Nói đến ngộ độc thực phẩm và bệnh lây nhiễm qua thực phẩm, người ta thường chỉ nghĩ đến các chất độc có trong thực phẩm, các vi khuẩn gây bệnh, ít đề cập đến nấm mốc và độc tố của chúng.
Trong khi đó khoa học đã chứng minh, nếu chúng ta ăn phải thức ăn nhiễm nấm mốc, những độc tố của nó tích lũy trong cơ thể lâu dần có thể gây bệnh ung thư gan, suy thận, ung thư buồng trứng…
Hạt có dầu như đậu nành, vừng, hạt hướng dương… là thực phẩm dễ bị nấm mốc nhất; tiếp đến là bánh ngọt, mứt, xúc xích, thực phẩm chay… Dù sau khi được chế biến, những thực phẩm trên đều đã được tiệt khuẩn, nhưng nếu để lâu, bảo quản kém sẽ bị hỏng.
Trong các loại thực phẩm nhiễm nấm mốc, các loại hạt bị mốc được quan tâm nhiều nhất, bởi độc tố của chúng rất nguy hiểm. Nấm mốc ở hạt dù nấu chín thì độc tố vẫn còn. Như hạt lạc được rang ở nhiệt độ 150 độ C, các bào tử nấm đều bị diệt nhưng độc tố của chúng không bị phá hủy hoàn toàn, ăn vào rất nguy hiểm. Một số người có thói quen tiếc những thực phẩm chớm mốc, vẫn để ăn, hãy coi chừng ngộ độc.
Tốt nhất, chúng ta không nên vì tiếc thực phẩm mà cố sử dụng. Khi thấy hình dạng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến dạng hoặc nghi ngờ thực phẩm không bảo đảm an toàn thì dù có phải tiêu hủy vẫn còn ít tốn kém hơn là phải chịu các chi phí khắc phục hậu quả do chính nó gây nên. Vì thế không được đãi, rửa lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng vì độc tố sẽ còn lại bên trong. Khi phát hiện thực phẩm có biểu hiện nhiễm độc hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì không sử dụng và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn… để gửi đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc.
Theo Báo Hànộimới
https://petrotimes.vn/nguy-co-ngo-doc-tu-thuc-pham-nam-moc-577626.html