Chính quyền khuyến cáo không ăn thực phẩm trong bán kính 1 km từ đám cháy kho bóng đèn ở 87 Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội).

Thông báo do Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình, bà Trần Thị Nhiên ký ngày 29/8, cho biết sau đám cháy kho bóng đèn phích nước, tồn dư khói bụi, không khí nhiễm bẩn đã gây ảnh hưởng sức khỏe cán bộ, viên chức tại một số khu vực và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Phường Hạ Đình nằm giáp ranh phường Thanh Xuân Trung, nơi có nhà kho bị cháy.

Do đó, UBND phường khuyến nghị người dân không tiêu thụ các loại rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn… trong bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Các loại rau, trái cây tự trồng trong bán kính 500 m cần được tiêu huỷ.

“Cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày”, thông báo nêu.


Sau nửa ngày được dập tắt, khói bụi từ đám cháy vẫn bao phủ một vùng. Ảnh: Ngọc Thành.

Bên cạnh văn bản gửi cho các tổ dân phố, phường cũng phát loa tại khu dân cư, đề nghị các gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên, nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đến bệnh viện ngay.

Những bộ quần áo nhiễm khói bụi từ đám cháy cần được ngâm xà phòng nóng 70-80 độ trong vòng 30 phút, ngâm tiếp 20 phút với nước tẩy quần áo, rồi xả bằng nước sạch nhiều lần. Khu vực ngoại cảnh gồm bể nước, cây cối ban công, tường cửa cần được vệ sinh bằng nước xà phòng đặc 2-3 lần, và rửa lại bằng nước sạch nhiều lần.

Anh Nguyễn Ngọc Thọ, 42 tuổi, chung cư Hạ Đình (Thanh Xuân), cách hiện trường vụ cháy 150 m cho biết, gia đình anh đóng kín cửa kính từ tối qua nhưng trong nhà vẫn đầy mùi khét. “Từ sáng đến giờ tôi bị đau đầu chóng mặt, mỗi đợt gió tạt quá lại thấy ngộp thở”, anh Thọ nói. Gia đình anh đã đưa hai con nhỏ đến nhà người quen lánh nạn.

Tuy vậy, người dân phường Thanh Xuân Trung ở tâm đám cháy và những phường giáp ranh khác thì chưa nhận được khuyến cáo gì. UBND quận Thanh Xuân cũng chưa lên tiếng về thông báo của phường Hạ Đình.

PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá việc phường Hạ Đình cảnh báo “không dùng thực phẩm nuôi trồng trong bán kính một km tính từ vụ cháy” là phù hợp.

Ông cho hay cấu tạo của bóng đèn compact, đèn huỳnh quang bên ngoài là vỏ thủy tinh, nhựa, bên trong có hơi thủy ngân tạo ra tia cực tím chiếu vào vỏ huỳnh quang. Khi bóng bị cháy, phần nhựa polyme có thể tách thành các phân tử monome (một loại chất độc hại), đồng thời thủy ngân, bột huỳnh quang bị nung trong nhiệt độ cao sẽ thành thể hơi, hòa vào không khí.

Tất cả các loại chất này phát tán với nồng độ cao sẽ gây hại sức khỏe con người với các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở… Trong đó, thủy ngân là kim loại nặng độc hại, tích lũy dần trong cơ thể và khó đào thải. Nồng độ thủy ngân trong cơ thể tăng cao có thể gây thiếu máu cùng hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác.

“Một vài bóng đèn compact, huỳnh quang vỡ cháy không gây ảnh hưởng nhưng hàng vạn bóng đèn cùng vỡ sẽ gây tác động rõ ràng. Tôi cho rằng cần có khảo sát sớm về số lượng bóng đèn bị vỡ, hàm lượng thủy ngân trong mỗi bóng bao nhiêu để người dân yên tâm, tránh gây hoang mang”, PGS Côn nói.

Ông đề nghị nhà chức trách sớm lấy mẫu để đánh giá lượng thủy ngân tồn đọng trên mặt đất, lá cây, nguồn nước mặt trong khu vực.

Ông Lê Tuấn Định, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sáng 30/9 đoàn cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường và Trung tâm quan trắc môi trường Hà Nội sẽ đến hiện trường kiểm tra, ghi nhận số liệu.

Đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông bùng phát lúc 18h ngày 28/8, kéo dài suốt 5 tiếng. Nhiều máy móc, nguyên phụ liệu, hàng hoá cháy bị thiêu rụi. Hàng trăm m2 trong tổng diện tích 6.000 m2 nhà kho bị sập . Một ngày sau, cảnh sát vẫn túc trực phun nước làm mát, phong toả lối ra vào hiện trường.

Thiệt hại 150 tỷ đồng

Liên quan đến vụ cháy, ngày 29/8, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông báo cáo thống kê ban đầu vụ hoả hoạn gây thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng (5% tổng tài sản Công ty).

Chiều cùng ngày ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, đây là thống kê riêng của Công ty và quận nhưa nhận được báo cáo này. “Về nguyên tắc khi cơ quan điều tra vào làm việc sẽ làm rõ nguyên nhân và có thống kê thiệt hại cụ thể sau, chứ không chỉ dựa vào báo cáo kiểm đếm của công ty”, ông Thái nói.

Theo Bá Đô – Tất Định/Vnexpress.net