các cơn đau xuất hiện thì lại tìm kiếm các sản phẩm giúp giảm đau nhanh để chữa trị mà không biết đây chính là một trong những nguyên nhân khiến khớp bị thoái hóa ngày càng nặng hơn. Nhiều sản phẩm chỉ tập trung giải quyết cơn đau, thậm chí thuốc đông dược tưởng chừng an toàn nhưng lại trộn lẫn corticoid để che lấp triệu chứng, xua tan cơn đau của người bệnh. Thực tế nhiều người phải chịu tác dụng phụ khi lạm dụng corticoid hoặc dùng phải thuốc đông y trộn chất này.

    Chiêu của các thầy lang rởm là mua thuốc tân dược nghiền thành bột, trộn vào dược liệu khác, bào chế thủ công thành các loại viên hoàn Đông y. Số khác thì bán thuốc sắc kèm theo những gói bột đựng tân dược đóng trong túi nylon không có nhãn mác và dặn người bệnh uống kèm thuốc sắc.

    Mục đích trộn như vậy là nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh giảm đau, ăn ngon, ngủ yên, tăng cân, sinh lực dồi dào, trí óc minh mẫn… Tuy nhiên, di chứng về sau sẽ rất khó lường vì người bệnh cứ tin rằng mình đang uống thuốc có nguồn gốc dược liệu an toàn và uống kéo dài. Chỉ đến khi phát hiện những tác dụng có hại thì đã muộn, tình trạng bệnh đã rất trầm trọng.

    Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay cũng có nhiều trường hợp dị ứng do tự dùng thuốc cả đông dược lẫn tân dược phải nhập viện. Phần lớn các trường hợp dị ứng chỉ có biểu hiện sẩn ngứa và mề đay (mày đay). Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp biểu hiện ngoài da của dị ứng nặng nề hơn như nổi bóng nước, hoại tử thượng bì da, loét các góc tự nhiên và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, như gan, thận,… cho dù tỷ lệ mắc các trường hợp này rất ít. Dị ứng thuốc xảy ra đối với người bệnh, bất kể tự dùng thuốc hay dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sỹ, đúng bệnh, đúng liều lượng thì dị ứng thuốc vẫn có thể xảy ra.

    Bởi nguyên nhân cơ bản của dị ứng thuốc là do người bệnh có cơ địa dị ứng. Những người bệnh này khi tiếp xúc với thuốc (dị nguyên), cơ thể sẽ sản xuất ra các kháng thể, khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên lần thứ hai, kháng thể sẽ kết hợp với kháng nguyên trên bề mặt tế bào mastocyte làm giải phóng ra các hoạt chất trung gian hóa học tác động vào các cơ quan, gây ra các biểu hiện dị ứng trên lâm sàng.

    Cách nhận biết thuốc tân dược trộn đông dược

    Liên quan tới vấn đề trên, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết, có những loại bệnh, có thể sử dụng kết hợp tân dược với đông dược để có kết quả điều trị cao, nhưng yêu cầu phải có phác đồ rõ ràng và cũng không được trộn chung. Đồng thời, thầy thuốc phải nói rõ để người bệnh biết và tuân thủ điều trị. Do đó, nếu là đông dược nhưng có trộn lẫn tân dược thì là thuốc giả mạo, bất hợp pháp, không được phép lưu hành và sử dụng cho người bệnh. Mục đích của người sản xuất đông dược trộn thêm tân dược vào là để lừa người bệnh, cứ tưởng đông dược trá hình này là thần dược.

    Điều đáng nói, việc trộn các tân dược vào đông dược rất khó phát hiện, vì trong đông dược có rất nhiều thành phần, đòi hỏi máy móc kiểm nghiệm hiện đại mới chiết tách được thành phần và tốn chi phí nhiều. Hiện nay, cả nước có viện kiểm nghiệm (trung ương) và mạng lưới trung tâm kiểm nghiệm (tỉnh, thành) nhưng khó có thể bao sân vì thuốc đông y từ nhập khẩu cho đến sản xuất trong nước nhan nhản, thậm chí cả thực phẩm chức năng.

    Trước thực trạng trên, để tránh tiền mất tật mang, theo khuyến cáo của các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, để tránh mua phải và sử dụng các thuốc đông dược có thể bị trộn thêm thuốc tân dược, người dân cần tránh mua những thuốc đông dược đã được chế biến thành dạng viên trôi nổi không nhãn mác rõ ràng, không nguồn gốc. Đặc biệt là những thuốc được bán kèm với những gói thuốc bột trắng có thể chứa thuốc tân dược. Tốt nhất là nên mua thuốc dạng thang sắc thì có thể tránh được việc bị trộn thuốc tân dược vào.

    Để phòng tránh dị ứng thuốc người bệnh cần phải tránh lạm dụng thuốc, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sỹ. Bên cạnh đó, bác sỹ trước khi kê đơn thuốc cho người bệnh cần phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng, tránh sử dụng lại những thuốc đã gây dị ứng cho người bệnh.

    An Dương (t/h)
    https://vietq.vn/nguy-hai-tu-thuoc-tan-duoc-tron-dong-duoc-d203307.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img